Theo đó, các vụ thử hệ thống A-235 Nudol được phía Mỹ giám sát chặt chẽ bằng các biện pháp kỹ thuật, trong đó có cả chụp ảnh vệ tinh. Đại diện Lầu Năm góc cho biết thêm, điểm đặc biệt của vụ thử mới nhất của hệ thống Nudol là việc đạn đánh chặn được phóng từ phương tiện di động thay vì từ giếng phóng cố định như các lần phóng thử trước đó.

Giới chức quân sự Mỹ cũng cho rằng, việc thử hệ thống A-235 có liên hệ tới quá trình thử nghiệm và hoàn thiện tổ hợp tên lửa phòng không S-500 Prometheus của Nga. Dòng vũ khí phòng không này của Nga được biết tới có khả năng đánh chặn các thiết bị bay siêu thanh, cũng như vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo Trái Đất.

Các nguồn tin thân cận của Lầu Năm góc cho biết, bên cạnh việc thử nghiệm hệ thống A-235, trong cuối năm 2018, Nga sẽ củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur bảo vệ Thủ đô Moscow (tên mã NATO: ABM-3 Gazelle) với đạn tên lửa đánh chặn mới 53Т6M vừa thử nghiệm thành công vào cuối tháng 11-2017. Với đạn 53Т6M, A-135 có khả năng đánh chặn các mục tiêu cơ động siêu thanh, trong đó có tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao 100km.

Một vụ phóng thử đạn tên lửa đánh chặn của Nga. Ảnh: Rian.
Các vụ phóng thử hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga luôn được Mỹ giám sát chặt chẽ. Ảnh: Defense News.

Hôm 2-4, Nga đã bất ngờ phóng thử đạn đánh chặn 53Т6M tại bãi thử Sary-Shagan. Mục đích của vụ phóng thử là kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của tổ hợp A-135 trong các điều kiện chiến đấu giả lập.

Nga đang phát triển và hoàn thiện các thành phần của hệ thống và đạn tên lửa đánh chặn A-235 thay thế cho A-135. Khác biệt của hệ thống phòng thủ tên lửa mới so với A-135 Amur là việc các thành phần của tổ hợp được đặt trên khung gầm xe dã chiến đặc chủng giúp tăng khả năng cơ động. Cùng với đó, đạn tên lửa đánh chặn mới cho phép Nudol đánh chặn các mục tiêu ở tầng cao nhất của khí quyển Trái đất.

Hệ thống A-235 Nudol được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin. Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6/51T6M sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km. Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Chuyên gia quân sự Dmitry Kornev đánh giá, việc Nga đưa vào trang bị đạn tên lửa 53T6M là động thái hoàn toàn bình thường và không gây ảnh hưởng tới cân bằng cán cân chiến lược. Xét về mặt kỹ thuật, đây là dòng vũ khí đơn thuần cho nhiệm vụ phòng thủ và là “hàng phòng vệ cuối cùng” bảo vệ Moscow.

“Đạn tên lửa đánh chặn mới không có khả năng bắn hạ tên lửa của đối phương pha phóng đầu tiên. Nó có khả năng bắn hạ vệ tinh, nhưng chỉ ở khu vực xung quanh Moscow và ở quỹ đạo rất thấp”, chuyên gia Dmitry Kornev đánh giá.

TUẤN SƠN (theo RIAN)