* Nga tăng cường sử dụng tên lửa hành trình Kh-59 và Kh-59MK2

Trong thời gian gần đây, quân đội Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công sử dụng tên lửa hành trình Kh-59 và phiên bản nâng cấp Kh-59MK2 vào thành phố Odessa và Dnipro của Ukraine. Việc triển khai tên lửa Kh-59MK2 thể hiện rõ sự tiến bộ của Nga trong sản xuất vũ khí, đồng thời cũng cho thấy sự leo thang không ngừng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

leftcenterrightdel

Kh-59MK2 là phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-59, một mẫu tên lửa chiến thuật được phóng từ trên không. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Theo Army Recognition, kể từ đầu tháng 12, Ukraine đã phải hứng chịu hàng loạt các cuộc không kích trên toàn bộ lãnh thổ của mình. Nga tăng cường sử dụng máy bay ném bom và nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm cả Kh-59 và tên lửa hành trình tầm xa Kh-101, để tấn công Ukraine.

Kh-59 là tên lửa chiến thuật phóng từ trên không, được trang bị trên các chiến đấu cơ Su-24M, Su-30, Su-34, Su-35 và Su-57. Tên lửa này có ba biến thể chính: Kh-59, Kh-59M và Kh-59MK2 (với 2 biến thể phụ). Từng phiên bản có tầm bắn riêng biệt lần lượt là 45km đến 110km và 290km.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine, Không quân Nga liên tục sử dụng tên lửa Kh-59 để phá hủy các mục tiêu ở Ukraine. Trong đó, máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 mới nhất của Nga, cũng đã sử dụng tên lửa Kh-59 tấn công cảng Odessa và khu vực Kirovograd vào giữa tháng 4-2022.

Trước sức mạnh đáng gờm của Kh-59, việc tiêu diệt tên lửa này là ưu tiên hàng đầu của Ukraine. Vào ngày 1-10-2023, Ukraine đã tấn công Nhà máy Smolensk, một cơ sở sản xuất tên lửa Kh-59, bằng UAV cảm tử.

Kh-59MK2 là phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-59. Tên lửa này có chiều dài 4,2m, sải cánh rộng 2,45m, trọng lượng khi phóng là 770kg và đầu đạn nặng 310kg. Đáng chú ý, Kh-59MK2 sử dụng động cơ TRDD-50B, đây là loại động cơ thế hệ mới của Nga và đã được sử dụng trên các tên lửa hành trình tầm xa như Kh-101 và 3M-14 Kalibr. Tuy nhiên, khả năng cơ động của Kh-59MK2 còn hạn chế. Tên lửa chỉ có thể tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất với tọa độ chính xác. Kh-59 MK2 có tầm bắn 290km, có thể bay cách mặt đất từ 100 đến 1.000m nhờ có máy đo độ cao bằng radar và tọa độ mục tiêu đã được nạp vào tên lửa trước khi phóng. Sau khi phóng, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để điều chỉnh sai số đường bay. Trong giai đoạn cuối, tên lửa sử dụng ảnh nhiệt để dẫn đường chính xác.

* Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt nội địa tấn công các mục tiêu của Nga

Mới đây, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền những bức ảnh cho thấy quân đội Ukraine đang triển khai Vilkha-M - hệ thống pháo phản lực phóng loạt mới nhất do họ sản xuất trong nước. Đáng chú ý, Vilkha-M có tầm bắn lên tới 130km, vượt xa hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ với tầm bắn tối đa 70km.

leftcenterrightdel

Ukraine thử nghiệm hệ thống pháo phản lực phóng loạt Vilkha-M. Ảnh: Ukrainian MoD 

Nhiều thông tin cho rằng Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt Vilkha-M trong cuộc pháo kích vào thành phố biên giới Belgorod của Nga đầu tháng 1 vừa qua. Việc triển khai Vilkha-M trên thực địa thể hiện những nỗ lực không ngừng của Ukraine nhằm phát triển và tích hợp công nghệ quân sự tiên tiến trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, động thái này cũng thể hiện cam kết của nước này trong việc tăng cường khả năng tự lực quốc phòng.

Vilkha-M là phiên bản cải tiến của pháo phản lực BM-30 Smerch do Liên Xô sản xuất và được Quân đội Ukraine đưa vào sử dụng năm 2018. Bệ phóng tên lửa của hệ thống được đặt trên khung gầm xe quân sự bánh lốp. Hệ thống này được vận hành bởi kíp 4 người và có khả năng phóng 12 tên lửa chỉ trong vòng 45 giây. Đạn tên lửa của hệ thống có thiết kế độc đáo với động cơ vi mô, giúp nâng tầm bắn và độ ổn định khi bay, đồng thời nó được trang bị cả hệ thống điều khiển hỏa lực tự động và thủ công. Hệ thống sử dụng đạn 9M55 đã được sửa đổi và đạn R624M. Đạn 9M55 có đầu đạn nặng 250kg và tầm bắn 70km. Khi sử dụng đạn R624M, hệ thống có thể đạt tầm bắn tối đa lên tới 130km.

Ukraine hiện vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để mở rộng hơn nữa tầm bắn của các loại đạn này.

* Mỹ thử nghiệm phương tiện tự hành dưới nước Remus 620

Huntington Ingalls Industries (HII) - công ty đóng tàu quân sự lớn nhất tại Mỹ, lần đầu thử nghiệm thành công trên biển phương tiện tự hành dưới nước (UUV) mới có tên gọi Remus 620.

leftcenterrightdel
Phương tiện tự hành dưới nước Remus 620. Ảnh: HII

Cuộc thử nghiệm bao gồm các hoạt động chạy thử phương tiện Remus 620 trên mặt nước và lặn dưới biển trong thời gian ngắn, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển phương tiện.

Theo nhà sản xuất, Remus 620 có thể lặn sâu từ 600 đến 1.500m, vận tốc tối đa đạt trên 8km/giờ, thời lượng pin lên tới 110 giờ và tầm hoạt động gần 509km. UUV đa nhiệm này có khả năng thực hiện các tác vụ như tác chiến điện tử, khảo sát thủy văn, thu thập thông tin tình báo và chống mìn.

Remus 620 được thiết kế để hỗ trợ hoạt động của lực lượng tác chiến đặc biệt và hải quân. Phương tiện này có thể được triển khai từ nhiều nền tảng như tàu ngầm, thuyền nhỏ, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước và trực thăng. UUV này cũng có thể được sử dụng làm nền tảng để phóng và vận hành các phương tiện không người lái khác từ dưới biển.

Remus 620 được tích hợp các thiết bị điện tử hiện đại, hệ thống định vị GPS, hệ thống liên lạc, sonar quét sườn, sonar đa tia, cũng như phần mềm quản lý nhiệm vụ Odyssey. Các dữ liệu sử dụng cho nhiệm vụ có thể tải xuống thông qua ổ cứng di động, kết nối wifi vệ tinh và mạng Iridium.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.