Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Pháo binh đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để tham gia, trong đó công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) xe, pháo, khí tài, đạn dược được xác định là rất quan trọng, bảo đảm cho pháo binh hành quân, chiến đấu thắng lợi. Ngay từ tháng 6-1971, các trung đoàn Pháo binh: 38, 45, 368, 675, 16 được củng cố, bổ sung thêm pháo xe kéo, nhân viên kỹ thuật. Các trung đoàn Pháo binh: 58 (Sư đoàn 308), 68 (Sư đoàn 304), được trang bị pháo 105mm, 122mm, cối 120mm. Các trung đoàn: 154, 178 (Quân khu 3), 164 và 166 (Quân khu 4) được trang bị thêm pháo 85mm, 100mm, 122mm. Tiểu đoàn 371 tên lửa chống tăng B72 được tăng cường quân số trang bị để tổ chức thêm nhiều đại đội chiến đấu. Sau khi được củng cố về tổ chức, trang bị, các đơn vị tổ chức huấn luyện theo phương châm "hệ thống cơ bản, toàn diện, lấy chiến thuật làm trung tâm, lấy kỹ thuật làm cơ sở".

Khẩu đội pháo dân quân xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) năm 1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH. 

Cùng với củng cố tổ chức, biên chế, bổ sung trang bị, các đơn vị pháo binh đã tích cực, chủ động huấn luyện, phối hợp với các đơn vị bạn diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân-binh chủng. Đồng thời trên chiến trường, các đơn vị đã tăng cường làm công tác BĐKT cho pháo binh cơ động chiến đấu. Trên chiến trường Trị-Thiên, ngoài số trạm sửa chữa của các trung đoàn Pháo binh tham gia chiến dịch: 38, 368, 84, 58, 68, Bộ tư lệnh Pháo binh còn tổ chức 4 đội, Cục Quản lý xe-máy 1 đội, Cục Quân khí 1 đội, Cục Quân giới 1 đội sửa chữa cơ động vào phục vụ chiến dịch. Các đội đều được trang bị xe công trình và dụng cụ sửa chữa xách tay, vừa sửa chữa cho các đơn vị pháo binh, vừa sửa chữa số pháo hư hỏng trước còn để lại ở Bù Lạch, Mường Nòng và số xe pháo hư hỏng còn lại dọc đường chiến lược từ Binh trạm 31 đến Binh trạm 34, hộ tống các đơn vị hành quân dọc theo Đường 15. Ở Tây Nguyên, ngoài trạm sửa chữa của các trung đoàn: 675, 40, Bộ còn bổ sung Đội sửa chữa T61 của Cục Quân giới. Theo yêu cầu của mặt trận, Trạm T61 được chia làm 3 bộ phận: Bộ phận đi hướng Đông sông Pô Cô (Kon Tum) làm nhiệm vụ sửa chữa pháo 105mm và 155mm, bộ phận đi Đức Cơ sửa chữa các loại pháo 105mm, 85mm, 37mm, cối 160mm, phục vụ cho pháo binh chiến đấu trên Đường 14; bộ phận đi Plây Cần thu hồi sửa chữa pháo địch, tham gia sửa chữa và kiểm tra kỹ thuật vũ khí, khí tài của Trung đoàn Pháo binh 675, các binh trạm phía Bắc và ở giữa của tuyến 559. Ở Đông Nam Bộ, ngoài các trạm của Đoàn Pháo binh 75, Xưởng OX1, B109 hiện có, Bộ tư lệnh Pháo binh còn tăng cường 2 trạm sửa chữa xe, pháo vào tham gia chiến dịch.

Ngày 30 và 31-3-1972, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch ở cả 3 hướng chính là Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên (đánh địch ở Tân Cảnh và thị xã Kon Tum), Đông Nam Bộ (tiến công địch từ Lộc Ninh đến Bình Long). Tại Quảng Trị, trước giờ nổ súng, số xe pháo của các đơn vị được bảo dưỡng, sửa chữa đạt từ 90% đến 100%, mỗi tiểu đoàn pháo xe kéo được bổ sung từ 1 đến 2 xe kéo pháo và đầy đủ phụ tùng, vật tư như yêu cầu. Các đội sửa chữa cơ động hoạt động liên tục không kể ngày đêm bảo đảm cho xe pháo, đạn bước vào chiến đấu. Riêng về đạn, các trận địa được bảo đảm 80% (chủ yếu cho đợt 1 và đợt 2), Cụm pháo binh 368 ở phía Nam do vận chuyển khó khăn, nên chỉ bảo đảm được 20% yêu cầu. Trong chiến dịch, do cường độ chiến đấu cao, lượng đạn tiêu thụ rất lớn, pháo binh phải liên tục cơ động bám đánh địch, nên công tác BĐKT rất khẩn trương, các đội sửa chữa phải cơ động liên tục để phục vụ chiến đấu. Kết quả công tác BĐKT pháo binh đã góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị...

Tại Tây Nguyên, mặc dù địa hình hiểm trở, địch dùng máy bay đánh phá ác liệt, nhiều xe pháo bị hỏng, song cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã dũng cảm, khẩn trương BĐKT, đưa được 86% số pháo và 75% xe đến đích đúng thời gian quy định; sửa chữa kịp thời xe, pháo hỏng đưa vào chiến đấu. Để bù lượng vũ khí, đạn thiếu, ta đã tổ chức huấn luyện pháo thủ, thợ sửa chữa pháo chiến lợi phẩm thu được của địch, đưa vào chiến đấu. Trong chiến dịch, hàng chục khẩu pháo và hàng nghìn viên đạn pháo 155mm, 105mm, đưa 15% pháo xe kéo, 36% đạn thu được vào sử dụng ngay.

Trước chiến dịch tiến công ở Nam Bộ, lực lượng kỹ thuật đã sửa chữa toàn bộ các hư hỏng của xe, pháo. Hậu cần Miền tổ chức 16 đại đội, 5 trung đội kho phục vụ chiến dịch, đội tàu Trường Sơn đã ghép 2 ca nô lại, lát ván sàn, ghép thùng phuy hai bên bảo đảm đưa xe, pháo vượt sông. Trong chiến đấu, trạm của Đoàn 75 thu hồi được dầu thủy lực, OHA, bộ kiểm tra dầu hơi, bổ sung đủ dầu hơi cho pháo 105mm, 155mm trong suốt chiến dịch. Trạm còn sản xuất cụm phát hỏa cho mỗi khẩu pháo 105mm, hai cụm để dự phòng; thu 19 khẩu pháo 105mm, 5 khẩu 155mm và 4.513 viên đạn pháo cùng loại kịp thời bổ sung cho chiến dịch.

Thắng lợi của các cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã góp phần làm phá sản Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, cùng với thắng lợi của Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

XUÂN ĐỨC - VĂN NGHỊ (Theo tài liệu của Cục Kỹ thuật, Binh chủng Pháo binh)