Việc thiếu nguồn cung phụ tùng và các đơn hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến giá thành của mỗi máy bay F-35 tăng từ 7-9 triệu USD trong trung hạn.

Vấn đề trên phát sinh khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa S-400 Triumph đặt mua từ Nga trị giá 2,5 tỷ USD. Để đáp trả, Mỹ đã quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 900 linh kiện trang bị trên các phiên bản máy bay F-35. Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dây chuyền lắp ráp dòng máy bay thế hệ thứ 5 này khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc tìm nhà thầu cung cấp linh kiện mới.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không S-400 bất chấp sức ép từ phía Mỹ.

Mới đây, giới truyền thông quân sự quốc tế đã công bố hình ảnh về việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm khả năng chiến đấu của tổ hợp S-400 với các loại máy bay chiến đấu hiện có, trong đó có máy bay F-16V Viper. Các nguồn tin còn cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã thử nghiệm khả năng hoạt động của S-400 đối với các dòng máy bay tàng hình của Mỹ hoạt động trong không phận.

Dù không xác nhận thông tin trên, nhưng ông Ismail Demir khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiết lộ các thông tin liên quan tới khả năng tác chiến của tổ hợp S-400 với Mỹ và ngược lại sẽ không chia sẻ các thông tin về máy bay chiến đấu F-35 với phía Nga.

Đánh giá về quá trình thử nghiệm tổ hợp S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cựu lãnh đạo Không quân Nga, tướng Alexander Luzan cho biết, Ankara muốn tìm ra điểm yếu của tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại của Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể sao chép các công nghệ đặc biệt được áp dụng trên S-400.

Liên quan tới ảnh hưởng của việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi dây chuyền lắp ráp máy bay F-35, trả lời phỏng vấn Tạp chí Aviation Week & Space Technology hồi trung tuần tháng 7-2020, Giám đốc mảng động cơ phản lực quân sự của hãng chế tạo Pratt & Whitney, Matthew Bromberg cho biết, thiếu Thổ Nhĩ Kỳ, dây chuyền lắp ráp động cơ phản lực cho máy bay F-35 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Pratt & Whitney cần tới năm 2023 mới có thể tìm được các nhà thầu cung cấp 188 loại linh kiện do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Là đối tác quan trọng trong chương trình sản xuất máy bay F-35, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi khiến giá thành sản xuất dòng máy bay chiến đấu này tăng cao.

Đại diện hãng chế tạo Lockheed Martin, nơi phát triển máy bay F-35, cho biết, giá thành xuất xưởng của các máy bay F-35A (phiên bản dành cho không quân) đã giảm xuống mức 77,9 triệu USD, nhưng chi phí mỗi giờ bay của dòng máy bay thế hệ 5 này vẫn cao ở mức kỷ lục là 35.000 USD. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi quy trình sản xuất, giá thành của máy bay F-35 có thể tăng lên 100 triệu USD trong ngắn hạn.

TUẤN SƠN (theo Defense News)