Câu chuyện về “Em bé Tượng đài”, đã được Đại tá, NSND, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ để biết rõ hơn về ý tưởng sáng tạo, quá trình tìm nhân vật và dàn dựng mô phỏng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng nghệ thuật múa.

leftcenterrightdel

"Em bé Tượng đài" trở thành hình ảnh biểu tượng đang được lan tỏa tới đông đảo khán giả trong Lễ kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhận được sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu phải tạo dựng mô phỏng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong màn xếp hình nghệ thuật chủ đề “Bản anh hùng ca Điện Biên”, do các chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà đã trăn trở, tìm hiểu và suy nghĩ để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Ba nhân vật chiến sĩ lựa chọn trong tầm tay, chỉ có nhân vật bé gái mới phải tìm cho phù hợp”, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ. Tại sân vận động tỉnh Điện Biên, dưới cái nắng 40 độ C, chị hăng say dàn dựng diễu hành xe Nghi trượng, nhưng vẫn không quên để mắt tìm nhân vật “Em bé Tượng đài”.

Trên sân vận động tỉnh Điện Biên, có khá nhiều các em nhỏ được ông bà, cha mẹ đưa đến xem các cô, chú bộ đội hợp luyện. Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà đã tìm được 4-5 cháu bé có thể phù hợp để thử vai "Em bé Tượng đài". Nhưng trời chưa chiều lòng người, các bé khi bắt đầu được bế lên vai thì tất thảy đều khóc vì sợ độ cao, không chịu hợp tác. Thế rồi chị chợt nhớ ra có một bé gái thường được ông nội đưa đến sân vận động. Đặc điểm nổi trội của cô bé chính là sự hoạt bát, nhanh nhẹn, thân thiện, yêu các cô chú bộ đội, thích nói chuyện và thích được cô chú bộ đội bế trên tay.

“Em bé Tượng đài" đây rồi!” - nữ nghệ sĩ hân hoan và bắt đầu ngỏ ý với ông nội bé cho Vy Trâm 4 tuổi thử vai. Cô bộ đội Thu Hà trò chuyện với bé, cho bé ngắm ảnh “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ”, giải thích và hướng dẫn Vy Trâm “nhập vai”. Trong 3 nhân vật (là học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đảm nhiệm vai chiến sĩ, có chú Long được Vy Trâm yêu quý và quấn quýt nhất, nên Long là người thực hiện việc bế em bé tạo hình mô phỏng theo đúng “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Tượng đài mô phỏng được thực hiện theo kỹ thuật “chồng ghép” người để tạo độ cao làm nổi bật biểu tượng nhân vật, trong đó em bé được tạo hình ở vị trí cao nhất.

leftcenterrightdel
Đại tá, NSND, TS Nguyễn Thị Thu Hà bên em bé Vy Trâm hóa thân trong hình ảnh "Em bé Tượng đài".

Lường trước tình hình Vy Trâm sợ độ cao giống như em bé khác, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà đã thủ thỉ với bé: “Nếu con đứng ở dưới đất thì khán giả sẽ không nhìn thấy, vì thế con phải đứng lên cao thì tất cả mọi người sẽ ngắm được con biểu diễn”. Vy Trâm đồng ý với cô bộ đội bằng một giọng ngọng líu lô, gật đầu quyết tâm thực hiện.

Trong chuyến thăm, tặng quà gia đình bé Vy Trâm của Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà, từ ông bà, bố mẹ đều thể hiện sự vui mừng và tự hào vì có bé được lựa chọn biểu diễn, góp phần công sức nhỏ bé vào Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vậy là hằng ngày, giống như các cô chú khác, 4 giờ sáng Vy Trâm thức dậy, những cái ngáp ngái ngủ theo bé ra tận sân vận động, ai cũng yêu mến và cảm phục em bé 4 tuổi hiểu chuyện này. Trâm được một chú bộ đội bế trong đội hình gồm 3 chiến sĩ và một em bé, mô phỏng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Động tác chủ yếu của bé là giơ hai tay chào, với một bó hoa và lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" cầm theo. Bắt đầu vào vai diễn, bé Trâm gạt mọi cơn ngái ngủ, nghiêm túc thực hiện, ngồi trên vai chú Long, miệng cười tươi, tay cầm cờ hoa vẫy cho đến hết vai diễn.

“Em bé Tượng đài” Vy Trâm cứ xuất hiện thì cả sân vận động vỗ tay hoan hô động viên bé, khiến cho Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà vui mừng, yên tâm. Chị tâm sự: “Tìm được Vy Trâm đúng là hữu duyên, trong hàng bao nhiêu em bé, Vy Trâm nổi bật, hợp tác và cố gắng hết sức, cùng với các cô chú hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và Vy Trâm cũng đang là nhân vật “hot” trên mạng xã hội, được báo giới quan tâm đưa tin khá nhiều. Bé là diễn viên nhỏ tuổi nhất góp phần làm nên thành công của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Chị Vương Ý Nhi, mẹ của Vy Trâm đã may cho bé một bộ váy “cóm” – trang phục truyền thống của người Thái, chiếc áo màu đỏ có những khuy bạc, chiếc chân váy nhung đen được điểm thêm chuỗi xà tích bạc. Trên đầu là chiếc khăn Piêu, khoác trên người bộ váy “cóm”, bé Vy Trâm đã hóa thân vào nhân vật "Em bé Tượng đài" thật hoàn hảo với nụ cười luôn nở trên môi.

leftcenterrightdel
 Bé Vy Trâm trong buổi tập với các cô chú bộ đội.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm: “Ban đầu bé mặc áo trắng, nhưng tôi nghĩ màu đỏ là màu của dân tộc, màu của chiến thắng, màu của lòng yêu nước và tự hào dân tộc, nên đã đề nghị mẹ bé thay cho Vy Trâm áo đỏ. Thực sự khi mặc bộ váy cóm, Vy Trâm đáng yêu vô cùng và nổi bật, trở thành tâm điểm chú ý của sân vận động”.

Mô phỏng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng nghệ thuật múa, Đại tá, NSND, TS Nguyễn Thị Thu Hà đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thành công khắc họa sâu sắc dấu ấn hào hùng của dân tộc: Chiến sĩ phất cao lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa; một chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm bó hoa tượng trưng cho những văn nghệ sĩ Quân đội đã và đang ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách, đồng thời thể hiện cho sự tiếp nối thế hệ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc giàu đẹp; chiến sĩ thứ ba nắm chắc tay súng thể hiện tinh thần luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thành công tốt đẹp, góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Tôi tự hào được là một phần của hoạt động ý nghĩa này”, Đại tá, NSND, TS Nguyễn Thị Thu Hà hân hoan bày tỏ.

PHƯƠNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.