Từ mô hình mở lối của Nhà máy Z131
Ngược thời gian trở về thời điểm cuối năm 2014, Nhà máy Z131 là đơn vị đầu tiên thuộc Tổng cục CNQP triển khai mô hình bếp ăn ca tự chọn. Xác định đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, Ban giám đốc nhà máy cử cán bộ đến tham quan, nghiên cứu mô hình bếp ăn tự chọn ở một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nhà máy xây dựng phương án tổ chức bếp ăn tự chọn phù hợp với nhiệm vụ và biên chế của đơn vị. Nhiều ý tưởng, đề xuất được đưa ra thảo luận, rồi lại thay đổi, bởi bài toán khó giải nhất là kinh phí thấp nhưng phải đem lại hiệu quả lớn? Sau mỗi lần tưởng như nản lòng ấy, Ban giám đốc nhà máy lại động viên nhau cố gắng hoàn thành, mở lối thực hiện một cách làm mới. Quả nhiên, càng khó khăn thì thành quả càng có giá trị. Đó là điều mà đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z131 đã đúc rút được sau khi mô hình bếp ăn tự chọn của đơn vị chính thức đi vào hoạt động giữa năm 2015. Đại tá Hoàng Quốc Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà máy chia sẻ: “Cán bộ, công nhân viên rất ủng hộ chủ trương ăn trưa tự chọn, bởi đáp ứng được nhu cầu của họ, bảo đảm sức khỏe, định lượng. 3 năm qua, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài quân đội đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình bữa ăn tự chọn ở Nhà máy Z131”.
“Thực mục sở thị” một bữa ăn tự chọn ở Nhà máy Z131, chúng tôi nhận thấy, vẫn chỉ là những món ăn quen thuộc và thường thấy trong bữa cơm gia đình nhưng mọi người được tự lựa chọn đồ ăn, thức uống ưa thích, thú vị hơn nhiều so với những suất ăn chỉ có vài ba món cố định ở những bếp ăn tập thể trước kia. Đặc biệt, chi phí cho mỗi suất ăn tự chọn vẫn chỉ giữ ở mức 25.000 đồng-một con số gần như không tưởng cho hàng chục món ăn và đồ uống thơm ngon, bổ dưỡng.
 |
Kiểm tra công tác chuẩn bị ăn trưa tự chọn ở Nhà máy Z111. |
Từ thành công mô hình ăn trưa tự chọn tại Nhà máy Z131, Tổng cục CNQP đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị học tập và xây dựng lộ trình thực hiện theo hình thức này. Thế nhưng, từ định hướng đến việc triển khai thực hiện tại từng đơn vị không phải chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi mỗi đơn vị có đặc thù, số lượng cán bộ, công nhân viên, người lao động khác nhau và quan trọng nhất là nhận thức khác nhau. Muốn thực hiện được cần có sự đồng thuận về nhận thức, cách thức triển khai từ ban giám đốc, đội ngũ cán bộ, nhân viên quân nhu, nhà bếp cho tới người lao động. Lâu nay, người lính thợ CNQP vốn đã quen với những khay thức ăn được định suất sẵn và có phần chán cơm ca khi “điệp khúc” rau muống luộc, đậu rán, thịt rang, canh cải… cứ lặp đi lặp lại. Nhân viên nhà bếp thì xót xa khi công sức của mình bỏ ra không được đáp đền một cách trọn vẹn. Mô hình ăn trưa tự chọn chính là “cú huých” cần thiết để đổi thay tư duy của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên nhà ăn, cũng như tập thể người lao động suốt bao năm qua.
“Búp phê” ở đơn vị hạch toán hay dự toán đều ổn!
Không thể phủ nhận, thời gian đầu triển khai mô hình này, nhiều người còn nghi ngại, băn khoăn, ăn sớm hay ăn muộn, đồ ăn ít hay nhiều, thức ăn nóng hay nguội? Thế nhưng giờ đây, với những người lính thợ, mỗi bữa ăn thực sự là khoảng thời gian hưởng thụ, nghỉ ngơi chứ không chỉ đơn thuần là “ăn ca” như trước.
Là một trong những đơn vị hạch toán, Nhà máy Z111 sớm thành công với mô hình bữa ăn tự chọn. Thượng tá Phạm Văn Linh, Trưởng phòng Hành chính-Hậu cần Nhà máy Z111 cho biết: “Khi triển khai bữa ăn trưa tự chọn, cán bộ, công nhân viên, người lao động nhà máy đã nhanh chóng thích ứng. Không có tình trạng phải chờ đợi lâu và lãng phí thức ăn. Bây giờ mà chuyển về hình thức ăn chia theo suất như trước kia là mọi người sẽ phản đối”. Thiếu tá Phạm Văn Tháp, Quản đốc Phân xưởng Gia công cơ khí của Nhà máy Z111, cũng khẳng định: “Từ khi chuyển sang ăn tự chọn chúng tôi thấy ngon miệng và hợp với khẩu vị hơn do món ăn đa dạng, có thể chọn món phù hợp; đồ ăn cũng luôn nóng và bảo đảm vệ sinh. Người công nhân lao động vất vả, được ăn như thế sẽ đảm bảo sức khỏe”.
