Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga và là Tổng biên tập Tạp chí quốc phòng “Vũ khí bảo vệ Tổ quốc” (Arsenal Otechestva), cho biết: “Ở nước ngoài người ta thêu dệt nên câu chuyện rằng Nga tụt hậu trong lĩnh vực chế tạo robot”. Trong khi đó, trên thế giới không có quân đội nào sở hữu các loại phương tiện và máy bay không người lái nhiều như ở Nga. Thậm chí có thể khẳng định rằng, xu hướng này tại Nga sẽ ngày càng phát triển.
“Quân đội Nga là lực lượng kế thừa của Hồng quân Liên Xô, vốn từng tạo ra những chiếc xe tăng điều khiển từ xa vào thập niên 1930. Sau chiến tranh, Liên Xô rất chú trọng phát triển máy bay không người lái, còn cá nhân tôi thì đã từng tham gia công tác điều khiển từ xa các loại xe tăng hiện đại. Hiện xu thế này cũng đang phát triển rất tích cực. Và nếu có chút tụt hậu về mức độ tiên tiến trong lĩnh vực máy bay không người lái, thì Liên bang Nga lại có chương trình phát triển robot trên bộ và trên biển lớn nhất thế giới”, chuyên gia Viktor Murakhovsky khẳng định.
Robot tham gia tập trận
Tháng 9 vừa qua, Nga cùng đồng minh chiến lược Belarus đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Zapad-2021, nơi trình diễn những sản phẩm mới nhất về kỹ thuật và chiến thuật quân sự. Trong cuộc tập trận này, lần đầu tiên công chúng được nghe nói đến xe bộ binh BM-19 có tích hợp mô-đun chiến đấu Epoch, cũng như các máy bay không người lái tấn công mới Lastochka.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong khuôn khổ cuộc tập trận Zapad-2021 là các tổ hợp robot chiến đấu trên không và trên mặt đất. Khi thực hiện nội dung chính của cuộc tập trận, các cuộc tấn công giả định nhằm vào kẻ địch đã được thực hiện đồng thời bởi 3 máy bay không người lái, gồm Forpost, Lastochka và Inokhodets, cùng hai biến thể của robot chiến đấu là Uran-9 và Nerekhta. Trong những ngày tập trận còn lại, người ta sử dụng đến robot Platform-M có trang bị súng máy và súng phóng lựu.
 |
Uran-9 hiện là robot lớn nhất của quân đội Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Thử nghiệm đầu tiên về việc sử dụng robot trên mặt đất tham gia chiến đấu cùng con người đã được tiến hành tại cuộc tập trận này. Phối hợp hành động cùng các xạ thủ cơ giới, những chiếc robot Uran-9 và Nerekhta đã tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau. Những robot chiến đấu dòng Uran lớn hơn và nặng hơn đã bắn tên lửa dẫn đường vào các phương tiện bọc thép thông thường của đối phương.
Uran-9 hiện là loại robot lớn nhất của quân đội Nga. Nó có vẻ ngoài như “chiếc tai” đặc trưng bởi các bệ phóng nằm ở hai bên và thuộc các tổ hợp hạng trung. Robot chiến đấu dòng Uran được trang bị pháo tự động 30mm, tên lửa dẫn đường chống tăng Ataka và súng phun lửa Shmel. Trọng lượng của xe chiến đấu đạt 12 tấn, nhỏ hơn một chút so với xe bộ binh BMP-2.
Hiện còn rất nhiều loại máy bay không người lái và robot của Nga đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo. Trong số những máy bay không người lái tấn công, có thể kể đến một số chương trình chế tạo như Altius, Okhotnik, Sirius, Karnivora, trực thăng không người lái Platforma, hệ thống Molniya... Trong tương lai, những robot trên mặt đất có khả năng mang nhiều loại vũ khí khác nhau sẽ được tích hợp thêm hệ thống Shturm hạng nặng và hệ thống Soratnik hạng trung, robot Marker và thậm chí có thể là cả xe tăng Armata không người lái.
Theo chuyên gia Nga trong lĩnh vực máy bay không người lái Denis Fedutinov, cuộc tập trận Zapad-2021 vừa qua thực sự nổi bật bởi việc sử dụng quy mô lớn nhất các hệ thống không người lái và robot, trong đó có một số được sử dụng lần đầu. Trong tương lai, máy bay Forpost và Inokhodets sẽ được bổ sung thêm loại Altius bay cao hạng nặng và loại Okhotnik hạng nặng khó nhận diện.
