Theo nguồn tin trên, các đơn vị máy bay Mig-31 đóng quân tại Kamchatka đã thực hành phát hiện và đánh chặn một tên lửa hành trình giả lập phóng từ biển Okhotsk bằng tên lửa không đối không. Khi bị đánh chặn, tên lửa giả lập đang bay với vận tốc Mach 3 ở độ cao 12km.

leftcenterrightdel
Máy bay chiến đấu Mig-31. 

Đại diện Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, cuộc diễn tập trên giúp tăng cường khả năng chiến đấu của các đơn vị Mig-31, cũng như việc phối hợp tác chiến giữa các đơn vị chiến đấu.

Hoạt động đánh chặn trên cũng được ghi hình lại và được Bộ Quốc phòng Nga công bố. Tuy nhiên, thời điểm tên lửa giả lập bị phá hủy không được công bố. Nhiều khả năng, trong hoạt động diễn tập trên, máy bay Mig-31 đã sử dụng tên lửa đánh chặn R-33, dòng tên lửa được thiết kế chuyên biệt ngăn chặn các mục tiêu bay ở độ cao lớn, thậm chí là tầng ngoại vi của khí quyển Trái Đất, và cơ động với tốc độ cao như vệ tinh.

leftcenterrightdel
Những hình ảnh về cuộc diễn tập của máy bay Mig-31 ngăn chặn tên lửa hành trình siêu thanh do Bộ Quốc phòng Nga công bố.

Máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng Mig-31 được thiết kế để ngăn chặn các phương tiện bay của đối phương, đặc biệt là máy bay ném bom và tên lửa hành trình, đạn đạo. Thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ đánh chặn, Mig-31 có tốc độ bay tới Mach 3,2 (Mach - tốc độ âm thanh) và trang bị các loại tên lửa không đối không có tầm bắn tới hơn 100km. Trong khi đó, phiên bản nâng cấp Mig-31BM, khả năng phát hiện mục tiêu trên không của nó lên tới 320km và tầm bắn tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 280km. Cùng lúc, Mig-31BM có thể theo dõi 10 mục tiêu và khai hỏa vào 6 mục tiêu trong số chúng.

Mỹ và phương Tây không có dòng máy bay tiêm kích chuyên biệt nào có chức năng tương đương.

TUẤN SƠN (theo TASS)