Những ngày này, Điện Biên tươi mới, rạng rỡ hẳn lên với những công trình mới, cảnh sắc trang trí mới và đặc biệt là muôn gương mặt từ khắp cả nước và những đoàn khách du lịch quốc tế về nơi đây. Trẻ trung, háo hức, đoàn chiến sĩ trẻ các đơn vị thuộc Quân đoàn 12 được về nơi thế hệ ông cha, những chiến binh của các đại đoàn 70 năm trước đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh để cùng quân dân ta làm nên chiến thắng. Kế nữa là những đoàn đại biểu của tuổi trẻ cả nước; là những đơn vị Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, cả những nữ chiến sĩ du kích miền Nam chuẩn bị tham gia diễu binh, diễu hành trong ngày lễ lớn; là những nghệ sĩ, diễn viên, những vận động viên đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ-2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”...

Với riêng tôi, Điện Biên Phủ đã trở nên thân thuộc từ khi nào nhỉ? Từ mái trường phổ thông, rồi đại học, từ những thước phim, cuốn sách, từ những bảo tàng... Đương nhiên rồi! Nhưng gần gũi, sống động nhất mà cũng là nặng tình, nặng nghĩa nhất chính là sự gần gũi của không biết bao nhiêu con người từng là chiến sĩ Điện Biên mà tôi được gặp trong suốt cuộc đời mình, cả trong chiến tranh và hòa bình. Sinh ra ở vùng tự do Liên khu 10 Phú Thọ lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối, khi tôi học đánh vần thì chữ đầu tiên bập bẹ chính là dòng chữ “Điện Biên Phủ” màu đỏ trên chiếc ca sắt phủ men màu vàng của bố tôi để trên bàn. Rồi dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên” trên chiếc huy hiệu bố mẹ tôi cất cùng các hộp huân, huy chương.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: qdnd.vn  

Những câu chuyện về Điện Biên Phủ, về quân, dân ta đánh giặc Pháp thường được râm ran trong mái nhà tôi mỗi khi các bác, các chú đồng đội của bố tôi ghé thăm. Họ, dù ở tuyến trước hay tuyến sau cũng đều được tặng huy hiệu và chiếc ca kỷ niệm. Tôi nhớ bác Ngô Gia Khảm-Anh hùng Lao động có nhiều thành tích chế tạo, sản xuất vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và các bác từng công tác ở ngành quân giới nói với nhau: Bác Hồ, Đảng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bỏ sót một ai có công với nước.

***

Chiến sĩ Điện Biên, người Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh-Cách mạng Tháng Tám-Điện Biên Phủ trong tâm tưởng các lớp người sinh sau như chúng tôi là biểu tượng của ý chí, trí tuệ, của sức mạnh phi thường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mưa bom, bão đạn. Nhưng họ cũng là những con người bình dị, gần gũi ngay bên mình. Chúng tôi lớn lên trong vòng tay lớn của thế hệ cách mạng đặc biệt ấy để mỗi ngày nhận thức sâu sắc hơn về giá trị cuộc sống. Cách mạng là không ngừng tiến công bởi có những con người phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ. Họ cháy bỏng khát vọng đưa đất nước đi lên từ đói nghèo, lạc hậu, từng bước xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc. Cũng chính họ là những người luôn đau đáu nỗi thương đau đất nước chia cắt và đi tiên phong trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với vô vàn hy sinh, gian khổ suốt hai mươi năm tiếp theo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh các bác, các chú, các cô chỉ huy và hướng dẫn người dân Hà Nội đào đắp cả hệ thống hầm hào cá nhân, những căn hầm kèo chữ A và những căn hầm tập thể quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, tại các công viên và các xóm ngõ, phố phường ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội. Rất tự nhiên, ai cũng tin vào họ và bắt tay hăng hái làm việc. Những thiếu niên như chúng tôi thậm chí còn hào hứng cầm cuốc xẻng, đội mũ rơm, làm các kiểu đèn dầu học đêm phòng tránh máy bay, hay lên đường sơ tán đến các vùng nông thôn, miền núi.

Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp sinh viên chúng tôi lên đường nhập ngũ. Trải qua các đơn vị bộ binh rồi hải quân, ở đâu chúng tôi cũng thấy những cán bộ chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đều từng là chiến sĩ Điện Biên, cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, những người “thuở chín năm”.

Khi được giao nhiệm vụ về công tác tại Báo Quân đội nhân dân thì tôi càng cảm thấy vững tâm, tự hào khi bộ khung nòng cốt của cơ quan toàn là những cán bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội đánh Tây. Các đồng chí tổng biên tập, phó tổng biên tập đều là những chỉ huy cấp trung đoàn tại các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các trưởng phòng, phó phòng, các cây bút chắc chắn, sắc sảo cũng từng là phóng viên, cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Rộng ra, ở các cơ quan thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng cũng có những cơ cấu nòng cốt như vậy.

Mùa xuân 1975, khi tôi lên xe vào chiến trường miền Nam thì ngoài anh lái xe, có hai người khác là cán bộ Bộ Quốc phòng, từng là “bộ đội chín năm” dày dạn trận mạc đánh giặc Pháp, giặc Mỹ. Ngày đầu tháng 4-1975, khi tôi đến Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 thực hiện nhiệm vụ phóng viên, được đi cùng đơn vị tiến từ Đà Nẵng vào phía Nam thì đích thân Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn đã tiếp tôi. Ông ân cần hỏi han và căn dặn tôi kỹ càng, tiếp thêm cho tôi sự tin tưởng vào đơn vị, vào chiến thắng phía trước. Một gương mặt rất đáng nhớ khác là Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn 2. Ông vốn là người của những giai thoại về cá tính và lòng dũng cảm trong kháng chiến chống Pháp, vào mùa Xuân đại thắng năm 1975 là hình ảnh ông trên chiếc xe tăng dũng mãnh tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết... Và rồi ngày 30-4 lịch sử ấy, tại Dinh Độc Lập đã tụ hội, bừng sáng bao gương mặt các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ.

***

“Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”-những câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu viết về các đồng chí của ông sau Chiến thắng Điện Biên Phủ sẵn sàng mạnh bước trong cuộc trường chinh cứu nước đã hiện ra mỗi ngày trong con mắt và cõi lòng những lớp người sinh sau. Và rồi thế hệ huyền thoại ấy không dừng lại. Một chặng đường mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có họ dẫn lối, mở đường. Đương đầu với bao bão gió và lửa đỏ thời cuộc, dám và quyết kiên gan với lý tưởng mơ ước, dám và quyết đổi mới tư duy, mở mang, nâng tầm chính mình để đưa đất nước bứt vượt lên văn minh, hiện đại.

Những ngày này đây, vì sao giữa thời thị trường và đại công trường mà các câu chuyện về chiến trường Điện Biên Phủ vẫn cứ vang động? Vì sao những câu chuyện về chiếc xẻng của chiến sĩ ta đào chiến hào tấn công các cứ điểm Điện Biên Phủ, về chiếc xe thồ của dân công tiếp tế lên mặt trận... lại được nhắc đến nhiều cả ở trong nước và trên thế giới? Cùng với quyết định “kéo pháo vào, kéo pháo ra”, tất cả đều minh chứng sống động về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Đó cũng là hiện thực của phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trận này phải thắng”.

Phải thắng, đánh chắc thắng cũng có nghĩa là hạn chế hy sinh xương máu... Và trên hết, đánh chắc thắng là xây chắc niềm tin. Trong kỳ tích Điện Biên Phủ, những người lính thế hệ sau như chúng tôi luôn khắc ghi những bài học về kỷ luật nghiêm minh của bộ đội ta. Những cuộc học tập, sinh hoạt chính trị mà lúc đó gọi là “chỉnh huấn” diễn ra giữa chiến dịch đã kịp thời uốn nắn, xóa đi những biểu hiện dao động, hoài nghi. Những bài học đi cùng chúng tôi vào Trường Sơn và đi suốt cuộc đời. “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, bài học này vẫn vô cùng cần thiết trong cuộc sống hôm nay.

Điện Biên Phủ, chiến sĩ Điện Biên đã và mãi mãi là nguồn sáng chiếu rọi cho các thế hệ người Việt Nam trên mọi nẻo đường.

Tùy bút của MẠNH HÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.