Những trang sách chứa đựng tư liệu đồ sộ, phong phú

Đi cùng dặm dài lịch sử, Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho khát vọng hòa bình, độc lập, tự do được trao truyền qua bao thế hệ người Việt. Kịp thời xuất bản trong những ngày tháng lịch sử này, bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là điều kiện để người đọc nhắc nhớ, chạm vào những bài học của lịch sử; nguồn tri thức nghệ thuật quân sự; tinh thần yêu nước, cách mạng; bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam...

leftcenterrightdel

Một số cuốn sách trong bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau độ lùi 70 năm về mặt thời gian, nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo cả trong và ngoài Quân đội có điều kiện để khai mở những thông tin, nghiên cứu, sáng tác mới đầy đủ, sâu sắc, khách quan và toàn vẹn hơn về bản hùng ca mang tên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì vậy, bộ sách đã góp phần chuẩn hóa nhiều tư liệu quý và chính xác.

Trước hết là những hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh nổi tiếng trực tiếp tham gia chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Một số cuốn sách đã được tái bản nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định tư duy, tầm nhìn của những nhà chiến lược quân sự trong cuộc đối đầu lịch sử. Đó là các cuốn sách: “Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ-Mốc vàng lịch sử”, “Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Đại tướng Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ”... Các cuốn sách mang đến cho người đọc cái nhìn bao quát, tầm nhìn chiến lược của các tướng lĩnh trong những thời khắc lịch sử quyết định của từng trận đánh và cả chiến dịch.

Tiếp đến là những cuốn sách nghiên cứu, tổng kết, phân tích làm sáng tỏ đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ; vai trò chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch, nổi bật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nghệ thuật quân sự Việt Nam qua tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; những thống kê, con số, sự kiện, nhận định, đánh giá cả ở trong nước và ngoài nước, sự ủng hộ to lớn của các nước anh em và bạn bè trên thế giới, như: “Chiến dịch Điện Biên Phủ-Thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, “Điện Biên Phủ-Đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam”, “Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954-Tầm vóc thắng lợi và giá trị hiện thực”, “Công tác bảo đảm pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 dưới góc nhìn của người nước ngoài”...

Sau cùng là những tác phẩm thơ, truyện ký, câu chuyện lịch sử gắn liền với kỷ vật, ký ức của các anh hùng, liệt sĩ, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Đó là các cuốn sách: “Giao hưởng Điện Biên”, “Võ Đại tướng với Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ bản hùng ca còn mãi”, “Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên”, “Truyện kể Anh hùng liệt sĩ Hà Văn Nọa”... Bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo, các tác giả đã kể lại câu chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ thật gần gũi, cuốn hút, giàu sức gợi. Ở đó, người đọc có thể nhận thấy những vẹn nguyên của lửa khói, pháo nổ, hầm hào, hy sinh, tình yêu... trong mỗi câu chữ, hình ảnh và chi tiết một cách chân thực. 

Xúc động những tình cảm tri ân của tác giả

Để có được bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ này, phải nhắc đến tâm huyết, sự nỗ lực của các tác giả. Với họ, viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ không đơn giản chỉ là tái hiện những câu chuyện, tư liệu nghiên cứu mà đó còn là sự nhắc nhớ, tri ân xuất phát từ tình cảm thiết thân nhất, gần gũi và ngưỡng vọng nhất.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khi viết trường ca “Giao hưởng Điện Biên” đã tâm sự mộc mạc: “Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem "Giao hưởng Điện Biên" như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất của thời đại Hồ Chí Minh”. Nén nhang tinh thần ấy mà Hữu Thỉnh thắp lên cũng chính là tâm nguyện, động lực thôi thúc các tác giả khi đặt bút viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với các tác giả, việc tìm kiếm cảm xúc để gửi trao trong mỗi trang sách vừa dễ lại vừa khó. Dễ là bởi tự thân Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ nhắc đến thôi đã cảm thấy không khí lịch sử thiêng liêng, trầm hùng và hoan ca trong lòng người đọc. Nhưng khó là ở chỗ, giữa bầu không khí quen thuộc ấy, phải chắt chiu những mầm cảm xúc riêng biệt để có được những rung cảm tự nhiên, gần gũi và đời thường.

Để kiếm tìm những cảm xúc riêng biệt ấy, mỗi tác giả phải là cầu nối chân thành từ hình tượng nhân vật, câu chuyện, tư liệu lịch sử đến người đọc. Điển hình như tác giả Nguyễn Ngọc Ảnh, năm nay đã 86 tuổi nhưng bằng trách nhiệm và tình cảm lớn lao, ông hoàn thành tác phẩm “Truyện kể Anh hùng liệt sĩ Hà Văn Nọa”. Cội nguồn của việc hình thành tác phẩm đến với tác giả khi nghe tâm sự của thế hệ thanh niên trẻ ở làng Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang, Hải Dương) mong muốn được tìm đọc cuốn sách viết riêng về Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hà Văn Nọa với chiến công đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trăn trở với những suy nghĩ đó, tác giả Nguyễn Ngọc Ảnh đã dày công viết cuốn sách về người anh hùng nổi danh từng được nhắc đến trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Trần Linh và nhiều đồng chí, đồng đội khác. Đó cũng là ý nguyện truyền lửa cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, hy sinh vì nghĩa lớn của người anh hùng được viết nên trong tác phẩm: “Cứ điểm Him Lam vang tiếng thét/ Bờ sông Nậm Rốm lệ sầu tuôn/ Tấm gương ái quốc soi kim cổ/ Tráng sĩ kiên trung tiết vẹn toàn”.

Thông qua bộ sách, các tác giả mang đến sự hấp dẫn bằng những chi tiết, con số, sự kiện, cảm xúc khác nhau xoay quanh chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Qua đó, xác tín thêm với người đọc những giá trị “bằng vàng”, thể hiện tầm vóc, trí tuệ Việt Nam đã được khẳng định và lan tỏa trong Chiến thắng Điện Biên Phủ-một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh.

NGUYỄN ĐỨC HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.