Cụ Hoàng Đức Quân năm nay 96 tuổi nhưng còn mạnh khỏe và khá minh mẫn. Theo lời cụ, vào tháng 10-1947, cụ là bí thư thanh niên cứu quốc xã Yên Kiện, được phân công cùng du kích xã giúp bộ đội địa phương bố trí trận địa giả ở bên bờ sông Lô thuộc địa bàn xã Hữu Đô, huyện Đoan Hùng. Nhiệm vụ cụ thể là thu gom rơm, rạ, nứa, nhựa thông đem nhồi vào chiếc thùng rỗng... đợi khi có lệnh sẽ đốt lên làm khói, tiếng nổ, tạo trận địa giả, đánh lừa máy bay địch.
 |
Chiếc trống cái dùng làm hiệu lệnh trong trận đánh trên sông Lô hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2. |
Nhớ lại sự kiện diễn ra cách đây 73 năm trước, cụ Quân chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về chiếc trống cái của Nhà thờ Lã Hoàng, xã Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) được bộ đội và nhân dân Chiến khu 10 (LLVT Quân khu 2 ngày nay) dùng để phát tín hiệu hiệp đồng chiến đấu trong trận phục kích diệt tàu địch trên sông Lô, đoạn chảy qua xã Chí Đám, ngày 24-10-1947.
Theo đó, thu đông năm 1947, thực dân Pháp tập trung lực lượng (khoảng 12.000 tên) mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc với âm mưu bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực của ta, hòng kết thúc chiến tranh xâm lược một cách nhanh chóng. Chúng tiến công trên hai hướng chính phía đông và phía tây, tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt Việt Bắc. Ngày 23-10-1947, hai tàu địch chở đầy binh lính và hậu cần bị ta chặn đánh ở đoạn qua ghềnh Khoan Bộ, thuộc làng Khoan Bộ, xã Phương Khoan (nay thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Cả hai tàu địch bị trúng đạn. Hôm sau, địch cho một đoàn tàu gồm 5 chiếc, có 6 máy bay yểm trợ từ Tuyên Quang xuống ứng cứu.
Nắm được ý đồ của địch, Bộ tư lệnh khu 10 quyết định tổ chức trận phục kích đánh địch tại ngã ba sông Lô và sông Chảy, thuộc địa bàn xã Chí Đám. Lực lượng tham gia, gồm: 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội phòng không, 1 trung đội súng Bazooca, 1 khẩu pháo cao xạ 75mm, 1 khẩu sơn pháo 75mm; trung đội du kích huyện Đoan Hùng cùng phối hợp tác chiến. Bộ đội cùng nhân dân đào một giao thông hào dài khoảng 900m dọc bờ sông bên phía xã Chí Đám. Pháo binh được đặt sát mép nước để bảo đảm đánh gần, bắn trúng. Bộ binh phục kích ven sông từ đầu cầu sông Chảy đến thôn Lã Hoàng, xã Chí Đám. Toàn trận địa được ngụy trang kín đáo. Đài quan sát được đặt trên núi Đám (điểm cao nhất khu vực, bảo đảm quan sát được địch trên sông Lô) và trên gác chuông Nhà thờ Lã Hoàng, vị trí cao gần trận địa phục kích để theo dõi địch. Ban chỉ huy trận đánh đặt tại thôn Ngọc Chúc (thị trấn Đoan Hùng ngày nay).
 |
Cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ tham quan chiếc trống trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2. |
Khi phát hiện tàu địch từ Tuyên Quang về, đài quan sát trên núi Đám nhanh chóng báo cho đài quan sát trên gác chuông nhà thờ biết để phát tín hiệu hợp đồng chiến đấu. Trên gác chuông nhà thờ đặt một chiếc trống cái, đồng thời quy ước: Một hồi là báo an, hai hồi báo động, ba hồi là mệnh lệnh nổ súng.
Gần 12 giờ ngày 24-10-1947, đài quan sát trên núi Đám báo cho đài quan sát trên gác chuông nhà thờ biết đoàn tàu địch đang tiến vào trận địa phục kích của ta. Tiếng trống nhà thờ kịp thời vang lên, toàn trận địa phục kích đồng loạt nổ súng. Sau hơn 6 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta thắng lớn, bắn chìm tại chỗ 2 tàu; bắn cháy, bị thương 2 chiếc khác cùng 1 máy bay; diệt gần 300 tên địch, trong đó có một tên quan Pháp; đồng thời phá hủy một số lớn phương tiện kỹ thuật, vũ khí... Thắng lợi của trận phục kích góp phần quan trọng bẻ gãy gọng kìm phía tây của giặc Pháp, đập tan âm mưu của địch, bảo vệ được căn cứ địa Việt Bắc, từng bước đưa cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.
Nhắc đến trận đánh này, bộ chỉ huy Pháp gọi là: “Thảm họa Đoan Hùng”. Đặc biệt, để ca ngợi chiến thắng của bộ đội trên sông Lô, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bản “Trường ca sông Lô” cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân. Năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng sông Lô, Tượng đài Chiến thắng sông Lô được xây dựng trên núi Đồn, bên bờ sông Lô, thuộc thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, để ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Ngày 27-9-1997, Tượng đài Chiến thắng sông Lô được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đối với Nhà thờ Lã Hoàng, theo các giáo dân cao niên nơi đây, nhà thờ được xây dựng và hoàn thành năm 1933, có chiều rộng 8m, dài 32m, gác chuông cao 16m. Sau khi nhà thờ đi vào hoạt động, giáo dân đã dùng chiếc trống phát tín hiệu duy trì các hoạt động của họ giáo. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giáo dân Lã Hoàng tích cực tham gia các hoạt động phục vụ kháng chiến, tham gia du kích đánh giặc. Sau này, do chiếc trống được sử dụng hằng ngày nên mặt trống bị rách, được thay thế nhiều lần, nhưng tang trống vẫn nguyên vẹn.
Tháng 4-1998, ông Đặng Đình Thi, đại diện Nhà thờ Lã Hoàng, xã Chí Đám đã quyết định hiến tặng hiện vật này cho Bảo tàng Quân khu 2 để trưng bày, nhằm minh chứng cho trận thắng tiêu biểu và oai hùng của quân và dân Chiến khu 10 thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Bài và ảnh: TRẦN THANH TỎA