Bị chia cắt vẫn đủ đầy
Tôi may mắn được gặp nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 và cụm từ “ốc đảo” giữa đại ngàn Tây Nguyên được họ nhắc đến để ví sự bất tiện, biệt lập của xã biên giới Mô Rai. Giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa thì gần như bị nước lũ chia cắt, nếu không có phương án bảo đảm hậu cần tốt thì cán bộ, công nhân, NLĐ và nhân dân sẽ thiếu lương thực, thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh thực hiện dự án phát triển cây cao su, Đoàn KT-QP 78 đã triển khai trồng các cây lương thực, như: Lúa, mì, ngô và thành lập trang trại thanh niên. Đây là một tổ hợp chăn nuôi, trồng trọt gần như cung cấp đủ 100% nhu cầu thực phẩm, rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, NLĐ của đơn vị và nhân dân trên địa bàn.
Anh Đỗ Văn Quảng, công nhân quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Trang trại thanh niên (Đoàn KT-QP 78) dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại. Chúng tôi hết sức ấn tượng với hệ thống chuồng, ao cá, vườn cây được quy hoạch bài bản, khang trang, công trình xử lý rác thải hợp vệ sinh môi trường. Theo anh Quảng: Hiện nay, trang trại luôn duy trì thường xuyên đàn gia súc, gia cầm khoảng 200 con lợn (trong đó có hơn 20 con lợn nái); hơn 1.200 con vịt thịt và vịt đẻ trứng, 1.000 con gà; hơn 5.000m2 ao nuôi hơn 6 tấn cá trắm, trôi, mè, chép, trê, rô phi… Trang trại còn trồng các loại rau xanh, rau gia vị, làm đậu khuôn. Hằng ngày, căn cứ vào nhu cầu thực phẩm của 10 đội sản xuất, trang trại sẽ tổ chức bảo đảm với giá thành rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Đặc biệt, các loại thực phẩm của trang trại chủ yếu được nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm sạch và an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác cũng được Đoàn KT-QP 78 tổ chức xe đi lấy sỉ ở các đại lý trung tâm TP Kon Tum, Pleiku nhập vào căng tin rồi bán cho cán bộ, công nhân, NLĐ, nhân dân khi cần, đúng bằng giá mua ở đại lý.
 |
Cơ quan Hậu cần Binh đoàn 15 kiểm tra công tác chăn nuôi của Đoàn KT-QP 78. |
Gặp chị Y Xiêm, công nhân Đội 4 (Đoàn KT-QP 78), người dân tộc Gia Rai, trên tay đang cầm giỏ thực phẩm tươi rói, tôi hỏi: “Chị đi chợ về à?”. Chỉ Y Xiêm cười: “Ở đây làm gì có chợ mà đi. Tôi mua cá, thịt heo, trứng vịt từ căng-tin của đội đấy. Thực phẩm Đoàn KT-QP 78 cung cấp rẻ và ngon lắm”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, chị Hà Thị Thu, công nhân quốc phòng, y tá kiêm Quản lý Đội 2 (Đoàn KT-QP 78) tâm sự: “Cuộc sống của cán bộ, công nhân, NLĐ và nhân dân trên địa bàn ngày càng sung túc một phần nhờ sự sáng tạo trong bảo đảm hậu cần của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà mua được thực phẩm rẻ hơn 20% so với thị trường là điều hiếm thấy. Chúng tôi biết, đó là nhờ Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 đã dành toàn bộ lợi nhuận từ sản xuất, chăn nuôi ở trang trại thanh niên để hạ giá thành, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân, NLĐ và nhân dân trên địa bàn.
Hiệu quả từ "vườn rau kết nghĩa"
Phấn đấu bữa cơm có rau, ở miền núi mới nghe qua có gì đó không hợp lý lắm. Nhưng tìm hiểu chúng tôi mới vỡ lẽ, trước đây, người dân tộc thiểu số (DTTS) vùng này không biết trồng rau và chế biến các món ăn từ rau xanh, cơ thể cũng vì thế mà thiếu các vi chất, phát triển chậm, trẻ em tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Trước thực trạng đó, Đoàn KT-QP 78 triển khai mô hình “vườn rau kết nghĩa” trên cơ sở mô hình gắn kết hộ. Mục tiêu là mỗi hộ gia đình công nhân giúp một hộ gia đình người DTTS tại chỗ làm một khu vườn trồng các loại rau xanh, cây củ quả. Đồng thời hướng dẫn họ cách chăm sóc, chế biến món ăn từ rau, củ, quả để nâng cao chất lượng bữa ăn cho gia đình. Hiện toàn đơn vị có hơn 450 cặp hộ gia đình gắn kết thì cũng có từng ấy “vườn rau kết nghĩa”. Mô hình này còn được triển khai ở 11 điểm trường thuộc Trường Mầm non Đoàn KT-QP 78, bảo đảm nhu cầu rau xanh cho hơn 400 cháu ở các lứa tuổi mẫu giáo và mầm non bán trú. Điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm thay đổi nhận thức, thói quen cố hữu bao đời nay của người dân địa phương.
