Phân cấp có trọng tâm, trọng điểm

Trước yêu cầu công tác bảo đảm VCHC trong tình hình mới, cơ quan tham mưu hậu cần các cấp đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nắm chắc chế độ, tiêu chuẩn bộ đội; tích cực nghiên cứu, thu thập các yếu tố liên quan, hoàn thành tốt vai trò tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy hậu cần cùng cấp tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong công tác tham mưu hậu cần. Theo số liệu thống kê mới đây của TCHC, với tinh thần tăng cường phân cấp cho các đơn vị, tỷ lệ phân cấp bảo đảm VCHC tăng thêm 15%-20%, có mặt hàng đạt gần 100%. Trong mua sắm tập trung, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh mở rộng đấu thầu, nhất là hình thức đấu thầu rộng rãi, đạt tỷ lệ 40%-52% và đang tiến tới mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung; đồng thời huy động khai thác triệt để hàng tồn kho và kết hợp các nguồn lực khác để tăng khả năng bảo đảm VCHC.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Văn Hiếu, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 9 cung cấp thông tin, năm vừa qua, tỷ lệ phân cấp của quân khu cho đơn vị đạt hơn 67%. Từ nguồn kinh phí phân cấp tăng thêm, quân khu tự tổ chức khai thác tập trung vào các mặt hàng: Dụng cụ cấp dưỡng, quân trang thường xuyên, quân trang nghiệp vụ, trang bị quân y, xăng, dầu, doanh cụ… Với quan điểm tiết kiệm, giảm chi ngân sách nên đã giảm được 279 triệu đồng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Các mặt hàng được phân cấp bằng hiện vật có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên ngành trước khi tiếp nhận, cấp phát cho đơn vị, bảo đảm đủ số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về chủng loại… Những mặt hàng do đơn vị tự tạo nguồn có sự kiểm tra, giám sát chất lượng của tổ nghiệm thu, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng hồ sơ yêu cầu.

leftcenterrightdel
Một góc vườn rau chuyên canh của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ảnh: Lương Thảo

Một điều rõ nét là, ở hầu hết các đơn vị, để bảo đảm nguyên tắc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, cơ quan chức năng đều thực hiện nghiêm việc lập dự toán chi theo đúng danh mục dự toán chi ngân sách và đúng theo nguồn ngân sách được giao. Phân cấp chi ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ đặc thù trên địa bàn trọng yếu. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị tự tạo nguồn những mặt hàng thông dụng, sẵn có trên thị trường; có nhiều cơ sở sản xuất, cung ứng, bảo đảm cạnh tranh tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương nơi đóng quân, ngành hậu cần, tài chính các đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt và nghiêm túc chủ trương của Bộ Quốc phòng.

“Thời gian qua, việc phân cấp bảo đảm VCHC cho các đơn vị, địa phương thuộc Quân khu 7 diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản phương thức BĐHC truyền thống, mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức bộ đội, tiết kiệm ngân sách, nâng cao năng lực quốc phòng của quân khu. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến tháng 3-2019, cách làm mới đã giúp quân khu tiết kiệm hơn 22 tỷ đồng”, Đại tá Huỳnh Tấn Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 7 cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Khi trao đổi với chúng tôi, anh Hùng cũng gợi mở một số cách làm cụ thể của quân khu, như: Phân cấp 100% cho các đơn vị tự khai thác, tạo nguồn bảo đảm với những mặt hàng thông dụng, sẵn có trên thị trường như thực phẩm, chất đốt... Về lương thực, giao đơn vị cấp trực thuộc quân khu tự khai thác bảo đảm; khối quân sự địa phương phân cấp đến cấp huyện; một số lữ đoàn binh chủng, trung đoàn vận tải có các đơn vị đóng quân phân tán... được phân cấp đến cấp tiểu đoàn, thậm chí các bếp lẻ tự khai thác tại chỗ. Nhiên liệu thông dụng thì phân cấp triệt để đến cấp trung đoàn, cơ quan quân sự cấp huyện và tương đương... Với những mặt hàng có yêu cầu cao về chất lượng, đồng bộ, chính quy như doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt thì giao các trạm, xưởng thuộc Cục Hậu cần sản xuất bảo đảm... Song song với việc phân cấp hợp lý cho địa phương, đơn vị, ngành hậu cần Quân khu 7 đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là cơ quan tài chính quân khu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, mở rộng đấu thầu trong mua sắm, tạo nguồn; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hậu cần.

