Theo đó, căn cứ không quân Edwards ở bang California đã tạm dừng mọi hoạt động và điều này khiến các nguyên mẫu máy bay F-35 tham gia quy trình thử nghiệm ở đây cũng phải “đắp chiếu” theo. Các máy bay F-35 triển khai tại căn cứ Edwards đang tham gia quá trình thử nghiệm hệ thống an ninh mạng và giả lập môi trường tác chiến (JSE). Ngoài ra, các thử nghiệm cũng giúp phát hiện và sửa chữa các trục trặc còn tồn tại trên dòng máy bay thế hệ 5 này.
Dự kiến, quá trình thử nghiệm JSE sẽ phải kéo dài thêm vài tháng do dịch Covid-19. Điều này cũng kéo theo dây chuyền lắp ráp máy bay F-35 của Lockheed Martin phải kéo dài lô sản xuất triển khai từ cuối tháng 12-2019 đến đầu năm 2021 để chờ đợi phiên bản sửa đổi của máy bay F-35.
 |
Dù đã đưa vào trang bị, máy bay F-35 vẫn tồn tại hàng loạt vấn đề kỹ thuật cần khắc phục. |
Cùng với đó, dịch Covid-19 cũng khiến các nhà thầu phụ sản xuất linh kiện cho máy bay F-35 tại Italia và Nhật Bản bị đình trệ. Đây cũng là nguyên nhân khiến Lockheed Martin phải lùi kế hoạch lắp ráp máy bay F-35 mới.
Dù là dòng máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu thế giới, nhưng do nhồi nhét quá nhiều chức năng dành cho biến thể hải-lục-không quân đã khiến máy bay F-35 gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật. Kể từ khi ra mắt, hàng trăm lỗi kỹ thuật đã được phát hiện trên các phiên bản của máy bay F-35.
Bất chấp hàng loạt vấn đề kỹ thuật chưa thể giải quyết, Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc mua sắm máy bay F-35. Con số này sẽ là 20 máy bay trong năm 2020. Cùng với đó, tính tới tháng 9-2019, Lockheed Martin đã bàn giao gần 500 chiếc F-35 tới các quốc gia đặt hàng và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong tương lai.
Giới chuyên gia đánh giá, dù có nhiều vấn đề kỹ thuật, nhưng F-35 lại có những lợi thế không thể phủ nhận là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới được xuất khẩu ở thời điểm hiện tại, giá thành máy bay đang ngày càng giảm khi dây chuyền lắp ráp tại Mỹ đang đạt công suất đỉnh…
 |
F-35 đang có nhiều lợi thế trên thị trường vũ khí thế giới và sẽ là dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ và đồng minh trong nhiều thập niên tới. |
“Vượt qua những vấn đề còn tồn tại, F-35 vẫn đang là dòng máy bay chiến đấu nguy hiểm, có khả năng sống sót và kết nối hàng đầu thế giới. Tỷ lệ triển khai của máy bay F-35 đã đạt 65% và khả năng sẵn sàng chiến đấu đạt 75%”, phát ngôn viên hãng chế tạo Lockheed Martin, Brett Ashworth cho biết.
Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD, bao gồm máy bay và dịch vụ kèm theo). Trong biên chế Không quân Mỹ, F-35A sẽ thay thế nhiệm vụ của các máy bay F-16 và A-10 với vai trò dòng máy bay chiến đấu đa năng.
TUẤN SƠN (theo Defense News)