Đã gần 50 năm kể từ lần đầu gặp nhau, nhưng trong lòng CCB Nguyễn Quân, nguyên cán bộ tuyên huấn Trung đoàn 246 vẫn nhớ về Nguyễn Văn Hợi-nhân vật trong tác phẩm “Đây là sự “đầu hàng” của quân giải phóng” ông viết và được đăng trên Báo Quảng Trị năm 1968.

CCB Nguyễn Quân (bên trái) và CCB Nguyễn Văn Hợi.

Ngược dòng lịch sử, sáng 2-7-1968, Nguyễn Quân được cơ quan chính trị Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 báo tin: Chiến sĩ của tiểu đoàn là Nguyễn Văn Hợi dũng cảm đương đầu và tiêu diệt được nhiều tên giặc Mỹ ở cứ điểm 689, hiện đang bị thương, nằm ở trạm xá. Cụm cứ điểm Đường 9-Khe Sanh được Mỹ-ngụy xây dựng vững chắc với mục đích thu hút và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; trong đó cứ điểm 689 ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được xác định có tầm quan trọng chiến lược. Tiêu diệt được cứ điểm 689 sẽ tạo bàn đạp vững chắc tiêu diệt địch trên khắp chiến trường Đường 9-Khe Sanh. Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 689 được cấp trên giao cho Tiểu đoàn 3. Những ngày cuối tháng 6-1968 là giai đoạn Tiểu đoàn 3 siết chặt vòng vây, tiêu điệt địch chốt giữ cứ điểm 689...

Nhận được tin, Nguyễn Quân vội vượt núi trong mùi bom đạn chiến trường khét lẹt, hướng về trạm xá. Rất may, Hợi chỉ bị thương vào phần mềm và chấn động do sức ép của đạn pháo. Gặp cán bộ cơ quan cấp trên, chiến sĩ Hợi kể lại chuyện chiến đấu với địch. Tiểu đoàn 3 chiếm được cứ điểm địch vào sáng 1-7, sau khi đưa thương binh ra, Hợi nhận nhiệm vụ quay lại trận địa truyền lệnh của chỉ huy tiểu đoàn cho Đại đội 10 rút ra. Nhưng khi bộ đội vừa rút thì địch tổ chức phản công, khiến ban chỉ huy đại đội và chiến sĩ Hợi bị kẹt lại trận địa, phải xuống ẩn nấp dưới công sự tránh đạn pháo của địch. Tiếp đó, chiếc máy bay L19 của địch phóng một quả đạn khói, tiếng súng tiểu liên của địch nổ ran. Vừa nhô lên công sự quan sát, Hợi thấy hai tên Mỹ ở cách gần chục mét, liền nổ súng tiêu diệt.

Trận địa đã bị lộ, để ít ảnh hưởng tới vị trí ẩn nấp của Ban chỉ huy Đại đội 10, Hợi lao ra khỏi công sự, lợi dụng địa hình sườn dốc nhanh chóng lăn mình xuống một hố bom. Phát hiện mục tiêu, một chiếc trực thăng bắt đầu hạ cánh, những tên lính Mỹ tay lăm lăm súng vừa bắn, vừa tiến đến sát miệng hố, nơi chiến sĩ Hợi ẩn nấp và kêu gọi đầu hàng. Hợi cắn chặt môi, tay móc lựu đạn, rút chốt. “Này thì đầu hàng!”. Vừa hô anh vừa ném lựu đạn về phía địch. Sau hai tiếng nổ vang, Hợi lao lên khỏi hố pháo, tiếp tục lăn mình xuống phía dưới, nhưng bị đạn cối nổ ngay bên người, sức ép khiến máu mồm, máu mũi ộc ra.

Bị trúng lựu đạn, bọn Mỹ hoảng sợ quay ngược trở lại trận địa, không dám liều lĩnh truy kích về phía chân cứ điểm, nơi bộ đội ta đã làm chủ. Máy bay trực thăng cũng quay đầu biến mất. Chiến sĩ Hợi gắng sức lăn mình xuống khe suối và ẩn nấp trong một hang đá săm sắp nước. Đến tối, anh bò ra, trên đường tìm về đơn vị thì gặp các đồng chí Khoát, Quyển, Mậu đang đưa cơm lên chốt.

Vừa nghe Nguyễn Văn Hợi kể, Nguyễn Quân vừa ghi chép. Trong ngày 2-7, anh viết xong tác phẩm “Đây là sự “đầu hàng” của quân giải phóng”, gửi về tuyên huấn mặt trận, sau đó bài báo được đăng ở Báo Quảng Trị...

Tại buổi gặp mặt, trong hàng nước mắt nghẹn ngào, ông Hợi nói: “Báo cáo thủ trưởng Nguyễn Quân, hiện giờ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 năm xưa đã thành lập ban liên lạc. Chúng em đang cố gắng chung tay để đền đáp công ơn những đồng đội đã ngã xuống và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ban liên lạc đã xây nhà tình nghĩa tặng con trai liệt sĩ Lê Binh Chủng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị; đã trao hàng trăm phần quà và hàng chục xe đạp tặng con em đồng bào, gia đình người có công ở Quảng Trị… Đặc biệt, ban liên lạc đã vận động được khoảng 8 tỷ đồng để xây dựng Khu lưu niệm điểm cao (cứ điểm) 689...".

Bài và ảnh: ĐĂNG ĐỎ