QĐND - Từ ngày 11 đến 15-6-2012, triển lãm vũ khí bộ binh thông thường EuroSatory 2012 lần thứ 11 đã diễn ra tại Pháp. Tham gia sự kiện năm nay có hơn 1.400 công ty quốc phòng đến từ 53 quốc gia. Nhìn chung, EuroSatory 2012 chưa thấy xuất hiện các loại vũ khí nguyên lý mới từng được dư luận quan tâm như vũ khí la-de, vũ khí điện từ… Các tập đoàn vũ khí chủ yếu giới thiệu các loại vũ khí thông thường được cải tiến, hiện đại hóa nhằm đáp ứng các yêu cầu của chiến trường và tác chiến hiện đại theo một số xu hướng sau đây:
1. Nâng cao khả năng cơ động, tác chiến trên mọi địa hình, thời tiết và trang bị các hệ thống vũ khí tích hợp
Xu hướng này được áp dụng cho các loại xe tăng, xe bọc thép, xe chiến đấu nói chung. Nổi bật là tăng chiến đấu chủ lực T-90S phiên bản mới được nâng cấp hiện đại hóa và một số lượng lớn các mẫu xe bọc thép mới, xe chiến đấu yểm trợ tăng BMPT, hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM gắn trên xe thiết giáp Tiger và xe tải bọc thép Ural mới của Nga. Pháp có loại CRAB được thiết kế để vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ mà vẫn bảo đảm được mức chi phí sản xuất, vận hành, bảo quản và sửa chữa thấp hơn so với các phương tiện cơ bản như xe tăng Leclerc, xe bọc thép AMXRC… Đặc biệt, nhờ khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và được trang bị các thiết bị đa năng, CRAB có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng thủ lẫn tấn công hoặc bảo đảm an ninh.
Một hệ thống nổi bật nữa trong xu hướng này là hệ thống vũ khí, trang thiết bị tích hợp trên xe quân sự hạng nhẹ dùng để quan sát, phát hiện, nhận dạng và đo các tham số mục tiêu của hãng Thales. Hệ thống được tích hợp nhiều thiết bị: Thiết bị ảnh nhiệt ngày và đêm, ra-đa bộ binh, thiết bị liên lạc và xác định hướng HF, V/UHF, thiết bị thoại và thiết bị điều khiển.
2. Phát triển các loại vũ khí, trang thiết bị có hàm lượng khoa học kỹ thuật và tri thức cao
Nổi bật trong xu hướng này là các hệ thống mô phỏng; các hệ thống, thiết bị UAV; ra-đa bộ binh và các hệ thống giám sát chiến trường. Thiết bị mô phỏng pháo 56mm của hãng Lacroix (Pháp) cho phép mô phỏng loạt nổ của pháo trên không và trên mặt đất; thiết bị mô phỏng chiến đấu xe tăng các loại… UAV và UAS thì có từ loại lớn, đa nhiệm như Hermes 900 của I-xra-en với trọng lượng cất cánh 1.800kg, tải trọng 350kg, thời gian bay đến 36 giờ và cự ly bay không hạn chế đến những loại mi-ni cất và hạ cánh thẳng đứng như HoverEye-EX của hãng Bertin Technologies (Pháp) chỉ có trọng lượng 12kg, tải trọng 7kg, đường kính sải cánh 180cm, thời gian bay 1 giờ, cự ly bay đến 15km và độ cao bay lớn nhất 3.000m.
 |
UAV IT180 của Pháp với sải cánh 1,8m có khả năng bay liên tục 90 phút là một trong những thiết bị được quan tâm tại EuroSaytory 2012. Ảnh tư liệu. |
Ra-đa bộ binh và các hệ thống giám sát, điều khiển chiến trường giới thiệu tại triển lãm lần này đều được ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất như: Công nghệ xử lý số tín hiệu, mạch tích hợp cứng, bản đồ chiến trường số hóa, điều khiển qua vệ tinh. Nổi bật là ra-đa phòng không tầm gần ReVisor của hãng Retia; hệ thống tích hợp giám sát, nhận dạng và đo tọa độ mục tiêu của hãng Thales vừa phục vụ mục đích dân sự vừa phục vụ mục đích quân sự…
3. Phát triển các trang thiết bị cá nhân, phụ trợ bảo đảm cho người lính trên chiến trường
Các loại trang thiết bị quang học, kính ngắm giúp người lính có thể chiến đấu cả ngày và đêm; những bộ quân phục được thiết kế bằng chất liệu mới có những tính năng trợ giúp đắc lực cho người lính thực hiện nhiệm vụ; hệ thống huấn luyện, bia có điều khiển; hệ thống lọc nước từ không khí, cơ động; khẩu phần ăn dã ngoại… là những sản phẩm nổi bật của xu hướng này.
Hãng NewCon Optik giới thiệu hàng loạt sản phẩm quang học: Hệ thống ảnh nhiệt, hệ thống nhìn đêm, kính ngắm gắn trên mũ người lính, thiết bị đo xa la-de được ứng dụng những công nghệ xử lý ảnh tiên tiến. Hãng Thales giới thiệu kính ngắm Sophie MF có cự ly hoạt động đến 10km và Sophie XF có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Bertin Technologies có sản phẩm Second Sight MS cho phép phát hiện và cảnh báo các khu vực có hóa chất, hơi độc với cự ly từ 2m đến 5km. Bộ trang phục “chiến binh tương lai” FELIN, sản phẩm của hãng Sagem (Pháp) và 24 nhà thầu phụ khác gồm súng trường, đạn dược, áo giáp chống đạn, mũ bảo vệ có tích hợp màn hình hiển thị, máy tính đa năng, pin và thực phẩm dự trữ đủ cho 1 ngày…
Ngoài ra, tại triển lãm có thể thấy đạn dược cũng là lĩnh vực được chú ý cải tiến với nhiều công nghệ mới được áp dụng trong thử nghiệm và chế tạo nhằm tăng độ chính xác và sức công phá. Về hải quân, các thiết bị như mồi bẫy sona tàu ngầm đối phương, hệ thống báo động khi có tàu ngầm đối phương xâm phạm cũng là những sản phẩm đáng được lưu ý…
EuroSatory 2012nói riêng và các triển lãm vũ khí nói chung không chỉ là nơi tham quan và ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí mà còn là nơi để tìm hiểu, trao đổi và học hỏi về khoa học và công nghệ, về khoa học nghệ thuật quân sự. Trên cơ sở những sản phẩm, trang thiết bị vũ khí mới, từng quốc gia có thể điều chỉnh lại phương thức tác chiến, nghệ thuật quân sự và định hướng phát triển khoa học và công nghệ quân sự cho mình.
Thiếu tướng Hoàng Bằng- Chính ủy Viện Khoa học và Công nghệ quân sự