Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, xe tăng thường xuyên phá các chướng ngại vật trên đường phố và những bức tường gạch, nghiền nát xe cộ, pháo và máy bay của kẻ địch tại các sân bay. Tuy nhiên, việc húc đổ xe tăng hạng nặng lại là một vấn đề khác. Chỉ những lính tăng can đảm và bản lĩnh nhất mới dám thực hiện cách đánh nguy hiểm này. Thậm chí, một số họ còn húc đổ cả đoàn tàu bọc thép.

Những cú đâm đầu tiên bằng xe tăng

Những cú đâm đầu tiên bằng xe tăng có lịch sử từ cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Binh sĩ Liên Xô là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng cách đánh này, khi họ đứng về phía phe cộng hòa tham gia chiến đấu trên bán đảo Iberia.

Theo đó, ngày 29-10-1936, đại đội xe tăng của Đại úy Liên Xô Paul Arman đã chiến đấu chống lại xe tăng Ý ở ngoại ô Sesenyi, cách Madrid 30km. Xe tăng chỉ huy bị kẹt súng, nên bị xe tăng hạng nhẹ CV-33 Ansaldo áp sát dữ dội. Chiếc T-26 của Trung úy Semyon Osadchy đã cứu Đại úy Paul Arman thoát chết, bằng cách lao hết tốc lực vào bên sườn xe tăng địch và hất tung nó xuống một khe núi, khiến chiếc xe lộn nhiều vòng và cuối cùng nổ tung.

leftcenterrightdel
Cận cảnh một xe tăng phát xít Đức bị đâm lật ngửa trên chiến trường. Ảnh: Ivan Shagin/MAMM/MDF. 

Đâm vào xe tăng phát xít Đức

Trong Thế chiến II đã từng ghi nhận những trường hợp đâm xe tăng do quân đội một số quốc gia tham chiến thực hiện, nhưng Hồng quân Liên Xô là bên lập kỷ lục tuyệt đối về cách đánh này. Tổng cộng, lính tăng Xô viết đã có hàng trăm lần thực hiện đâm xe tăng địch.

Đánh vào xe bọc thép hạng nặng của kẻ địch được cho là biện pháp bất đắc dĩ và cũng là biện pháp cuối cùng, khi không còn đạn hoặc súng bị hỏng. Trong chiến tranh, nhiều lính tăng Liên Xô đã được hướng dẫn tại trường học cách đâm vào xe chiến đấu của đối phương, nhằm vô hiệu hóa nó mà vẫn giữ cho mình được bình an vô sự.

Trường hợp đâm xe tăng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã được ghi nhận vào ngày 22-6-1941. Trong cuộc giao tranh ở miền tây Ukraine, chiếc KV-1 hạng nặng của Trung úy Pavel Gudz đã đâm vào chiếc Pz.Kpfw III hạng trung của quân Đức, làm hỏng bánh xích và hất xe địch xuống mương.

Mùa đông năm đó, trong trận đánh bảo vệ Moscow, kíp lái xe tăng hạng nhẹ BT-7 gần làng Denisikha đã giao chiến với hai chiếc Pz.Kpfw III của Đức. Chiếc xe tăng thứ nhất bị hỏa lực phá hủy, nhưng sau đó không còn đủ đạn xuyên giáp để tấn công chiếc thứ hai. Khoảng cách đến kẻ địch giảm xuống còn 200m, nên người lái xe Pyotr Trainin quyết định đâm vào.

leftcenterrightdel
Những chiếc xe tăng nằm chồng chất lên nhau sau khi bị đâm. Ảnh tư liệu. 

Người lính lái xe tăng viết trong hồi ký của mình: “Tôi nhớ lại tất cả những gì mà người hướng dẫn lái xe đã dạy chúng tôi trong những bài tập húc. Tôi đã hành động chính xác theo hướng dẫn, đó là bật và tắt những gì cần thiết, nhấn vào nơi cần thiết. Sau đó đâm vào xe tăng địch bằng phần chính giữa cạnh trước, nơi đã được hàn chắc chắn tấm giáp phía mũi. Tôi húc nó theo hướng ngược lại, ở một góc gấp, chính xác là trên bánh lái. Bánh xe và dây xích bị phá hỏng, còn sau cú húc, người lái cho động cơ chạy hết tốc lực và kéo chiếc xe tăng địch đi thêm 8-10m”.

Kíp lái chiếc Pz.Kpfw III cố gắng trèo ra ngoài qua cửa sập, nhưng chỉ huy chiếc BT-7 đã đuổi chúng quay trở lại bằng một loạt súng máy. Đột nhiên, xe tăng Đức bắt đầu trượt xuống và cuối cùng bị lật nghiêng. Lái xe Pyotr Trainin sau đó đã kéo chiếc xe đến dốc bờ sông phủ đầy tuyết.

Chiếc BT-7 của Liên Xô thực tế không hề hấn gì và rút vào rừng, trong khi một chiếc Pz.Kpfw III khác của Đức xuất hiện ở bìa rừng. Sau đó, kíp lái quyết định vẫn sử dụng cách đánh táo bạo của mình. Khi quân Đức đến gần những đồng đội đã thiệt mạng của chúng, thì chiếc xe tăng Liên Xô lao ra khỏi khu rừng rậm với tốc độ tối đa. 

