Phóng viên (PV): Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thành Đô: Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới, có diện tích tự nhiên hơn 9.541km2, trong đó 50% diện tích có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển; 70% diện tích dốc 25 độ trở lên... rất khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, kế thừa truyền thống hào hùng, phát huy giá trị Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên hăng hái thi đua phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nhiều đổi thay, khởi sắc.
 |
Đồng chí Lê Thành Đô. |
Đặc biệt, những năm qua, Điện Biên luôn là điểm đến hấp dẫn về văn hóa, du lịch, đầu tư; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2004-2018 đạt 8,72%/năm, những năm gần đây đạt trung bình hơn 9%, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 11 lần so với năm 2004. Đến nay, 127/129 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 129/129 xã, phường, thị trấn có điện với hơn 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Với lợi thế về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, khách du lịch đến với tỉnh Điện Biên ngày càng tăng. Hiện địa bàn tỉnh có 33 di tích được xếp hạng (trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh). Nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trên cả nước. Xác định du lịch lịch sử là khởi điểm, cũng là cầu nối để Điện Biên phát triển loại hình du lịch khác, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Điện Biên đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, tạo đà đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”.
PV: Thưa đồng chí, để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, Điện Biên xác định những chủ trương, giải pháp nào trong phát triển kinh tế-xã hội?
Đồng chí Lê Thành Đô: Để có bước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu đến năm 2045, Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
 |
Đỉnh đồi A1 những ngày đầu tháng 5-2024. Ảnh: HỒNG SÁNG |
Theo đó, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; có giải pháp thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín; đầu tư khai thác năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời; phát triển du lịch dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử-tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Điện Biên tập trung triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch chung TP Điện Biên Phủ, làm cơ sở thu hút đầu tư. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, khai thác hiệu quả hoạt động Cảng hàng không Điện Biên tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
PV: Thưa đồng chí, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, công tác quốc phòng, an ninh được tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện như thế nào?
Đồng chí Lê Thành Đô: Những năm gần đây, cùng với các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định. Đặc biệt, đối với công tác quốc phòng, an ninh, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được nâng lên rõ rệt.
 |
Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: VŨ LỢI |
Tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch thế trận khu vực phòng thủ kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội, thế bố trí dân cư trên địa bàn gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. LLVT được chăm lo, xây dựng vững mạnh về mọi mặt; chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng lên.
Chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược; nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo được chú trọng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ngày càng chặt chẽ. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tiềm lực quốc phòng của địa phương không ngừng được củng cố, tăng cường...
 |
Điệu xòe Thái, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thường xuyên được biểu diễn trong ngày hội ở Điện Biên. Ảnh: HỒNG SÁNG
|
Kế thừa và phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định, tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, duy trì an ninh trật tự trên khu vực biên giới.
PV: Công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024) được tỉnh Điện Biên chuẩn bị và tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thành Đô: Đến thời điểm này, công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã và đang được tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Các dự án đầu tư công, dự án chỉnh trang đô thị phục vụ các hoạt động kỷ niệm đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành tổ chức chuẩn bị lễ kỷ niệm chu đáo, bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, có tính giáo dục cao. Cơ quan chức năng đã rà soát lại toàn bộ phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn tuyệt đối sự kiện chính trị trọng đại này.
 |
Khu vực trung tâm TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: HOÀNG KHÁNH |
Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra các hộ gia đình có nhà, phòng lưu trú đủ điều kiện theo quy định của tỉnh đáp ứng nhu cầu của du khách về Điện Biên dịp này, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nơi ở khi lượng khách đến Điện Biên dịp lễ kỷ niệm tăng đột biến. Chúng tôi nhận thức rõ, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là dịp để quảng bá hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Điện Biên thân thiện và mến khách.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.