“Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”

65 năm trôi qua, hai tiếng "Điện Biên" luôn là một phần thiêng liêng trong đời sống tinh thần của những giáo viên tình nguyện lên Tây Bắc dạy học năm xưa. Dù đã ở tuổi 88, ký ức về 16 năm thanh xuân tươi đẹp nhưng muôn vàn gian khó khi công tác tại Điện Biên vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí thầy Lê Thúc Kỷ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và trò chuyện với thầy cô giáo tỉnh Điện Biên (tháng 4-1984). Ảnh tư liệu 

Nhớ lại những ngày mùa thu lịch sử năm 1959, đất nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với nhiều khó khăn, Điện Biên như một vùng trắng về giáo dục, 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc mù chữ, những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề. Người dân Điện Biên và con em mình khao khát có được ánh sáng của giáo dục hơn bao giờ hết. Với mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền núi, góp phần làm cho vùng cao tiến kịp đồng bằng, năm 1959, hưởng ứng kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ đã tình nguyện xung phong lên các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào. Những "chuyến tàu" mang theo tri thức và khát vọng đã đến với Tây Bắc, đến với Điện Biên với biết bao nhiệt huyết của cả một thế hệ tuổi trẻ.

Thầy Lê Thúc Kỷ, sinh năm 1936, quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), bồi hồi nhớ lại năm 1956, thầy ra Hà Nội học trung cấp sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1959, thầy đã viết đơn tình nguyện lên miền núi Tây Bắc giảng dạy. Cũng mùa thu ấy, thầy giáo trẻ 21 tuổi Nguyễn Minh Tranh tạm biệt vợ và mái trường ở miền quê Thái Bình, khoác ba lô cùng hơn 800 đồng nghiệp lên với vùng cao.

Xúc động nhớ lại lần được đón Bác Hồ tới thăm, động viên, thầy Kỷ kể: “Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, chúng tôi được tập trung ở Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương tại Giáp Bát-Hà Nội một tháng để học về chính sách dân tộc. Trước ngày lên đường, Bác Hồ đã đến thăm, nói chuyện động viên. Bác nói với 860 giáo viên tình nguyện đi làm việc ở miền núi về những khó khăn và thử thách sắp tới. Bác ân cần dặn dò, muốn lên miền núi phải có sức khỏe tốt, biết tổ chức tăng gia sản xuất, nhất là trồng rau xanh. Bác giao cho chúng tôi nhiệm vụ là mang ánh sáng văn hóa đến cho bà con miền núi, giúp họ biết chữ và từ bỏ những tập tục lạc hậu, cải tiến phương pháp trồng trọt và chăn nuôi. Để thực hiện điều này, chúng tôi cần phải giữ vững sự đoàn kết với bà con. Bác nhắc nhở: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn. Phải cắm được lá cờ đỏ trên đỉnh núi cao”.

Thầy trò Trường cấp 1-2 Pom Lót học tập khi sơ tán trong rừng tre để tránh máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Hình ảnh và lời dặn dò ân tình của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần để thầy Kỷ, thầy Tranh và lớp thế hệ giáo viên trẻ ngày ấy hừng hực khí thế lên đường, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn này.

Con chữ “nảy mầm” trên vùng đất khó

Tháng 9-1959, đoàn xe chở giáo viên trẻ xuất phát đi lên Tây Bắc. Tới Điện Biên, mỗi người được cử đi một xã, chỉ dạy vỡ lòng và lớp 1 chữ phổ thông. Riêng ở trường thị trấn thì có đến lớp 5. Thầy Kỷ là giáo viên trẻ năng động, có trình độ học vấn cao nên được phân về Phòng Giáo dục huyện Điện Biên công tác (nhiều cán bộ Phòng Giáo dục lúc đó cũng chỉ học hết lớp 4). Về Phòng Giáo dục một năm, mỗi lần có công văn gửi triệu tập giáo viên, thầy Kỷ phải trộn bột gạo nhuyễn, đập phẳng lên bàn, dùng mực tím thật đặc viết vào tờ giấy và in lên mặt bột, sau đó lấy tờ giấy trắng áp lên để in. Một lần in như thế được 30 tờ. 