“Việc khắc phục sự tụt hậu trong lĩnh vực này đòi hỏi chi phí đáng kể về mặt tài chính và thời gian. Điều này đã trở thành bài học nhất định cho giới quân sự Nga, những người hiện đang ưu tiên hàng đầu cho các phương tiện bay không người lái”, chuyên gia Fedutinov nhận định.
Trong khi đó, Tổng biên tập của Tạp chí quốc phòng “Vũ khí bảo vệ Tổ quốc” Viktor Murakhovsky cho rằng, ngày nay, Nga có đầy đủ toàn bộ các loại robot trên mặt đất, từ robot trinh sát, robot công binh và xe hỗ trợ đến các phương tiện chiến đấu. “Về kích cỡ robot, Nga có tất cả từ các mô hình thu nhỏ dạng khối cầu có thể phóng bằng tay đến các tổ hợp hạng nặng dùng trên bệ của xe tăng chủ lực. Và về sự đa dạng tải trọng của các robot chiến đấu, dù là loại chiến đấu hay trinh sát, thì Nga hiện đang dẫn đầu”, chuyên gia này cho biết thêm.
Những đơn vị robot chiến đấu
Ngành công nghiệp Nga hiện cũng đang nỗ lực tăng cường tự động hóa các thiết bị và vũ khí thông thường do con người điều khiển. Trí tuệ của máy tính trên máy bay Su-57, hay còn gọi là phi công ảo, cho phép chiếc tiêm kích này thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà không cần có phi công ngồi trong khoang lái. Ngay cả những loại pháo xe kéo cũ cũng dự kiến sẽ được tự động hóa và điều khiển từ xa (có thể thực hiện bằng cách lắp hệ thống liên lạc và truyền động điện vào cần điều khiển).
Song song với việc robot hóa, quân đội Nga đang phát triển ý tưởng tạo ra một hệ thống trinh sát-tấn công thống nhất, tương tự như các thao tác trung tâm mạng đã được đề xuất tại Hoa Kỳ. Cả hai cách này đều dự kiến rằng, toàn bộ các phương tiện khi chiến đấu, có thể là máy bay và máy bay không người lái trên không, xe chiến đấu, binh lính và robot trên mặt đất, vệ tinh trong vũ trụ…, sẽ được tích hợp thành một hệ thống bằng các kênh truyền dữ liệu. Hơn nữa, việc trao đổi thông tin này phải diễn ra trong thời gian thực. Điều này sẽ đạt được ưu thế vượt trội về mặt thông tin so với đối phương.
 |
Máy bay không người lái Inokhodets (phiên bản xuất khẩu có tên là Orion). Ảnh: Tập đoàn Kronstadt. |
Các hệ thống xử lý và truyền dữ liệu đặc dụng được lắp đặt trên các loại vũ khí riêng lẻ, như xe tăng và xe pháo có các thiết bị này, trực thăng tấn công và máy bay cường kích. Việc đưa các máy bay quân sự không người lái và robot chiến đấu vào không gian thông tin thống nhất, cùng với việc sử dụng rộng rãi hơn các yếu tố trí tuệ nhân tạo, có thể trở thành một trong những giai đoạn của chương trình phát triển robot của quân đội Nga trong tương lai.
Theo chuyên gia Murakhovsky, trong tương lai, những khu vực riêng biệt của vùng chiến sự có thể được tách hẳn ra để phục vụ cho việc sử dụng các đơn vị tổ hợp robot. “Theo quan điểm của quân đội Nga, đó có thể là các nhiệm vụ bảo vệ hai bên sườn, bảo vệ các tuyến đường hậu phương, hoặc cũng có thể là các nhiệm vụ tấn công vào vị trí của kẻ địch. Đó sẽ là đội quân tiên phong hoạt động độc lập không có sự tham gia của con người trong việc thực thi các nhiệm vụ, chẳng hạn như, các cuộc giao tranh trong môi trường đô thị có thể gây tổn thất lớn đến nhân mạng”, chuyên gia khẳng định.
Cũng theo chuyên gia Murakhovsky, hiện nay Nga đã có những mô hình hoạt động độc lập của các tổ hợp chiến đấu không người lái. “Tên lửa hành trình chống hạm Onyx (Yakhont) của Nga hoạt động “theo đàn”, với các tên lửa dẫn đầu và kèm theo sau. Thuật toán hoạt động của những tên lửa bay “theo đàn” này đưa ra nhiều phương án và xác định mục tiêu chính theo thứ tự của tàu địch, cũng như phân bổ các mục tiêu khác trong “đàn” và lựa chọn quỹ đạo bay của chúng.
QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)