Ra đa tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu
Ngay ngày đầu của chiến dịch, không quân Mỹ đã sử dụng máy bay chiến thuật làm giả B-52, khiến ta không phân biệt được đâu là B-52 thật, đâu là giả, nên tên lửa, không quân của ta đã đánh phần lớn vào các tốp B-52 giả. Vì vậy, vấn đề phân biệt B-52 thật với giả đã trở thành vấn đề nóng hổi. Bộ đội Ra đa với danh hiệu “mắt thần” đã bị địch lừa một cú cay đắng. Để “rửa hận”, bộ đội Ra đa đã mở hội nghị “đầu bờ”, bàn cách xây dựng “quy trình bắt B-52 trong nhiễu”. Khẩu hiệu “vạch nhiễu tìm thù” lại vang lên trên khắp các trận địa ra đa cả ở cả tuyến trước và tuyến sau, ở cả vòng trong và vòng ngoài, các đơn vị ra đa từ đồng bằng đến vùng núi cao, từ ra đa cảnh giới đến ra đa dẫn đường, ra đa điều khiển, ra đa ngắm bắn của cao xạ, không quân.
 |
Ra đa được sử dụng trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, phía trước là xác máy bay B-52 bị tiêu diệt trong chiến dịch, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52. |
Mạng ra đa trên toàn miền Bắc được điều chỉnh, bố trí theo cụm, kết hợp giữa máy cũ và máy mới, giữa các đài ra đa sóng mét, đề-xi-mét và xăng-ti-mét; kết hợp giữa các đài ra đa và các trạm quan sát mắt, tạo thành trường ra đa khép kín, có khả năng chống nhiễu cao, có thể phát hiện tốt máy bay bay thấp, bay ở tầng trung và tầng cao, tạo thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu. Chiến thuật bố trí thế trận ra đa của ta được khái quát cụ thể: xa bù gần, sau bù trước, hai bên sườn bổ trợ chính diện. Một số đơn vị ra đa được đưa vào Quân khu 4 vừa làm nhiệm vụ bảo đảm phục vụ các đơn vị bảo vệ giao thông vận chuyển, phục vụ tác chiến phòng không trong chiến dịch binh chủng hợp thành ở tuyến trước, đồng thời làm nhiệm vụ cảnh giới xa cho Hà Nội, kịp thời phát hiện B-52 từ từ hướng Tây Nam và Đông Nam vào đánh phá Thủ đô. Các đơn vị ra đa có kinh nghiệm phát hiện B-52 như Đại đội 45, Đại đội 16 được bố trí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện B-52 từ bên sườn cánh sóng nhiễu của đội hình B-52. Đây cũng là một sơ hở, một “điểm yếu chết người” tiếp theo của địch mà chúng không hề hay biết. Khi B-52 bay từ U-ta-pao qua Lào theo hướng tây nam xuống và từ Gu-am qua Biển Đông theo hướng đông nam vào, thì khu vực bên sườn cánh sóng nhiễu của chúng có cường độ nhiễu rất nhẹ. Đại đội 45 và Đại đội 16 với giàn trắc thủ lão luyện đã điểm huyệt chúng bằng việc phát hiện sớm, chính xác để thông cho các lực lượng sẵn sàng tiêu diệt.
Ngoài ra bộ đội Ra đa đã tổ chức tốt việc rút kinh nghiệm chống nhiễu trong phát hiện B-52 của các đơn vị trên các chiến trường và tích cực tổ chức huấn luyện, giúp bộ đội thao tác, vận dụng quy trình xử lý tình huống thành thục trên máy; kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp chiến thuật với các biện pháp kỹ thuật.
Tên lửa bố trí 3 vòng
Đối với tên lửa, trước khi bước vào chiến dịch ta đã chủ động bố trí đội hình thành ba vòng. Vòng ngoài, vòng giữa và vòng trong nhằm tác chiến điện tử có hiệu quả khi địch gây nhiễu tổng hợp với cường độ lớn đồng thời sẵn sàng đánh bọc lót cho nhau, sử dụng linh hoạt phương pháp bắn ba điểm và phương pháp vượt trước nửa góc. Đặc biệt, việc tổ chức huấn luyện bộ đội theo tài liệu “Cách đánh B-52” đã nâng cao trình độ toàn diện cho các kíp chiến đấu trong đó vấn đề tác chiến điện tử có rất nhiều nội dung, biện pháp mới được nghiên cứu, thường xuyên bổ sung vào phương án và cách đánh.