Còn thầy Nguyễn Minh Tranh được phân công công tác tại xã Chung Chải, xã xa nhất của châu Mường Tè, châu xa nhất của Khu tự trị Thái-Mèo (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Nhiệm vụ đầu tiên của thầy là dựng trường, mở lớp. Lớp đầu tiên có khoảng 15 học sinh, từ 6 đến 16 tuổi. "Mỗi ngày tôi chỉ mong trời sáng bởi niềm vui lớn nhất là thấy học trò đến lớp, càng đông càng mừng nên độ tuổi nào cũng được chào đón”, thầy Tranh nhớ lại.

 Vợ chồng thầy Lê Thúc Kỷ luôn nhớ về quãng thời gian công tác ở Điện Biên.

Năm học 1960-1961, thầy Kỷ được điều động về dạy tại Trường cấp 1 và cấp 2 thị trấn Điện Biên, rồi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng sau một năm công tác. Năm học 1962-1963, thầy được phân công về trường Sam Mứn (sau là Trường cấp 1-2 Pom Lót và nay là Trường THCS xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). “Tại đây, tôi đã gặp và nên duyên cùng vợ tôi, một cô gái gốc Hà Nội tình nguyện lên công tác”, thầy Kỷ kể.

Nghe nhắc đến mình, bà Trần Thị Ngọc Diễm nở nụ cười, tiếp lời chồng: “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường, lên miền Tây điệp điệp trùng trùng. Với lý tưởng thanh niên mạnh mẽ, trong sáng, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm tại Hà Nội tháng 7-1963, chúng tôi tình nguyện đi phát triển kinh tế, văn hóa miền núi”.

Cô giáo Ngọc Diễm ban đầu được phân công về Lai Châu, sau đó cô và cô giáo Nguyễn Thanh Thúy được điều về Điện Biên và trở thành hai giáo viên nữ bậc phổ thông cơ sở đầu tiên của Điện Biên. Bà Diễm kể, với hành trang trên vai là chiếc ba lô nặng trĩu chỉ toàn sách vở, các thầy cô đi bộ cả ngày đường núi để đến từng xã. Lên đến nơi, không trường, không lớp, không sổ sách và không có học sinh. Thứ duy nhất các thầy cô giáo trẻ có là tấm lòng và sự quyết tâm. Ở đây, các thầy cô tự mày mò học tiếng đồng bào và tìm đến từng nhà làm quen với bà con, lập danh sách trẻ em trong độ tuổi vận động đi học. Để nhân dân tin tưởng, các thầy cô đã sống và làm việc chung với họ. Nhiều giáo viên còn nhận nuôi học sinh để khuyến khích cha mẹ cho con em đi học. Thế rồi, tình yêu cứ ngấm dần, ý thức về con chữ của người dân ngày càng được nâng cao. Với giáo viên vùng cao, bất kể ai lúc đó cũng sẵn lòng dùng những đồng lương ít ỏi của mình để nuôi trò, và thầy Kỷ cũng vậy. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi máy bay Mỹ oanh tạc, thầy trò phải xuống hầm để học, nhưng thầy vẫn động viên học sinh: "Đất nước sẽ thống nhất và chúng ta sẽ có những ngôi trường mới. Các em sẽ là những người thầy tương lai". 

Những thành tựu của ngành giáo dục Điện Biên hôm nay là minh chứng cho sự sáng suốt trong đường lối phát triển giáo dục miền núi của Đảng và Chính phủ. Các thầy cô chính là những người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục Tây Bắc với nhiều thành tích quan trọng. Họ thực sự là những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay biết ơn và tiếp nối.

Bài và ảnh: THU HÀ

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.