 |
Bác sĩ Lê Xuân Vượng khám bệnh cho chiến sĩ trên đảo Phan Vinh. |
Thử thách đầu tiên
Trước khi ra đảo Phan Vinh công tác, tôi đã được đọc một số thông tin về những tình huống xử trí quyết đoán, cấp cứu, phẫu thuật thành công, kịp thời cứu chữa bộ đội và nhân dân trên đảo của BSCK1 Lê Xuân Vượng. Vì vậy, khi xuồng cập đảo Phan Vinh, tôi liền tìm gặp anh để hiểu thêm về người bác sĩ ngoại khoa “mát tay” ấy. Bệnh xá của đảo nằm khiêm tốn trong khu nhà cũ, cách sở chỉ huy khá xa. Thật may, tôi được hạ sĩ Đỗ Trọng Tình, quê ở Tuy Phước (Bình Định), ra công tác tại đảo từ tháng 1-2019 nhiệt tình dẫn đường.
Sau vài lời thăm hỏi, tôi "bị cuốn" vào câu chuyện của anh về "màn thử thách đầu tiên" lúc vừa đặt chân lên đảo: “Chiều 23-5-2018, tôi bắt đầu lên đảo nhận công tác và được kíp trước bàn giao lại bệnh nhân Nguyễn Văn Thức, sinh năm 1984, nhân viên trên đảo. Thức bị tai nạn lao động, giập nát bàn tay. Dù còn mệt do chuyến hải trình dài ngày, nhưng nhìn người chiến sĩ đang nằm vật vã đau đớn, nên vừa làm xong các thủ tục, tôi liền đến khám, kiểm tra vết thương. Đây là một ca diễn tiến xấu, nếu không được xử lý kịp thời, chắc chắn cậu ấy sẽ bị mất vĩnh viễn bàn tay. Ngay sáng hôm sau tôi báo cáo với chỉ huy đảo để thực hiện gấp ca phẫu thuật. Thấy tôi vừa nhận công tác đã vội vàng ra quyết định như vậy, các anh trong chỉ huy có vẻ ái ngại. Nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được các đồng chí chỉ huy và sau đó đã phẫu thuật cắt một ngón tay của Thức đang bị hoại tử để cứu cả bàn tay. Đó là thử thách đầu tiên và thành công ấy giúp tôi thêm tự tin ở những quyết định sau này”, anh Vượng kể.
“Màn chào hỏi” ấy của bác sĩ Vượng chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của chỉ huy đảo. Nhưng với anh, đó vẫn là ca... bình thường. “Chỉ ít lâu sau tôi tiếp nhận ngư dân Nguyễn Ngọc Ngãi, 47 tuổi, quê Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị quả neo đập thẳng vào đầu, gây hôn mê. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân từ quân y đảo Tốc Tan B chuyển sang, tôi chẩn đoán anh Ngãi bị vỡ xương sọ trước và giữa, vết thương sọ não hở. Không còn cách nào khác, tôi và anh em khẩn trương khai thông đường thở, cho bệnh nhân thở ô xy và truyền chống phù não. Những ca như thế, trong đất liền, tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 7, Quân khu 3, tôi từng xử lý nhiều. Song, ngoài này, điều kiện phương tiện hạn chế nên cũng khá căng thẳng. Nhờ xử lý kịp thời nên bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, hôm sau, cấp trên điều máy bay trực thăng ra đón và chuyển về đất liền để tiếp tục điều trị”, bác sĩ Vượng vừa dứt lời thì một y sĩ, đồng nghiệp của anh ngồi cùng quay sang cười góp chuyện: “Nghe bác sĩ Vượng kể về những ca hắc búa như vừa rồi thì còn lâu mới hết. Từ khi nhận nhiệm vụ trên đảo, đến nay, bệnh xá chúng tôi đã khám, điều trị cho hơn 650 lượt người, trong đó 5 ca cấp cứu nặng và tất cả đều thành công”. Nghe đồng nghiệp chia sẻ, anh Vượng gãi đầu: “Đó là nhiệm vụ mà. Quan trọng là mình đã làm theo đúng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc. Được công tác trên đảo Phan Vinh, đảo mang tên của người anh hùng, chúng tôi thấy đó là vinh dự rất lớn. Tấm gương hy sinh của người thuyền trưởng tàu không số ấy đã rọi vào mỗi chúng tôi tinh thần hết mình vì nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì đồng chí, đồng đội, vì nhân dân”.
