Sputnik ngày 4-1 cho biết nhiều quốc gia đang bày tỏ quan tâm tới việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler xác nhận hệ thống S-400 đã được nước này đã đưa vào sử dụng và có thể được triển khai trong vòng 12 giờ khi có lệnh. Hồi năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua hệ thống S-400 do Nga sản xuất.
 |
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: Sputnik
|
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga từng là “nút thắt” lớn khiến quan hệ giữa nước này và Mỹ căng thẳng suốt một thời gian dài. Thương vụ S-400 là một bước đi chưa từng có tiền lệ bởi đây là lần đầu tiên một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ ngừng bán máy bay tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời loại Ankara khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35.
Sputnik cho biết, trước Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận mua hệ thống S-400 năm 2014. Năm 2016, Nga đã chuyển giao 2 hệ thống S-400 cho Belarus. Ấn Độ và Algeria đã ký thỏa thuận mua hệ thống S-400 lần lượt vào năm 2018 và 2021.
Theo Sputnik, hiện có ít nhất 13 quốc gia được cho là bày tỏ quan tâm đến việc mua hệ thống S-400, trong đó có Qatar, Ai Cập, Morocco, Iraq. Không phải ngẫu nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc rạn nứt trong quan hệ với Mỹ vì thương vụ S-400 là “đáng giá” cũng như nhiều quốc gia muốn sở hữu hệ thống này. Theo Tạp chí The National Interest, hệ thống S-400 được đánh giá là có thể làm “thay đổi cuộc chơi” với sự vượt trội hơn hẳn về nhiều tham số so với các hệ thống tương tự của phương Tây. Hệ thống S-400 có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, như tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km). Hệ thống S-400 còn có khả năng đối phó với các máy bay tàng hình, đe dọa các mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry-vốn thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương, hay chống tên lửa đạn đạo.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Quân sự thế giới hôm nay (29-10) có những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không chuyển giao S-400 cho bên thứ ba; Armenia đàm phán mua Su-30MKI của Ấn Độ; Thụy Điển sắp nhận xe chiến đấu bộ binh CV9035 MkIIIC.