Dự kiến, các máy bay Rafale sẽ dừng tiếp nhiên liệu tại Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và về tới căn cứ không quân Ambala, Ấn Độ trong ngày 29-7. Chuyến bay đường dài từ Pháp tới Ấn Độ sẽ giúp đánh giá và kiểm tra chất lượng của máy bay chiến đấu nhập khẩu từ Pháp.

Quá trình bàn giao các máy bay Rafale cho Ấn Độ đã bị trì hoãn nhiều lần do dịch bệnh Covid-19. Theo kế hoạch ban đầu, lô máy bay Rafale đầu tiên phải được chuyển giao cho Ấn Độ trong tháng 5-2020. Tuy nhiên, do toàn bộ các cơ sở của Dassault Aviation dừng hoạt động do Covid-19 trong cuối tháng 3-2020 đã khiến quá trình lắp ráp máy bay bị đình trệ.

Lô máy bay Rafale đầu tiên rời Pháp bay sang Ấn Độ.

Năm 2012, Dassault Aviation đã giành chiến thắng trong gói thầu tìm mua 126 máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung mới (MMRCA) của Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên, do bất đồng trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ, Pháp và Ấn Độ đã phải thay đổi điều khoản hợp đồng nhiều lần. Tới tận năm 2016, hai bên đã chấp nhận nhượng bộ để ký hợp đồng cung cấp 36 máy bay chiến đấu Rafale trị giá nhiều tỷ USD. Việc thực hiện hợp đồng sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Máy bay Rafale được cho là tinh hoa của nền công nghệ hàng không quân sự Pháp. Dòng máy bay này có thể đạt tốc độ bay tối đa March 2 (2.390km/giờ) và tầm hoạt động gần 3.700km. Rafale được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến của Pháp về động cơ (M88-4E), radar mảng định pha chủ động (Thales RBE2-AA), công nghệ tàng hình và các hệ thống điện tử hàng không hiện đại khác. Vũ khí chính của Rafale bao gồm một pháo hàng không GIAT 30/719B 30mm và 14 móc treo cứng bên dưới thân và cánh để lắp bình nhiên liệu phụ và các loại vũ khí đối không, đối đất theo chuẩn Pháp và NATO. Với tính năng được trang bị, Rafale được xếp vào máy bay chiến đấu thế hệ 4++.

Phiên bản máy bay Rafale dành cho Ấn Độ có nhiều sửa đổi so với phiên bản tiêu chuẩn. Cụ thể, máy bay Rafale dành cho Ấn Độ sẽ được trang bị thêm mũ phi công điều khiển tích hợp, hệ thống cảnh báo radar, đối kháng điện tử, hệ thống tìm kiếm quang-điện tử... giúp mở rộng khả năng tác chiến đối đất.

Vấn đề chính với máy bay Rafale là giá thành quá cao và phía Pháp không sẵn sàng chuyển giao công nghệ lõi của dòng máy bay hiện đại này. Chính vì thế, dù được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá rất cao, nhưng máy bay Rafale hiện mới chỉ có trong trang bị Không quân Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và sắp tới là Ai Cập với hợp đồng cung cấp 24 máy bay.

Dù có tính năng chiến đấu tuyệt vời, nhưng do giá thành cao, việc chuyển giao công nghệ khó khăn đã khiến máy bay Rafale gặp khó trên thị trường quốc tế.

Hiện tại, Không quân Ấn Độ đang gặp khủng hoảng thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng và khó có thể đạt mục tiêu duy trì 42 không đoàn (20 máy bay/không đoàn) trong vòng 12 năm tới. Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ mở một gói thầu lớn tìm kiếm máy bay chiến đấu mới trị giá hàng tỷ USD trong năm 2021. Yêu cầu tiên quyết của Ấn Độ tại gói thầu mới sẽ là yêu cầu đơn vị trúng thầu chuyển giao sâu công nghệ và thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay tại nước này. Trên nền tảng công nghệ được chuyển giao, Ấn Độ sẽ ứng dụng chúng trên các dòng máy bay chiến đấu nội địa.

TUẤN SƠN (theo Breaking Defense)