"Đã lên đảo phải là người của đảo"
Ngoài BSCK1 Lê Xuân Vượng, các y sĩ cùng ra công tác tại Bệnh xá đảo Phan Vinh lần này đều là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3). “Trước khi lên đường ra đảo, tôi tập hợp anh em và quán triệt, đã ra đảo phải sống như người lính đảo, tận tình, hết mình vì đảo, vì nhiệm vụ trên giao. Khi lên đảo tôi nhắc lại lần nữa tinh thần ấy, yêu cầu mọi người phải cùng chung quan điểm: Anh em lính đảo tăng gia được, thầy thuốc cũng phải làm được. Anh em chịu được khó khăn, vất vả, mình cũng phải chịu được, tuyệt đối không ỷ lại, hoặc có tư tưởng vừa làm việc, vừa đợi ngày về đất liền”. Nói đến đây, giọng anh Vượng bỗng trở nên nghiêm nghị khác thường. Gương mặt anh không còn nét ngại ngùng như trước đó nói về thành tích của mình. Với quan điểm ấy nên ngoài thời gian làm nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Vượng lại chủ động đến khu nhà chỉ huy giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu thêm tình hình trên đảo, chia sẻ công việc chuyên môn, đề xuất các giải pháp để cùng tìm cách giải quyết, vì mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Nhận thấy sự cởi mở, chân thành của Bệnh xá trưởng, chỉ huy đảo cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hết mình. Lúc mới ra, buổi tối, đi nắm tình hình khuôn viên doanh trại, anh thấy rất nhiều gián bò trên mặt đất, các thân cây, có nguy cơ gây dịch bệnh, anh liền đề xuất với chỉ huy đảo huy động bộ đội soi đèn diệt gián. Chỉ vài ngày sau, lũ gián trên đảo gần như biến mất. Tôi đang ngồi với anh Vượng thì thấy có bóng chiến sĩ thập thò ngoài cửa. Đó là cậu Tình, chiến sĩ đã nhiệt tình chỉ đường cho tôi lúc trước. Anh Vượng vẫy tay gọi Tình vào rồi cười hỏi: “Chắc đến rủ anh tối đi bộ hả? Ngồi uống nước, nói chuyện đã”.
Tình cầm cốc nước từ tay bác sĩ Vượng, líu ríu cảm ơn bằng giọng miền “đất võ”. Rồi với vẻ tự nhiên vốn có, cậu quay sang tôi, thì thầm: “Bác sĩ Vượng ra đây đã gây dựng được phong trào đi bộ tập thể dục của khu vực này anh ạ. Em cũng là “bạn” đi bộ với anh ấy đấy. Anh Vượng biết em chung hoàn cảnh mất bố sớm nên thương em lắm, bảo ban em từng chút một. Từ hồi quen anh ấy trong lần lên bệnh xá khám mắt, cứ khi nào rảnh em lại qua bệnh xá chơi. Anh ấy là tấm gương về nghị lực, bản lĩnh và phong cách sống mà sau này khi rời quân ngũ em vẫn cố gắng noi theo”.
Tôi bịn rịn chào những người thầy thuốc của bệnh xá và chiến sĩ Tình khi thấy đoàn công tác đã chuẩn bị lên xuồng, rời đảo Phan Vinh, trở về tàu công tác. Biết tôi đi hỏi chuyện bác sĩ Vượng, lúc chia tay trên cầu cảng, Thượng tá Trần Như Hải, Chỉ huy trưởng đảo tranh thủ chia sẻ: “Anh em ở bệnh xá tình cảm, trách nhiệm lắm. Nhờ sự nỗ lực, trách nhiệm, tâm huyết của bác sĩ Vượng và anh em ở bệnh xá nên tỷ lệ quân số khỏe của đảo luôn đạt hơn 99,6%. Nhắc đến bác sĩ Vượng, ai cũng quý mến, nể trọng tính cách hết mình trong công việc nhưng rất tình cảm, thân thiện trong sinh hoạt đời thường”.
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN