Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 11-1967, chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của quân và dân ta có thể tạo ra một chuyển biến lớn, nhảy vọt bằng cách tập trung lực lượng mở cuộc tổng tiến công bất ngờ, táo bạo vào tất cả các thành phố, thị xã ở miền Nam, trong đó trọng điểm là các thành phố lớn Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng. Thời điểm tổng tiến công xác định vào đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (từ Giao thừa Tết Mậu Thân 1968). Đây là cuộc tổng tiến công đầu tiên của Quân đội ta kết hợp chặt chẽ với nổi dậy đồng loạt của quần chúng ở các thành phố, thị xã ở miền Nam, thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực rất căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi bật là chủ động tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến trong thành phố.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Huế. Ảnh tư liệu
Về tổ chức lực lượng trước khi diễn ra cuộc tổng tiến công, ta chủ động sử dụng các lực lượng chủ lực của Bộ, Miền và các quân khu tập trung trên các hướng tiến công trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam. Ở hướng Sài Gòn, lực lượng ta có 3 sư đoàn (5, 7 và 9) chủ lực Miền, một số trung đoàn bộ binh cùng 15 tiểu đoàn bộ đội địa phương, Đoàn biệt động F100, các đại đội độc lập và quần chúng nội, ngoại thành. Lực lượng bộ đội chủ lực Miền tập trung ở vùng ven và vành đai thành phố có nhiệm vụ tiến công một số căn cứ địch, ngăn chặn chủ lực Mỹ-Quân đội Sài Gòn ứng cứu Sài Gòn.
Trong khi đó, tại hướng thành phố Huế, lực lượng ta có 2 trung đoàn bộ binh (6, 9), sau được tăng cường 3 trung đoàn bộ binh của các Sư đoàn 324, 325, cùng 4 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo phản lực ĐKB, 6 đội biệt động, 2 đại đội bộ binh và một số trung đội du kích, tự vệ, cùng lực lượng quần chúng cách mạng nội thành. Ở hướng thành phố Đà Nẵng, lực lượng ta gồm Trung đoàn Bộ binh 31 (thiếu), 2 trung đoàn pháo binh (575, 577), 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn đặc công, các đơn vị biệt động, tự vệ thành phối hợp tiến công với Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5). Như vậy, đến đầu năm 1968, ta đã chủ động huy động và tổ chức xong lực lượng trên các hướng trọng điểm Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, cũng như trên toàn chiến trường miền Nam áp sát các vị trí địch, sẵn sàng chờ giờ G nổ súng.
Điểm nổi bật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là ta sử dụng lực lượng bộ đội chủ lực, đặc công, biệt động và lực lượng tại chỗ đồng loạt tiến công bất ngờ, kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, trọng điểm là ở các thành phố lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và đã giành nhiều thắng lợi to lớn. Tại Sài Gòn, đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, các đơn vị đặc công, biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn từ 5 hướng thọc sâu vào nội thành, bất ngờ tiến công Đại sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ tư lệnh hải quân… Trong khi đó, tại vòng ngoài, các Sư đoàn 5, 7, 9 chủ lực Miền và bộ đội địa phương tiến công nhiều căn cứ, ngăn chặn và kiềm chế hoạt động của các sư đoàn Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Thành phố Huế, trọng điểm thứ hai cuộc tổng tiến công, lực lượng ta đồng loạt tiến công vào 40 mục tiêu trong nội và ngoại thành. Các tiểu đoàn đặc công, biệt động và đơn vị bộ binh tiến công căn cứ Trung đoàn 7 thiết giáp ở Tân Thai, Tiểu đoàn công binh ở Nam Giao, Tiểu khu Thừa Thiên, Sở chỉ huy cảnh sát dã chiến, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ở Mang Cá… Đến ngày 3-2, lực lượng ta đánh chiếm phần lớn mục tiêu quan trọng trong thành phố, giành quyền làm chủ ở nhiều xã thuộc các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền… Từ ngày 7-2, ta tập trung lực lượng đánh địch phản kích, giữ vững quyền làm chủ thành phố Huế trong 25 ngày đêm, sau đó đánh địch ở vòng ngoài.
Tại Đà Nẵng, trọng điểm thứ ba, hai trung đoàn pháo binh 575 và 577 tập kích các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn và một số vị trí địch trong thành phố. Ở phía Bắc, Trung đoàn 31 cùng công binh và lực lượng vũ trang Khu 1 (Bắc Hòa Vang) tiến công đồn Nhất, Nam Ô, cắt đường số 1 đi Hải Vân. Ở phía Nam, Tiểu đoàn đặc công 98 và lực lượng vũ trang Khu 2 (giữa Hòa Vang) tiến công Sở chỉ huy Trung đoàn 51 địch ở Núi Bông, bãi xe Cẩm Bình, Cầu Đỏ, nam sông Cẩm Lệ. Tại nội thành, Tiểu đoàn 1 đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 địch.
Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân số, vũ khí trang bị kỹ thuật, sức cơ động và trình độ tác chiến, địch hơn ta gấp nhiều lần, thì việc chủ động tổ chức và sử dụng các lực lượng gồm bộ đội chủ lực, đặc công, biệt động và lực lượng tại chỗ đánh thẳng vào trung tâm đầu não chính trị, quân sự của địch ở các thành phố lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và nhiều thành phố, thị xã, kết hợp với nổi dậy của quần chúng là một quyết định đúng đắn, sáng tạo.
Đại tá DƯƠNG ĐÌNH LẬP