* Năm 2023, Nga sản xuất 1.500 xe tăng, 22.000 máy bay không người lái

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn sản xuất rất hiệu quả và xuất xưởng một số lượng đáng kể các hệ thống vũ khí, khí tài thiết yếu.

TASS dẫn nguồn tin từ báo cáo cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong năm 2023, quân đội Nga đã tiếp nhận 1.500 xe tăng, 22.000 máy bay không người lái, 2.200 xe chiến đấu bọc thép và 1.400 xe phóng tên lửa và xe pháo. Ngoài ra, quân đội cũng được bàn giao hơn 12.000 xe ô tô các loại, trong đó có khoảng 1.400 chiếc được bọc thép.

leftcenterrightdel

Năm 2023, Nga sản xuất hàng chục nghìn vũ khí, khí tài quân sự. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Trước đó, ngày 19-9-2023, phát biểu về hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga tại cuộc họp của Ủy ban Công nghiệp - Quân sự Nga ở Izhevsk, Tổng thống Putin cho biết sản lượng xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép đã gia tăng đáng kể. Cụ thể, Tổng thống Putin nhấn mạnh thực tế rằng sản lượng đã gấp đôi trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 và một số hệ thống vũ khí đặc biệt còn tăng gấp ba trong cùng giai đoạn này.

Các nguồn tin phương Tây cho biết nhận xét này của Tổng thống Putin là tương đồng với nhận định và đánh giá của các chuyên gia phương Tây trước đó, cho rằng sản lượng vũ khí của Nga đã tăng mạnh so với mức trước năm 2022. Các báo cáo cũng nhận định Nga có năng lực sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, gấp đôi tốc độ trung bình trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

* Trung Quốc công bố thiết kế vũ khí tác chiến điện tử thế hệ mới

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post), một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã ra mắt một thiết kế tiên tiến và phức tạp của khí tài tác chiến điện tử mới mà quân đội các nước đều muốn có.

Nhóm tác giả cho biết loại khí tài này có thể phóng nhiều chùm sóng điện từ từ một ăng-ten ra nhiều hướng, nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau trên bầu trời, trên biển và trên mặt đất và làm gián đoạn hoạt động điện tử của chúng. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm được thực hiện trên phiên bản thu nhỏ của khí tài cho thấy khả năng hoạt động ở công suất cao và phát ra sóng điện từ trên dải tần số rộng.

leftcenterrightdel
Khí tài tác chiến điện tử mới có thể phóng nhiều chùm sóng điện từ từ một ăng-ten ra nhiều hướng. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam buổi sáng  

Ngay cả khi radar hoặc thiết bị liên lạc của đối phương sử dụng các kỹ thuật chống nhiễu như nhảy tần, chúng vẫn không thể tránh khỏi sự chế áp của khí tài tác chiến điện tử này. Công trình nghiên cứu này do Giáo sư Jiang Weixiang thuộc Đại học Đông Nam ở Nam Kinh làm chủ đề tài. Nhóm nghiên cứu đã công bố thiết kế mẫu, thuật toán cơ bản và phương pháp sản xuất khí tài này trong một bài báo đăng trên Tạp chí của Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Trong bài báo, các nhà khoa học cũng dự đoán chiến tranh trong tương lai sẽ thay đổi đáng kể và đặc trưng thể hiện ở “sự cạnh tranh giành quyền kiểm soát phổ điện từ ngày càng khốc liệt giữa các bên tham chiến”. Trong một cuộc chiến như vậy, quốc gia nào mất quyền kiểm soát phổ điện từ “chắc chắn sẽ dẫn đến mất quyền kiểm soát trên không và trên biển. Để thích ứng với môi trường tác chiến điện tử cường độ cao, các hệ thống tác chiến điện tử phải có khả năng đối phó đa chức năng, đa mục tiêu và sở hữu băng thông rộng”.

Hầu hết các thiết bị tác chiến điện tử đang được sử dụng chỉ có thể áp chế liên tục với công suất lớn đối với các mục tiêu ở cùng một hướng. Đối với công nghệ tác chiến điện tử nhiều hướng, hiện chỉ một số ít quốc gia phát triển thành công, trong đó có Israel với hệ thống Scorpius-SP.

* Houthi phản ứng sau khi bị Mỹ đánh chìm tàu ở Biển Đỏ

Sau khi Quân đội Mỹ thông báo tiêu diệt 10 phiến quân và đánh chìm 3 tàu của nhóm vũ trang Houthi sau cuộc đụng độ ở Biển Đỏ, ngày 1-1, người phát ngôn của Houthi đã đăng một đoạn clip dài 2 phút 27 giây trên mạng xã hội, tuyên bố: “Những hoạt động quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ tàu Israel sẽ không ngăn cản được Yemen thực hiện nghĩa vụ tôn giáo, đạo đức và nhân đạo”.

leftcenterrightdel
Eo biển Bab el-Mandeb, nơi Houthi thường xuyên tấn công các tàu thương mại. Ảnh: Al Jazeera

Bước leo thang này diễn ra sau nhiều tuần xảy ra các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại mà theo lực lượng này là có liên quan đến Israel đi qua eo biển Bab el-Mandeb vào Biển Đỏ. Người phát ngôn của Houthi cho biết, đây là một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc Israel ngừng cuộc chiến bao vây Dải Gaza.

Tàu chiến Mỹ đã cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công này và đụng độ xảy ra ở Biển Đỏ hôm thứ Hai (1-1) là giao tranh quân sự lớn và trực tiếp đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Houthi.

Trước đó, vào lúc 6 giờ 30 phút sáng Chủ nhật (ngày 31-12, giờ Yemen), tàu hàng Maersk Hangzhou treo cờ Singapore đã phát đi cuộc gọi cấp cứu thứ hai trong ngày, cho biết đang bị 4 “thuyền nhỏ của Houthi” tấn công. Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã điều tàu USS Gravely bắn hạ hai tên lửa chống hạm nhằm vào tàu Maersk Hangzhou. Tiếp ngay sau đó, trực thăng từ USS Gravely và USS Eisenhower được điều động tới hiện trường. Sau khi lực lượng Houthi bắn vào một số trực thăng Mỹ, những trực thăng này đã “bắn trả để tự vệ” và đánh chìm 3 trong số 4 chiếc tàu nhỏ của Houthi khi còn cách tàu Maersk Hangzhou 20m. Chiếc còn lại bỏ chạy khỏi khu vực.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.