Để có được những bữa ăn trưa tự chọn ngon miệng và giàu dinh dưỡng không chỉ nhờ sự khéo léo và tài nấu nướng của những người đầu bếp, phía sau đó là rất nhiều mồ hôi, công sức và nhiệt huyết của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Dễ dàng nhận thấy, cơ sở vật chất cho ăn ca tự chọn khác hẳn cơ sở vật chất cho bữa ăn định suất. Từ những đồ vật nhỏ nhất như khay, thìa, bát, đũa… cho đến đồ dùng nấu bếp đều phải mua sắm mới cho phù hợp. Đó là chưa kể đến việc cải tạo, nâng cấp nhà ăn cho phù hợp với hình thức ăn trưa mới mẻ này. Một số đơn vị có điều kiện còn có thể trang bị thêm hệ thống camera giám sát, hệ thống quẹt thẻ thay cho phiếu ăn ca truyền thống; hệ thống hấp sấy, làm nóng đồ ăn vào mùa đông hay thậm chí là máy rửa bát. Chỉ mới nhẩm tính thì đó cũng là một số tiền không hề nhỏ. Với những đơn vị hạch toán, con số này không phải là quá lớn và nguồn quỹ phúc lợi có thể bù đắp được. Nhưng với những đơn vị dự toán như các viện, kho, nhà trường thì đây quả thực là một bài toán không hề đơn giản. Khi tất cả khoản chi đều là cần thiết nhưng kinh phí chỉ có hạn, các đơn vị buộc phải có sự cân đối chi tiêu theo thứ tự ưu tiên của từng hạng mục. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Duy, Phó viện trưởng Viện Vũ khí cho biết. “Với đặc thù của đơn vị dự toán, khi chuyển sang mô hình bếp ăn tự chọn, chúng tôi ưu tiên mua sắm trước dụng cụ nấu nướng, bảo quản thức ăn, tiếp đến là các thiết bị kiểm định an toàn thực phẩm để giám sát đầu vào thực phẩm. Nhờ lộ trình đầu tư đúng đắn, có trọng điểm, nên chỉ sau một thời gian bếp ăn trưa tự chọn của viện đã đi vào hoạt động ổn định”.
Hiện tại, thực đơn ăn của Viện Vũ khí được xây dựng mới theo từng tuần, trong đó luôn bảo đảm 8-10 món ăn; món ăn trong 2 ngày liên tiếp không trùng lặp, ngày thứ 3 có thể lặp lại nhưng không quá 4 món. Hằng quý, bếp tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của toàn bộ người ăn về chất lượng, cơ cấu, món ăn. Nếu món ăn nào có đa số người ăn không chọn, nhân viên cấp dưỡng sẽ dừng lại và đổi món khác. Nhìn chung, mọi người đều thấy “rất ổn” khi thực hiện phương thức ăn trưa này. Cùng với Viện Vũ khí, các đơn vị dự toán khác như Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ, Viện Thiết kế tàu quân sự, Cơ quan Tổng cục CNQP cũng đang thực hiện hiệu quả mô hình này.
Quy chuẩn hóa mô hình bếp ăn tự chọn
Một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là dù thực hiện theo mô hình cũ hay bữa ăn tự chọn, tất các cả đơn vị đều quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các đơn vị trong Tổng cục CNQP hiện nay đều phải nhập thực phẩm về chế biến với tiêu chí nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ; dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm bảo đảm tiêu chuẩn; quy trình chế biến thức ăn hợp vệ sinh... Nhờ đó, nhiều năm qua, các bếp ăn trong Tổng cục CNQP không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, một số đơn vị trong tổng cục đã tận dụng được lợi thế về điều kiện đất đai để tổ chức tăng gia, góp phần cung cấp thực phẩm cho bếp ăn, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa giảm chi phí.
Với trên 10ha quỹ đất tăng gia, Nhà máy Z129 đã quy hoạch để trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình “vườn-ao-chuồng-giàn”; trong đó, chỉ tính riêng diện tích trồng rau an toàn đã lên tới 12.300m2 bảo đảm tự cung cấp 100% rau xanh theo mùa cho bếp ăn đơn vị. Trung bình mỗi năm, khu tăng gia cung cấp cho bếp ăn ca 5-6 tấn thịt lợn, 4-5 tấn thịt gà. Riêng số trứng vịt đưa vào bếp ăn mỗi tháng ước đạt khoảng 400-450kg trứng. Không chỉ có vậy, nhân viên bếp ăn còn chủ động chế biến đậu phụ, giá đỗ, giò chả… để cải thiện chất lượng bữa ăn. Việc tổ chức tăng gia đã giúp Nhà máy Z129 bảo đảm mức ăn chỉ với 20.000 đồng/suất với gần 10 món tự chọn. Đây là mô hình cần được nhân rộng ở các đơn vị có điều kiện về diện tích đất đai.
Có thể nói, thông qua mô hình bếp ăn tự chọn, trình độ, tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà ăn của các đơn vị trong Tổng cục CNQP được nâng lên rõ rệt, đủ khả năng chế biến, cải tiến nhiều món ăn mới, lạ, hấp dẫn, giàu dinh dưỡng, tạo cảm giác ngon mắt, ngon miệng cho người lao động. Cách thức và thái độ phục vụ của nhân viên cũng thay đổi phù hợp với hình thức ăn ca mới mẻ và văn minh này.
Hiện, trong Tổng cục CNQP đã có 13 đơn vị triển khai mô hình ăn trưa tự chọn; trong đó, các đơn vị dự toán tổ chức bảo đảm ăn theo định lượng, mức tiền ăn theo quy định của Bộ Quốc phòng; các đơn vị hạch toán bảo đảm mức ăn cho các đối tượng bằng hoặc cao hơn mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, chiến sĩ bộ binh. Sau hơn 3 năm triển khai cho thấy, đây là hình thức bảo đảm ăn uống khoa học, văn minh, lịch sự; thể hiện xu hướng phát triển tích cực, tiến bộ của văn minh công nghiệp, mang đến lợi ích lâu dài và tạo thêm động lực cho người lao động yên tâm gắn bó với đơn vị, góp phần xây dựng, phát triển ngành CNQP.
Bài và ảnh: LÊ NAM-HÀ TRANG