Khảo sát ở Quân chủng Hải quân-lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, chúng tôi lại có được những con số ấn tượng khác. Đại tá Bùi Văn Thiết, lúc là Chủ nhiệm Hậu cần quân chủng đã cho biết: Trong điều kiện phải bảo đảm khối lượng vật chất lớn, nhiều chủng loại, yêu cầu chất lượng cao, phạm vi rộng, điều kiện bảo đảm phức tạp... ngành hậu cần hải quân đã nhanh chóng cập nhật, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng về lập, chấp hành ngân sách. Năm 2015, Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân đã tham mưu cho Bộ tư lệnh quân chủng xây dựng Đề án “Xây dựng ngành hậu cần hải quân chính quy, hiện đại giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo”, "Tổ chức sắp xếp lại lực lượng quân y”, “Nâng cao năng lực bảo đảm xăng, dầu” với nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực cả về tổ chức biên chế đến phương thức bảo đảm. Đến nay, riêng về phương thức bảo đảm, tại Quân chủng Hải quân, 100% đơn vị cấp vùng, 60% đơn vị cấp trung, lữ đoàn và tương đương tổ chức tiếp phẩm tập trung, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn ăn của bộ đội. Các trạm cấp phát xăng, dầu tập trung cho ô tô theo khu vực đóng quân để quản lý chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm nhân lực, vật tư khí tài.

Tạo nguồn theo cách “táo bạo”

Hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tạo nguồn, song các đơn vị đã triển khai mua sắm theo đúng danh mục, số lượng, chủng loại, dự toán được duyệt, bảo đảm cho bộ đội kịp thời hơn, tiết kiệm kinh phí. Trong đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu. Những mặt hàng có yêu cầu chính quy, đặc thù về mẫu mã, kiểu dáng tiến hành đặt hàng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quân đội. Đối với một số loại VCHC mang tính đặc thù chuyên ngành, thực hiện phương thức tạo nguồn cụ thể theo sự chỉ đạo của các cục chuyên ngành. Tổ chức mua sắm, cấp phát tập trung, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về mua sắm tài sản. Quá trình thực hiện, nhiều đơn vị chủ động triển khai những biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù đơn vị cũng như khu vực đóng quân. Ví dụ, ở Quân khu 3, cùng với chủ trương chung của trên, từ cuối năm 2013, Cục Hậu cần quân khu đã đề xuất và được thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 3 cho phép triển khai thí điểm Đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn lương thực, thực phẩm và chất đốt” tại Trung đoàn 2, Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) và Lữ đoàn 405, Lữ đoàn 454. Đại tá Phạm Đăng Thuấn, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 3, chia sẻ: “Theo đề án, việc tạo nguồn lương thực, thực phẩm và chất đốt trong toàn quân khu theo phương thức: Cục Hậu cần thực hiện chào hàng cạnh tranh và ký hợp đồng khung 6 tháng/lần, các đơn vị trực tiếp ký hợp đồng khai thác với doanh nghiệp 1 tháng/lần. Sau hai năm thí điểm, với nhiều ưu điểm nổi bật, đề án đã được mở rộng thực hiện trong toàn quân khu”. Đến nay, hoạt động của đề án đã đi vào nền nếp, hiệu quả, chất lượng nuôi dưỡng bộ đội cải thiện rõ rệt.

Không chỉ là những số liệu thống kê, trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi được “thực mục sở thị” khu tăng gia, sản xuất rộng hàng chục héc-ta của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Theo Trung tá Vũ Sỹ Viện, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312: Hiện nay, sư đoàn đã thực hiện nghiêm túc việc phân cấp triệt để các loại VCHC, có mặt hàng tới cấp tiểu đoàn, thậm chí là đại đội, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động tạo nguồn tại chỗ, cơ bản là các nhu yếu phẩm. Những năm qua, các đơn vị trực thuộc sư đoàn không những bảo đảm được lượng cung cấp cho đơn vị mình mà khi có tình huống xảy ra còn sẵn sàng cung ứng cho đơn vị bạn. “Thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ. Các mặt hàng thiết yếu vẫn được chúng tôi bảo đảm nguồn tại chỗ. Sư đoàn 312 đã tổ chức một xe vận tải chuyên trách đến các đơn vị cung cấp cũng như tiếp nhận các mặt hàng. Đơn vị nào thiếu rau, thịt, cá... chúng tôi sẽ điều chuyển ở đơn vị thừa sang và ngược lại. Kinh phí hai bên thỏa thuận với nhau trên cơ sở nguồn tài chính được phân cấp. Việc này vừa điều tiết được nguồn hàng nội bộ, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bộ đội”, Trung tá Vũ Sỹ Viện nói.

Sư đoàn 312 là một trong số ít đơn vị có những biện pháp “táo bạo” trong công tác bảo đảm VCHC. Đó là chủ động dự trữ thực phẩm trước dịch bệnh; chuyển đổi vật nuôi phù hợp với điều kiện của đơn vị... Do đó, khi nhiều nơi thiếu thực phẩm hoặc giá cả thực phẩm biến động lớn do dịch bệnh bùng phát thì đơn vị vẫn bảo đảm đủ thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội. Hiện nay, 4 trạm chế biến tập trung của Sư đoàn 312 đều duy trì hoạt động thường xuyên, phát huy triệt để hiệu quả việc tạo nguồn tại chỗ, chế biến khép kín, bảo đảm tốt về giá thành và an toàn vệ sinh thực phẩm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc bảo đảm VCHC theo phương thức mới còn một số hạn chế, vướng mắc. Điều này sẽ được chúng tôi làm rõ trong bài viết sau.

(còn nữa)

 TIẾN THẮNG - BÍCH TRANG - QUANG THẢO