Buổi lễ được tổ chức tại nhà máy Yuri Gagarin tại vùng Komsomolsk-on-Amur thuộc khu vực Viễn Đông của Nga với sự có mặt của đại diện Bộ Quốc phòng Nga.

Giám đốc nhà máy, ông Alexander Pekarsh khẳng định việc phát triển, sản xuất Su-35S là một quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi máy bay đã được kiểm nghiệm khả năng hoạt động xuất sắc và là bước chuyển tiếp cần thiết từ dòng máy bay thế hệ thứ 4 là Su-27 và thế hệ thứ 5 là Su-57.

Nguyên mẫu Su-35S đầu tiên ra mắt năm 2007 và bay thử chuyến đầu một năm sau đó. Quá trình sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2009 với việc Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng 48 chiếc cho tới năm 2015. Cuối năm 2015, Sukhoi nhận thêm một hợp đồng sản xuất 50 chiếc cho tới năm 2020 từ Bộ Quốc phòng Nga.

Một chiếc Su-35 của Không quân Nga.

Từ năm 2016, mỗi năm Sukhoi đã bàn giao 10 máy bay Su-35S cho Bộ Quốc phòng Nga; như vậy Không quân Nga đang được biên chế khoảng 78 chiếc. Cùng với 24 chiếc Su-35 được bàn giao cho Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2018, tổng cộng có khoảng 102 chiếc S-35 và Su-35S được sản xuất cho tới nay.

Su-35S được xếp vào dòng tiêm kích siêu cơ động đa nhiệm thuộc thế hệ 4++ và có sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5. Các chuyên gia quân sự đánh giá tính năng của Su-35S vượt trội hơn hẳn so với các máy bay thế hệ 4 hiện nay của phương Tây và là đối thủ đáng gờm của F-22 của Mỹ.

Tuy không mạnh về khả năng tàng hình, nhưng bù lại Su-35S lại có sự siêu cơ động với tốc độ tối đa có thể lên tới 2.500km/giờ và tầm hoạt động 3.500km. Vũ khí của Su-35S là một súng đại bác bắn nhanh 30mm và 12 giá treo vũ khí bao gồm các loại tên lửa mới nhất không đối không, không đối đất, các loại rocket tấn công mặt đất, bom có điều khiển hoặc thông thường.

Về năng lực tác chiến điện tử, trên máy bay được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E, có khả năng phát hiện mục tiêu trên khoảng cách đến 400km, theo dõi 30 mục tiêu và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Việc đưa Su-35S vào biên chế giúp nâng cao sức chiến đấu của Không quân Nga trước khi tiêm kích Su-57 đi vào sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, lực lượng này thời gian qua đã nhiều lần triển khai Su-35S tới tại Syria nhằm hoàn thiện khả năng tác chiến cũng như tăng sức hút của máy bay trên thị trường xuất khẩu.

NGUYỄN DƯƠNG (theo Air Recognition)