“Kết thúc chương trình RKV là cần thiết và có trách nhiệm. Các chương trình phát triển vũ khí mới cũng có thể thất bại. Sau khi đánh giá toàn diện chương trình, chúng tôi đã kết luận đây là hướng phát triển không có tương lai và quyết định tạm dừng”, ông Mike Griffin, cố vấn chương trình phát triển RKV, cho biết.

Theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ ký năm 2016, Boeing được phê duyệt 5,8 tỷ USD cho chương trình phát triển RKV để thay thế cho chương trình phát triển thiết bị đánh chặn trên tầng khí quyển Exoatmospheric Kill vốn đã thất bại trước đó. Lầu Năm góc dự tính, nếu RKV thử nghiệm thành công, sẽ có khoảng 64 đạn tên lửa đánh chặn trang bị công nghệ trên được trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ - GMD, vốn là thành phần quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ.

 
Các vấn đề kỹ thuật không thể vượt qua hoặc vượt quá khả năng tài chính hiện tại đã khiến chương trình RKV bị khai tử. Ảnh: MDA.

Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm góc tính toán, quá trình thử nghiệm của RKV sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật đã buộc chương trình phải kéo dài tới năm 2025 và có thể tiếp tục phải gia hạn lâu hơn.

Trước các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình phát triển RKV, tháng 12-2018, MDA và Boeing đã quyết định tạm dừng chương trình RKV để đánh giá tổng thể. Các chuyên gia nhận định, các vấn đề kỹ thuật của RKV không khả thi với nền tảng công nghệ hiện tại hoặc yêu cầu mức chi phí quá cao. Tới thời điểm tạm dừng, chương trình RKV đã tiêu tốn của ngân sách quốc phòng Mỹ khoảng 1,8 tỷ USD.

“Các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thiết kế nghiêm trọng tới mức chúng tôi không thể vượt qua hoặc không có đủ nguồn tài chính cần thiết để phát triển”, ông Mike Griffin đánh giá.

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ sớm mở thầu tìm nhà phát triển thiết bị đánh chặn thay thế cho RKV trong tương lai gần.

Các nguồn tin từ Lầu Năm góc cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định “khai tử” RKV để mở đường cho việc phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa mới khả thi hơn về mặt công nghệ và tài chính.

TUẤN SƠN (theo Defense News)