Truyền thống của pháo binh Pháp
Pháo binh Pháp trở nên nổi tiếng toàn châu Âu dưới thời Hoàng đế Napoleon I, người bắt đầu binh nghiệp là một sĩ quan pháo binh. Với quan niệm “Chúa đứng về bên có lực lượng pháo tốt nhất”, pháo binh được coi là lực lượng trọng yếu của quân đội Pháp trong thời gian dài.
Napoleon I đưa ra mô hình “khẩu đội tập trung”, dồn toàn bộ lực lượng pháo binh trút lửa lên từng vị trí của đội hình đối thủ. Quân đội Pháp nhờ thế đã tung hoành khắp châu Âu trong thời gian dài và chiến thuật “khẩu đội tập trung” có ảnh hưởng lớn đến tổ chức pháo binh hiện đại.
Sang thế kỷ 20, trọng pháo Pháp là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng tại Verdun, một trong những trận chiến khốc liệt trong lịch sử nhân loại. Ngay cả khi thất bại trước phát xít Đức năm 1940, các đơn vị pháo binh Pháp vẫn là mối đe dọa hàng đầu, kể cả khi phòng tuyến Maginot sụp đổ.
“Khẩu đội tập trung” tại Điện Biên Phủ
Nhờ sự viện trợ hùng hậu của Mỹ, pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ chiếm ưu thế so với lực lượng Việt Minh. Mặc dù có ít pháo hơn nhưng quân Pháp chiếm lợi thế tuyệt đối về dự trữ đạn dược, có cầu hàng không tiếp tế. Trong khi đó, Quân đội ta phải vận chuyển pháo bằng sức người, qua các cung đường hiểm trở dưới mưa và các đợt ném bom ác liệt của không quân Pháp.
 |
Trung tá Charles Piroth (bên phải) trong hầm chỉ huy tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Chỉ huy pháo binh Pháp, Trung tá Charles Piroth là một sĩ quan dạn dày kinh nghiệm. Ông ta từng chỉ huy một trung đoàn pháo binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó theo danh tướng Philippe Leclerc đến miền Nam Việt Nam từ tháng 10-1945.
Năm 1953, Charles Piroth được chính tổng chỉ huy De Castries lựa chọn làm chỉ huy phó tại Điện Biên Phủ, đặc trách việc tổ chức lực lượng pháo binh cho căn cứ mà người Pháp tự tin gọi là “cối xay thịt” hay “Verdun Đông Dương” này.
Charles Piroth bố trí 30 lựu pháo cùng nhiều súng cối hạng nặng ở trung tâm cụm cứ điểm có thể dồn hỏa lực về bất kỳ hướng tấn công nào. Cách bố trí “khẩu đội tập trung” nổi tiếng lại tái hiện ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Không những thế, các tướng lĩnh Pháp kỳ vọng không quân đóng vai trò như “pháo binh trên không”, có thể ra vào ném bom “như chốn không người” do Việt Minh sẽ không có pháo phòng không và không quân ngăn chặn.
Piroth còn cho rằng, Việt Minh chỉ có thể triển khai những khẩu sơn pháo nhỏ và súng cối bởi thời tiết, địa hình cùng không quân đánh phá, việc vận chuyển pháo hạng nặng hơn vào chiến trường là điều không thể. “Tôi có thừa số pháo cần thiết”, Piroth nói, cam đoan rằng sẽ nghiền nát bất kỳ khẩu pháo Việt Minh nào sau 3 phút chúng khai hỏa!
Mọi tính toán bị đảo lộn
Rạng sáng 13-3-1954, loạt đạn pháo đầu tiên rơi vào trận địa của Piroth, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bất ngờ hơn, đó là tiếng gầm từ những khẩu lựu pháo 105mm tương tự như của quân Pháp. Piroth tỏ ra sợ hãi khi thấy Việt Minh có thể uy hiếp trực tiếp đến vị trí của ông ta, lại đưa được những khẩu pháo nặng hơn hai tấn băng rừng, vượt núi mà không bị phát hiện.
Đến ngày 15-3, mặc dù có không quân và pháo các cỡ bắn trả, các cứ điểm phía bắc Mường Thanh vẫn vỡ vụn một cách chóng vánh. Chỉ sau một đêm, hai khẩu lựu pháo 105mm và một khẩu 155mm của Pháp bị phá hủy.
Piroth bước vào hầm chỉ huy của De Castries với tâm trạng của một người đã mất tất cả. Ông chỉ tay một cách vô định lên bản đồ khi được hỏi về vị trí đặt pháo của Việt Minh. Sự kinh ngạc bao trùm khi một đội quân bị đánh giá thấp lại có thể áp đảo hoàn toàn pháo binh Pháp như vậy.
“Khẩu đội tập trung” đã bất lực trước cách bố trí “hỏa khí phân tán” từ các dãy núi bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ. Khác với những đối thủ quân Pháp từng đối mặt, vốn đưa cuộc chiến thành thế trận đấu pháo nơi người Pháp chiến thắng bằng số lượng đạn “rót” vào đối thủ, Việt Minh đã từ chối cơ hội cho quân Pháp phát huy thế mạnh của mình. Hầu hết đạn pháo quân Pháp rơi vào các trận địa nghi binh, hoặc trúng các công sự có mái che chắc chắn.
Trung tướng Henri Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương viết: “Việt Minh sử dụng chiến thuật khác hẳn truyền thống. Pháo của họ bố trí từng khẩu riêng lẻ, đặt trong hầm chống được đạn pháo, bắn vào chúng ta gần như trực diện” và cay đắng thừa nhận: “Cách đánh này đã làm đảo lộn mọi suy đoán của chúng ta”.
Sau khi bắn một nửa số đạn pháo dự trữ nhưng không tiêu diệt được bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh, lại bị tổn thất nặng nề, Piroth với hai hàng nước mắt, xin lỗi các sĩ quan, nói rằng mình đã mất hết danh dự và quân Pháp sẽ thua trận.
Chỉ hai ngày sau khi chiến sự bắt đầu, viên trung tá cụt tay tự sát bằng một quả lựu đạn trong hầm của mình. Thuộc cấp của Piroth bí mật chôn cất ông ta ngay trong căn hầm. Để tránh gây hoang mang, việc Piroth tự vẫn được giữ kín. Nhưng vài ngày sau, bằng cách nào đó, thông tin vẫn lộ ra qua các tờ báo thả xuống bằng dù khiến quân Pháp suy sụp tinh thần nhanh chóng.
Trong hơn 50 ngày ác mộng sau đó, quân Pháp chứng kiến hệ thống hào kiên cố của Việt Minh tiến đến siết dần từng chân lô cốt. Hình ảnh đó gợi nhớ đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, đến Verdun, nhưng lần này có một sự khác biệt to lớn. Không quân, pháo binh, những yếu tố làm nên sức mạnh của Pháp bị khắc chế. Máy bay Pháp thậm chí còn không dám ném bom chi viện do nguy cơ đánh trúng quân mình.
Với thế cờ bị “chiếu” hoàn toàn như vậy, lực lượng quân sự nhà nghề, hiện đại đã phải nhận thất bại quyết định. Sự bất lực của pháo binh Pháp-lực lượng nổi tiếng trên toàn thế giới trước Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ là ví dụ điển hình cho việc sức mạnh của vũ khí đã thúc thủ trước sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân Việt Nam. Thất bại của lực lượng pháo binh tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã mở đường cho thất bại toàn diện của Pháp ở trận quyết chiến chiến lược này.
ĐĂNG SƠN