Ông A Xuân, 64 tuổi, người dân tộc Gia Rai, ở làng Xộp (xã Mô Rai) dẫn chúng tôi đi tham quan “vườn rau kết nghĩa” của gia đình. Mặc dù đang mùa mưa nhưng vườn rau khá đầy đủ chủng loại rau, củ quả, rau gia vị. “Trước đây mình không biết trồng rau, nuôi vịt đâu. Muốn ăn gì thì vào rừng kiếm, kiếm không được thì nhịn. Vườn rau này do gia đình anh Lê Xuân Quỳnh, công nhân Đội 1 (Đoàn KT-QP 78) hướng dẫn làm và chăm sóc đấy. Giờ mình tự biết làm rồi, biết cả việc chế biến các món ăn từ rau, củ quả nữa. Bữa nào cũng ăn ngon, ăn nhiều nhiều, người khỏe mạnh”, ông A Xuân chia sẻ. Ông còn hái tặng chúng tôi mướp đắng, dưa chuột mỡ màng còn đọng sương đêm. Đại úy Nguyễn Bá Hưng, Phụ trách Trưởng phòng Hành chính-Hậu cần (Đoàn KT-QP 78) lấy dưa chuột lau qua, đưa lên miệng ăn ngon lành. Anh cũng đưa cho tôi một quả rồi nói: “Rau quả ở đây hoàn toàn tự nhiên, không có thuốc trừ sâu, anh ăn thử xem”. Tôi ăn và cảm nhận được mùi thơm, độ giòn của quả dưa vừa hái trên giàn xuống...
Ốm đau đã có "Bộ đội 78"
Đau ốm không ở nhà cúng mà đi bệnh viện, hoặc bệnh xá điều trị là chuyện bình thường ở vùng đồng bằng, nhưng đây lại là một “chiến tích” của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc Đoàn KT-QP 78. Những tập tục lạc hậu làm cho người DTTS ở đây tin rằng: “Đau ốm là do thần linh quở trách, bắt phạt nên phải cúng dâng lễ vật mới khỏi”. Không để người dân mê tín dị đoan dẫn đến bệnh tật không được điều trị kịp thời, tổn hại tới sức khỏe, tính mạng, Bệnh xá Quân dân y vùng Mô Rai (Đoàn KT-QP 78) một mặt nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mặt khác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ hủ tục, đến bệnh xá điều trị khi đau ốm. Thượng úy, bác sĩ Phạm Ngọc Tiến, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y vùng Mô Rai cho biết: “Một số bệnh nhân đang điều trị xin về nhà cúng, chúng tôi phải đánh cược với họ, nếu 3 ngày nữa bệnh tình không bớt thì cho về cúng, còn bớt thì ở lại bệnh xá để bác sĩ tiếp tục điều trị”.
Họ đồng ý và bác sĩ phải thắng trong cuộc "cá cược” mới có được niềm tin của nhân dân. “Anh biết không? Ở đây có được niềm tin của người dân vào nền y học hiện đại còn khó hơn khám, chữa bệnh”, anh Tiến quay lại nói với tôi rồi đi thẳng đến phòng bệnh, nơi có một em nhỏ chừng hai tuổi đang sốt. Cháu là con chị Y Thốc, người dân tộc Gia Rai, ở làng Tang (xã Mô Rai) bị sốt và lên cơn co giật đưa vào bệnh xá từ tối hôm trước. “Bác sĩ nói cháu bị viêm đường hô hấp trên, được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên đỡ nhiều rồi, vài hôm nữa có thể về nhà. Cảm ơn các bác sĩ Đoàn KT-QP 78 nhiều lắm!”, chị Y Thốc vừa lấy khăn ấm lau người cho con vừa xúc động nói.
Nhiều ca cấp cứu khó như tai nạn giao thông, tai nạn trong rừng dẫn đến chấn thương sọ não, chấn thương vùng kín hay đẻ sa dây rốn, băng huyết, nhau không bung… đều được Bệnh xá Quân dân y vùng Mô Rai xử lý kịp thời. Anh A Lẻo, 27 tuổi, người dân tộc Gia Rai, ở làng Kđin (xã Mô Rai) bị tai nạn giao thông hồi tháng 7-2019, nếu không được bệnh xá cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời thì không giữ được mạng sống. Ông A Tèo, bố A Lẻo nói với chúng tôi mà như lời cảm ơn Đoàn KT-QP 78: “Nó bị chấn thương sọ não, mắt lồi ra ngoài, chảy máu trong, tụt huyết áp và hôn mê sâu. Không có thầy thuốc Đoàn KT-QP 78 cấp cứu, đưa đi bệnh viện kịp thời thì tôi mất nó rồi. Đoàn KT-QP 78 đã cho thằng A Lẻo mạng sống thứ hai đấy”.
Để có được niềm tin và tình cảm từ nhân dân, 12 cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ của bệnh xá thường xuyên được Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 giáo dục, rèn luyện cả về y thuật và y đức, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Ngoài 20 giường bệnh, máy X quang, máy siêu âm, xe cứu thương được biên chế, Đoàn KT-QP 78 còn triển khai thêm phòng khám răng, mua máy rửa dạ dày. Đại tá Nguyễn Thăng Thanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 78 kể: “Từ ngày có máy rửa dạ dày, đơn vị đã cứu được nhiều người dân khỏi cái chết do ngộ độc”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, một bộ phận người DTTS do nhận thức chưa tốt, khi gặp mâu thuẫn trong gia đình thì nghĩ đến biện pháp tiêu cực là uống thuốc tự tử. Không để tình trạng đó tiếp tục xảy ra, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 một mặt phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, mặt khác, trích quỹ mua máy rửa dạ dày để cứu dân. Đại tá Nguyễn Thăng Thanh cũng tâm tư: “Xe chuyển thương cũng quan trọng lắm. Từ xã Mô Rai ra trung tâm TP Kon Tum hay TP Pleiku phải mất hơn 3 giờ. Không có xe ô tô chuyên dùng, các ca cấp cứu khẩn cấp gần như không thể cứu được. Xe của đơn vị đã hoạt động gần 20 năm nay, không kể ban ngày hay đêm khuya, trời mưa hay nắng, khi nhân dân cần là cơ động. Giờ xe đã cũ nhưng người dân thì vẫn rất cần...”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN