Nhiệm vụ của sư đoàn là tiến công, ngăn chặn địch trên Đường 13, dài gần 20km, đoạn từ nam Bình Long đến bắc Chơn Thành, trọng điểm là khu vực Tàu Ô, tạo điều kiện cho Sư đoàn 5 tiến công giải phóng Lộc Ninh và Sư đoàn 9 giải phóng căn cứ An Lộc (Bình Long).
Thực hiện chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày và không để địch cùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua chốt chặn Tàu Ô, Sư đoàn 7 lập thế trận bao vây chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn.
 |
Xe bọc thép của địch bị phá hủy khi tiến công đánh phá chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13. Ảnh tư liệu. |
Để khơi thông Đường 13 và đập tan lực lượng Quân Giải phóng chốt chặn Tàu Ô, địch huy động toàn bộ lực lượng của các sư đoàn 18, 21, 25, lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta. Trong 3 ngày đầu (từ 5-4 đến 8-4-1972), địch dùng hai phi đội máy bay chiến thuật với 120 lần chiếc đánh vào Tàu Ô; 80 lần chiếc yểm trợ cho bộ binh tấn công vào Tàu Ô. Địch còn gọi máy bay chiến lược B52 đánh 2 lần vào 2 giờ gần nhau, đánh thành chữ (X) lấy Tàu Ô làm giao điểm từ tây sang đông với chiều sâu 800m. Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn tồn tại và kiên cường chống trả quyết liệt mỗi ngày.
Trong suốt 150 ngày đêm chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 5-4 đến 28-8-1972), Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như: Đánh phục kích, tập kích, vây ép… tiêu diệt 8.189 tên; bắt 211 tên địch; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Quốc lộ 13.
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho Mỹ-ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt của Sư đoàn 7 cùng với quân dân địa phương đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
DUY HIẾN