 |
Bộ đội tên lửa rút kinh nghiệm trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu. |
Quá trình nghiên cứu ta đã biết rõ thủ đoạn gây nhiễu tổng hợp để bảo vệ B-52 vào đánh Hà Nội lần này không còn là yếu tố bất ngờ, đồng thời cường độ gây nhiễu của B-52 đã bị phân tán. Tuy địch gây nhiễu trên diện rộng, có chiều sâu nhưng ở hướng này bị nhiễu nặng, nhưng ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau các đơn vị tên lửa theo thế trận của mình có thể “nhận mặt” được B-52. Sau nhiều trận đánh thắng bằng phương pháp đánh ba điểm đã thấy rõ bàn tay khéo léo và trí thông minh của đội ngũ trắc thủ không ngừng được nâng cao. Lần này, các đơn vị nếu bị nhiễu nặng không phát hiện được tín hiệu B-52 sẽ tự tin hơn khi đánh bằng phương pháp ba điểm, các đơn vị phát hiện được tín hiệu B-52 sẽ đánh bằng phương pháp có hiệu quả nhất là phương pháp vượt trước nửa góc. Trước khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, Trung đoàn 263 từng bắn rơi một B-52 trên đất liền đã khẳng định “Cách đánh B-52” có cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc, các thủ đoạn gây nhiễu của địch không còn là vấn đề quá nan giải đối với ta. Trận đánh đã góp phần củng cố niềm tin bắn rơi tại chỗ B-52 bằng tên lửa SAM-2 của bộ đội Tên lửa đồng thời đã bổ sung những vấn đề nóng hổi vào “Cách đánh B-52” của Quân chủng.
Không quân chống nhiễu xuyên tâm
Để dẫn đường cho không quân chiến đấu trong điều kiện địch gây nhiễu cường độ mạnh, trên diện rộng ta đã tổ chức cho ra đa vòng ngoài đảm bảo dẫn đường. Với mỗi Sở chỉ huy của không quân tiêm kích, ta bố trí hai trạm ra đa dẫn đường trên hai hướng khác nhau nhằm khắc phục những hạn chế về góc che khuất của từng trận địa và hỗ trợ cho nhau khi dẫn máy bay ta. Việc bố trí hai đài dẫn đường ở hai hướng khác nhau chính là biện pháp chống nhiễu xuyên tâm có hiệu quả nhất. Khi máy bay địch bay vào đánh phá thì đối với một đường bay có thể đài này bị nhiễu xuyên tâm nhưng đài kia không bị hoặc ngược lại. Như vậy, hai đài sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhau, quá trình dẫn đường cho máy bay ta và theo dõi địch không bị gián đoạn. Các đài ra đa dẫn đường cho không quân còn áp dụng các biện pháp chiến thuật như tắt, mở máy để để lừa lại địch.
 |
Trung đoàn 921 báo động chiến đấu trong chiến dịch chống tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu. |
Phi công có nhiệm vụ đánh B-52 đã được tăng cường huấn luyện bay đêm, huấn luyện cất hạ cánh ở đường băng ngắn, hẹp, điều kiện đảm bảo ở mức tối thiểu để sẵn sàng cơ động bí mật xuất kích từ sân bay dã chiến, sân bay vòng ngoài đi đánh địch. Phương pháp phát hiện và tiếp cận B-52 là một trong những nội dung quan trọng được nghiên cứu, đúc rút và huấn luyện kỹ càng. Một số trận phi công thực hiện chiến thuật “bay thấp, kéo cao” để chống sự phát hiện của ra đa địch, khi được thông báo nhanh chóng tiếp cận B-52 hầu như đều bị lỡ thời cơ, chỉ cần tính toán không tốt sẽ vượt qua đội hình B-52 hoặc rơi vào thế đối đầu không thể công kích được, thậm chí dễ “phơi bụng” làm mồi cho tiêm kích địch. Từ kinh nghiệm thực tế phi công trực tiếp đi đánh B-52 đã phát hiện trong đội hình dày đặc các loại máy bay của địch nếu máy bay ta lọt vào được mà không bật ra đa và máy liên lạc vô tuyến điện thì giữa đêm đen không dễ gì địch có thể phát hiện được ta. Trong trường hợp này phi công phải phát hiện địch bằng mắt, khi vào đến cự ly nhất định có thể sử dụng các thiết bị và nhờ sự dẫn dắt từ mặt đất để công kích. Đề xuất này đã được mổ xẻ, nghiên cứu và chiến thuật “bay cao, tiếp cận nhanh” đã được thay thế chiến thuật “bay thấp, kéo cao”. Trong hai trận bộ đội Không quân ta bắn rơi B-52 đêm 27 và 28-12-1972, phi công ta đều áp dụng chiến thuật “bay cao, tiếp cận nhanh” và đã thành công.
NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN