Trong khuôn khổ triển lãm hàng không quân sự quốc tế MAKS-2019 đang diễn ra tại ngoại ô Moscow, đại diện Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, nước này bắt đầu trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos-A phiên bản hàng không cho các đơn vị máy bay chiến đấu Su-30MKI.
Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên, 40 máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ sẽ được nâng cấp và hoán cải phù hợp để trở thành bệ phóng trên không trang bị tên lửa BrahMos-A. Do biến thể tên lửa BrahMos-A nặng tới 2,5 tấn, để đảm bảo khả năng mang vác tên lửa, máy bay Su-30MKI được lắp thêm móc treo giá treo bổ sung dưới thân.
Đạn tên lửa BrahMos-A tiêu chuẩn sẽ có tầm bắn hiệu dụng khoảng 290km, tốc độ bay tối đa đạt Mach 2.8 (gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh) và mang theo đầu đạn nặng 200-300kg.
 |
Phiên bản tên lửa BrahMos-A trang bị trên máy bay Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: warfare.ru. |
Trong tháng 5-2019, Không quân Ấn Độ tiến hành vụ phóng thử thành công tên lửa BrahMos-A từ máy bay Su-30MKI và tuyên bố quá trình phát triển biến thể mới nhất của dòng tên lửa diệt hạm siêu thanh này đã hoàn thành.
Với sự ra mắt của phiên bản BrahMos-A, dòng đạn tên lửa hành trình hợp tác Nga-Ấn BrahMos đã có đủ các phiên bản hải-lục-không quân. Giới chuyên gia đánh giá BrahMos-A có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhất là đối với các quốc gia đang sở hữu các biến thể máy bay chiến đấu Su-30MK nhập khẩu từ Nga.
Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yakhont) của Nga, BrahMos có thể đạt tốc độ từ Mach 2,5-2,8 (Mach – tốc độ âm thanh) và tầm bắn đạt 280km. BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu với đầu nổ nặng 200kg. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó. Nga và Ấn Độ đang phát triển phiên bản BrahMos phiên bản nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5.
Hiện, cả Nga và Ấn Độ đều "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3. Giá thành chuyển giao mỗi tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3 được định giá là vào khoảng 3 triệu USD.
Mới đây, Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu tên lửa BrahMos tới các quốc gia có nhu cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
TUẤN SƠN (theo Defense News)