AFP dẫn báo cáo của SIPRI cho biết, trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới là 1.900 tỷ USD. So với năm 2018, đây là mức tăng tương đương 3,6% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010. “Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã đạt mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, nhà nghiên cứu Nan Tian của SIPRI nhấn mạnh.
Theo báo cáo của SIPRI, Mỹ vẫn là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới với 732 tỷ USD trong năm 2019, tăng 5,3% so với năm trước và chiếm 38% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Đây là năm thứ hai liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Mỹ tăng trở lại sau 7 năm giảm liên tục.
 |
Mỹ là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới trong năm 2019. Trong ảnh: Các tàu chiến của Mỹ. Ảnh: US Navy |
Đáng chú ý là lần đầu tiên có hai quốc gia châu Á cùng nằm trong tốp 3 quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới. Theo đó, trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 261 tỷ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỷ USD (tăng 6,8%). Theo sau là Nga (65,1 tỷ USD, tăng 4,5%) và Saudi Arabia (61,9 tỷ USD, giảm 16%). 5 quốc gia đứng đầu danh sách chiếm tới hơn 60% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong năm 2019. Một điểm nhấn nữa là Đức đã tăng 10% chi tiêu quốc phòng trong năm 2019, lên tới 49,3 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn nhất trong nhóm 15 quốc gia có chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới.
Nhà nghiên cứu Nan Tian cho rằng, trong khi chi tiêu quốc phòng toàn cầu liên tục tăng trong những năm gần đây, xu hướng này có thể bị đảo ngược trong năm nay vì đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, dựa vào các số liệu trước đây, xu hướng giảm này được cho là sẽ không kéo dài. “Chúng ta có thể chứng kiến chi tiêu quốc phòng toàn cầu giảm trong vòng từ 1 đến 3 năm và sau đó tăng dần trở lại”, AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Nan Tian nhận định.
Trước đó, hồi giữa tháng 2 vừa qua, trong một báo cáo thường niên, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cho biết, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 4% trong năm 2019, mức tăng cao nhất trong một thập niên qua. BBC dẫn báo cáo của IISS nhấn mạnh chi tiêu quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng 6,6%. Mức tăng thêm của Mỹ là 53,4 tỷ USD, gần bằng tổng ngân sách quốc phòng trong năm 2019 của Anh (54,8 tỷ USD). Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng 4,2%. Tuy nhiên, với tỷ lệ tăng trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của châu Âu vẫn chỉ ở mức được ghi nhận trong năm 2008, trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra khiến các nước ở “Lục địa già” cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Việc tăng chi tiêu quốc phòng đang trở thành một xu hướng trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, chủ yếu liên quan tới cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu giữa các nước lớn và những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chi tiêu quốc phòng chỉ là một yếu tố đánh giá tiềm lực quân sự của mỗi quốc gia và tăng chi tiêu quốc phòng cũng mới chỉ là một phần trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Thay vì mở rộng hầu bao, đổ hàng tỷ USD vào “cuộc chạy đua” không sinh lời và không có hồi kết, các nước cần đầu tư nhiều hơn vào tìm giải pháp cho các cuộc xung đột, chống bạo lực cực đoan, tham gia gìn giữ và kiến tạo hòa bình, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, giải quyết kịp thời các cuộc khủng hoảng nhân đạo...
HOÀNG VŨ