Mục đích của chiến dịch này là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng địa bàn phía nam Tây Nguyên, mở rộng hành lang nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu 5, thực hiện chia cắt chiến lược, tạo cục diện chuyến biến lớn để mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Trên cơ sở so sánh lực lượng giữa ta và địch, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ tác chiến được giao, từ ngày 17 đến 19-2-1975, Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn phương án tác chiến, trong đó xác định chọn 5 hướng và mục tiêu tiến công chiến dịch, gồm: Hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu là thị xã Buôn Ma Thuột-Đức Lập, trong đó, mục tiêu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Hướng và mục tiêu tiến công quan trọng là khu vực Thuần Mẫn (Cẩm Ga) nhằm cắt đứt Đường 14, chia cắt các lực lượng địch ở Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên, ngăn chặn cánh quân ở khu vực Kon Tum-Pleiku xuống ứng cứu cho Buôn Ma Thuột. Hướng phát triển chiến dịch là Phú Bổn, Quảng Đức, trong đó chủ yếu là Phú Bổn, bao gồm cả thị xã Cheo Reo. Hướng bao vây chia cắt chiến dịch là khu vực Đường 19 (cắt đoạn từ đông Pleiku qua An Khê tới đông Bình Khê), cắt đứt Đường 21 ở phía đông và tây Chư Cúc, chặn cánh quân đồng bằng duyên hải từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lên ứng cứu cho Tây Nguyên, đồng thời ngăn chặn cánh quân ở Buôn Ma Thuột rút về đồng bằng ven biển. Hướng nghi binh chiến dịch là Pleiku và Kon Tum, các đơn vị ta trên hướng này phải tạo thế chuẩn bị tiến công, kiềm chế, giam chân khối chủ lực của quân đoàn 2 địch tại khu vực Pleiku-Kon Tum.
 |
Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu |
Về phía địch phán đoán, nếu ta đánh Tây Nguyên sẽ tấn công phía bắc, nên đã tập trung quân phòng giữ Pleiku-Kon Tum; còn ở phía nam lại để lực lượng trấn giữ Đắc Lắc ít hơn. Địch còn cho rằng, trong năm 1975, ta chưa đủ sức đánh Buôn Ma Thuột, hoặc nếu đánh thắng cũng không thể giữ được khi bị phản kích chiếm lại. Buôn Ma Thuột là vị trí xung yếu, nhưng địch có nhiều sơ hở và càng vào trong thị xã, lực lượng phòng thủ càng mỏng. Mặc dù ta gặp khó khăn về nắm địch, địa hình, tập kết lực lượng, nhưng đây là nơi địch yếu và sơ hở nhất. Nếu giải phóng được Buôn Ma Thuột, ta sẽ đập tan hệ thống phòng ngự của địch ở Nam Tây Nguyên, tạo thế trận hiểm mới, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5.
Trong toàn chiến dịch này, ta huy động các đơn vị: Chủ lực của bộ (14 tiểu đoàn bộ binh), chủ lực của Quân khu 5, miền Đông Nam Bộ tăng cường (10 tiểu đoàn), phối hợp với LLVT tại chỗ (28 tiểu đoàn). Thực tế về lực lượng, ta chỉ có ưu thế tương đối so với địch. Thế nhưng, do ta nghi binh tạo thế giỏi nên đã buộc địch phải phân tán lực lượng thành hai khối ở Bắc và Nam Tây Nguyên. Do địch phán đoán sai, cho rằng ta tập trung đánh vào phía bắc Tây Nguyên trước nên đã đưa một bộ phận lực lượng quan trọng trấn giữ khu vực Pleiku-Kon Tum; còn ở Nam Tây Nguyên địch lại bố trí lực lượng ít hơn. Trong khi đó, ta tập trung lực lượng tạo ưu thế chuẩn bị đánh trước ở Nam Tây Nguyên, nên tạo yếu tố bất ngờ. Chính vì vậy, khi ta tiến công ở Nam Tây Nguyên, địch hoàn toàn bị bất ngờ và nhanh chóng dẫn đến thất bại
Ngoài nghệ thuật chọn hướng và mục tiêu đúng đắn, trong chiến dịch này, ta đã tạo và phát huy hiệu quả ưu thế trong các trận then chốt chiến dịch. Trong trận then chốt mở đầu ở Buôn Ma Thuột (từ ngày 10 đến 11-3-1975), so sánh lực lượng giữa ta và địch, về bộ binh: 4,5/1, pháo binh: 5/1, xe tăng: 5,5/1… Với ưu thế về lực lượng và cách đánh phù hợp, ta đã giành thắng lợi nhanh chóng, mở ra thế phát triển mới về chiến dịch và chiến lược không chỉ ở Tây Nguyên mà cho cả miền Nam.
Tiếp đó, trong trận then chốt thứ hai (từ ngày 14 đến 18-3), ta chỉ sử dụng lực lượng tương đương với lực lượng phản kích địch, nhưng hơn hẳn thế trận, bởi đã cài thế đánh úp khi địch đổ bộ, vì vậy cũng nhanh chóng giành thắng lợi, đánh bại ý đồ tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển.
Đến trận then chốt thứ ba, khi truy kích địch rút chạy trên Đường 7 (từ ngày 18 đến 24-3), tuy quân địch đông hơn ta nhưng đã thất thế, tinh thần hoang mang, bạc nhược, chỉ huy rối loạn. Còn ta tuy lực lượng ít hơn địch, nhưng có thế trận mạnh hơn là dồn địch vào một tình thế rất bất lợi, rút chạy hỗn loạn nên đã tiêu diệt quân địch, đập tan ý đồ bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP