Thỏa thuận chính thức về vấn đề này đã được công ty chế tạo hàng không Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) và Rosoboronexport ký kết đầu tháng 2-2020. Theo đó, Nga và Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ cho phép HAL xuất khẩu các linh kiện của động cơ AL-31FP và RD-33 cho các quốc gia đang sử dụng máy bay Su-30MK và Mig-29 trên thế giới. Bản ghi nhớ cũng cho phép Ấn Độ từng bước tiến tới xuất khẩu một số thành phần của động cơ phản lực và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, hậu cần song song với phía Nga.

Động cơ phản lực là một trong những bộ phận phức tạp và khó chế tạo nhất trên máy bay quân sự.

Theo đánh giá của Janes, đối tác chính của HAL trong tương lai gần đối với động cơ AL-31FP sẽ là Algeria, Angola, Armenia, Indonesia, Kazakhstan và một số quốc gia Đông Nam Á, còn động cơ RD-33 là Algeria, Bangladesh, Kazakhstan, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar và Serbia. Hiện tại, HAL đang có dây chuyền lắp ráp và sản xuất động cơ AL-31FP và RD-33 tại Nasik và Koraput. Các động cơ lắp ráp tại Ấn Độ được trang bị cho các máy bay Su-30MKI và Mig-29K của Quân đội Ấn Độ. Đây cũng là một phần trong chương trình “Hãy sản xuất chúng tại Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi và tham vọng nâng giá trị xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự của Ấn Độ lên con số 4,9 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, động cơ phản lực trên máy bay luôn là một trong những thành phần lõi công nghệ hàng không quan trọng và không dễ được chuyển giao. Việc Ấn Độ và Nga đạt được thỏa thuận cho phép xuất khẩu động cơ phản lực AL-31FP và RD-33 là thắng lợi lớn của New Delhi. Việc này không chỉ giúp Ấn Độ làm chủ được công nghệ hàng không quân sự quan trọng, mà còn giúp khẳng định chất lượng các loại vũ khí, trang bị quân sự công nghệ cao sản xuất ở quốc gia Nam Á này.

Việc chế tạo được các loại động cơ phản lực hiện đại là bước tiến công nghệ quân sự quan trọng của Ấn Độ.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ luôn nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Bằng các hợp đồng quân sự giá trị lớn, Ấn Độ luôn yêu cầu tiên quyết là được chuyển giao công nghệ quân sự hiện đại và thiết lập dây chuyền sản xuất ở nước này để từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ mới. Tuy có đạt được một số thành tựu ở các chương trình hợp tác phát triển tên lửa BrahMos, lắp ráp xe tăng T-90 và Su-30MKI, nhưng Ấn Độ vẫn gặp khó trong nhiều chương trình phát triển vũ khí nội địa như xe tăng Arjun, máy bay chiến đấu Tejas…

TUẤN SƠN (theo Janes)