“Lần này tôi hất tung bánh lái của xe địch nhanh đến mức tôi còn không cảm nhận được lực va chạm. Nhưng động cơ bị trục trặc sau cú húc và phải cố đến 3-4 lần thì máy mới nổ. Rất may cuối cùng xe tăng cũng đã hoạt động trở lại. Kíp lái quân phát xít bị mất bánh xe đã vội vàng quay tháp pháo”, Pyotr Trainin kể lại. Chạy theo đường zíc zắc, chiếc BT-7 của Liên Xô đã thoát hiểm thành công khỏi hỏa lực địch.

Hai lần đâm xe tăng địch như vậy không phải là thành tích cao nhất của lính tăng Liên Xô. Một số đã thực hiện cách đánh này 3 hoặc thậm chí 4 lần. Mặt khác, đối với nhiều người, chỉ một lần đâm vào xe bọc thép của kẻ địch thì đã trở thành lần cuối cùng trong đời họ.

leftcenterrightdel
Đoàn tàu bọc thép của Đức Quốc xã. Ảnh: Bundesarchiv. 

Săn xe tăng siêu nặng Tiger của Đức

Trận vòng cung Kursk diễn ra vào mùa hè năm 1943 đã trở thành cao điểm của những vụ đâm bằng xe tăng. Trong trận này ghi nhận được khoảng 50 trường hợp như vậy. “Ở đây trận hỏa lực biến thành trận đâm húc, những chiếc xe tăng áp sát, húc văng nhờ lớp giáp, nằm chồng chất lên nhau…”, Tướng Evgeny Ivanovsky kể lại.  

Ngay lúc đó, xe tăng hạng trung T-34 nặng 30 tấn của Liên Xô đã cố gắng húc vào “con quái vật” nặng 57 tấn của Đức, xe tăng Pz.Kpfw.VI Tiger. Trường hợp đầu tiên như vậy xảy ra vào ngày 12-7-1941 tại nhà ga Prokhorovka, khi một chiếc xe tăng đang bốc cháy của Trung úy Ivan Gusev đâm vào chiếc Tiger với tốc độ tối đa. Xe tăng địch chìm trong biển lửa đã dừng lại, nhưng cái giá phải trả là sinh mạng của các lính tăng Liên Xô.

May mắn hơn rất nhiều là kíp lái của Thượng úy Afanasy Fedorov. Sáng ngày 28-7-1941, anh là một trong những người đầu tiên đột nhập vào làng Rybnitsa. Người thợ máy lái xe Ivan Dupliy kịp thời nhận ra chiếc Tiger đang phục kích, khi nòng pháo của nó bắt đầu quay từ từ hướng về xe tăng T-34 của Liên Xô.

“Thưa chỉ huy, bên góc của ngôi nhà bằng đá có chiếc Tiger! Chúng ta có nên đâm vào nó không?”, Ivan Dupliy thốt lên. Sau một hồi suy nghĩ, Thượng úy Afanasy Fedorov ra lệnh “Hãy tiến lên!”.

Người thợ máy lái xe mở hết tốc lực và lao đến gần chiếc Tiger. Chiếc T-34 ngay lập tức tông vào bên hông chiếc Pz.Kpfw.VI, xé nát bánh xích của nó. Lính Đức cố thoát khỏi chiếc xe bị phá hỏng, nhưng ngay lập tức bị hỏa lực súng máy bắn hạ. Xe tăng của Thượng úy Afanasy Fedorov không bị hư hại gì và vẫn hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.

Đâm vào đoàn tàu bọc thép

Nhiều lính tăng Xô viết đã được huấn luyện để đâm xe tăng của địch, nhưng chưa từng có người nào hướng dẫn họ cách đâm đoàn tàu bọc thép của đối phương. Tuy nhiên, một số trường hợp đã được ghi nhận trong chiến tranh, khi xe tăng của Hồng quân Liên Xô lao vào những “pháo đài trên đường ray” với tốc độ tối đa.

Trường hợp được biết đến nhiều nhất xảy ra vào ngày 25-6-1944 ở khu vực đông nam Belarus. Tiểu đoàn xe tăng số 2 thuộc Lữ đoàn xe tăng Cận vệ số 15 đã chiến đấu bảo vệ nhà ga Chernye Brody gần thành phố Bobruisk, và đoàn tàu bọc thép của Đức đã chống cự lại được cuộc tấn công của quân Liên Xô.

Ngay giữa trận chiến, chiếc T-34 chìm trong biển lửa với khẩu pháo bị hư hỏng, đã lao vào húc gã chiếc xe tăng siêu nặng của quân Đức. Đến lúc đó, chỉ có Trung úy Dmitry Komarov và người thợ máy lái xe Mikhail Bukhtuev còn sống sót trong đội hình kíp lái. 

Chạy với tốc độ tối đa khiến bộ binh địch tán loạn trên đường đi, chiếc T-34 lao lên nền đường sắt và đâm vào đoàn tàu bọc thép của Đức. Kết quả là 3 bệ có gắn súng máy và pháo trượt khỏi đường ray. Nhân lúc quân địch hoang mang, các binh sĩ Liên Xô đã lao thẳng vào nhà ga.

Người thợ máy lái xe Mikhail Bukhtuev hy sinh tại chỗ do bị va đập, nhưng Trung úy Dmitry Komarov may mắn sống sót. Mang trên mình đầy máu, anh trèo ra khỏi chiếc T-34 và dùng súng lục để bắn. Khi đến được một khu rừng gần đó thì anh bất tỉnh, nhưng ngay sau đó đã được một nhóm trinh sát Liên Xô phát hiện và cứu sống. 

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)