Sáng 12/3, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT đã tổ chức họp báo về việc chuẩn bị phóng lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của VN-vệ tinh Vinasat 1, với sự tham gia của đại diện hai đối tác sản xuất và phóng vệ tinh là Lockheed Martin (Mỹ) và Arianespace (Pháp).

Mô tả ảnh.
Lễ họp báo công bố sự kiện phóng vệ tinh Vinasat 1. (Ảnh: Hưng Hải)

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, vào 05h30 phút ngày 12/4 tới đây, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo, mở ra kỷ nguyên mới cho nền CNTT-viễn thông nước nhà.

Vệ tinh của riêng Việt Nam

Đây là sự kiện khẳng định chủ quyền quốc gia của VN trên quỹ đạo không gian, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của VN nói chung và viễn thông-CNTT VN nói riêng. VINASAT-1 đi vào hoạt động sẽ làm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình của VN.

Với dung lượng truyền dẫn tương đương với 10.000 kênh thoại, Internet, truyền số liệu hoặc khoảng 120 kênh truyền hình, VINASAT-1 sẽ đưa các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo... là những nơi mà phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được.

Hiện tại, sau 10h "bay " từ sân bay Philadenphia (Mỹ), vệ tinh VINASAT-1 đã "tới" bãi phóng tại Trung tâm vũ trụ quốc tế Guiana (CSG) ở Kourou, French Guiana. Vinasat đang được chuyển tới khu vực kỹ thuật để đo kiểm kỹ thuật, dưới sự giám sát của hãng tư vấn Telesat (Canada).

Ông Hà Minh Mạnh, trưởng phòng Đầu tư - Thương mại, Ban VINASAT (thuộc VNPT) cho biết: Vệ tinh đã đạt điều kiện kỹ thuật và đang nạp khoảng 1,5 tấn nhiên liệu để duy trì thời gian sống tối thiểu trong vòng 15 năm.

Sau khi được phóng lên quỹ đạo vào 05h30 phút ngày 12/4 tới (giờ VN), 30 phút sau đó, vệ tinh VINASAT-1 sẽ tách riêng ra khỏi tên lửa. Dự kiến, trong 8 ngày sau đó, VINASAT sẽ "tới" quỹ đạo đã "giữ chỗ" là vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh của trái đất, ở độ cao 35.768 km so với trái đất.

Sau khi lên quỹ đạo, trong vòng 3 tuần, vệ tinh sẽ được tổng kiểm tra trước khi đi vào hoạt động. Vào ngày 8/5, nhà sản xuất Lockheed Martin (Mỹ) sẽ chính thức bàn giao VINASAT-1 cho phía VNPT.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Bá Thước - Phó TGĐ VNPT công bố sự kiện. (Ảnh: Hưng Hải)
Khách hàng được hỗ trợ chi phí thuê VINASAT

Hiện tại, các doanh nghiệp và tổ chức của VNđang phải trả phí thuê vệ tinh của Nga, Úc, Thái Lan...để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành.Nếu Vinasat đi vào hoạt động, VN sẽ tiết kiệm được chí phí, do giá thuê thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,8 đến 3 lần tùy thuộc vào cung cầu và băng tần sử dụng.

Đồng thời, vệ tinh riêng của VN sẽ nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng các dịch vụ viễn thông-CNTT và truyền thông.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Thước - Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: "VINASAT sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, đưa viễn thông VN lên một tầm cao mới; giúp DN VN chủ động trong phương thức truyền dẫn, khắc phục được những rủi ro khách quan như thời tiết khắc nghiệt, động đất..."

Để phát huy tối đa việc khai thác sử dụng vệ tinh VINASAT, cũng theo ông Thước,trong tháng 2 vừa qua, VNPT đã trình lên Ban chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT và các Bộ ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công thương...) cơ chế ưu đãi cho khách hàng thuê kênh vệ tinh.

Theo đó, VNPT đã đề nghị Bộ TT-TT miễn cước sử dụng tần số trong 10 năm đầu cho các DN sử dụng. Thứ hai, VTI - đơn vị khai thác kinh doanh vệ tinh Vinasat - sẽ hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi thiết bị mặt đất cho phù hợp với VINASAT-1.

Thứ ba, Quỹ Viễn thông công ích sẽ hỗ trợ cho các DN sử dụng vệ tinh VINASAT-1 với vai trò là kênh truyền dẫn đến hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho người dân sử dụng những dịch vụ cơ bản.

  • Hoàng Hùng- VNN
  • -------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
VINASAT lên vũ trụ, thêmmột quốc gia mới gia nhập vào thị trường hàng khôngkhông gian... Ông Richard Bowles - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Arianespace Singapore nhận định về việc VN phóng vệ tinh VINASAT.

Theo ông Richard Bowles - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Arianespace Singapore, VINASAT đang có một cơ hội thật sự...

Phóng viênVietNamNet đã trao đổi qua email với ông Richard Bowles - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Arianespace Singapore, xung quanh bước khởi đầu của Việt Nam trong việc phóng vệ tinh viễn thông VINASAT vào tháng 4 sắp tới.

- Nhu cầu sử dụng vệ tinh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay như thế nào trên khắp toàn cầu? Tại sao chúng ta càng ngày càng cần nhiều vệ tinh?

-Richard Bowles - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Arianespace Singapore: Hãy lấy vô tuyến truyền hình (TV) như một ví dụ. Ngày nay, TV là một phương tiện để giáo dục con người. Như bản thân tôi chẳng hạn, tôi thích xem các chương trình giáo dục từ xa được phát sóng ở nước tôi.

Một vệ tinh đem lại cho mọi người khả năng theo dõi mọi hoạt động diễn ra trên khắp cả nước một cách bình đẳng. Vì vậy, trẻ em tại những vùng nông thôn cũng được hưởng những dịch vụ tương tự như trẻ em ở những thành phố lớn.

Một cách tổng quát, giáo dục và truyền thông dẫn đường cho phát triển kinh tế. Không một hệ thống phát thanh truyền hình nào có thể sánh kịp phát thanh truyền hình vệ tinh. Sự xuất hiện của TV công nghệ cao đã làm tăng nhu cầu về ứng dụng của TV.

Bên cạnh đó, ngày nay có rất nhiều vệ tinh nhỏ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng khi họ nhận thấy một số vấn đề khó giải quyết phát sinh từ những phí tổn của các vệ tinh lớn. Với một vệ tinh nhỏ hơn, thật dễ dàng để trang bị thêm một chiếc thứ hai mà vẫn được đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ.

Vệ tinh VINASAT-1 đã được vận chuyển thành công tới Trung tâm Vũ trụ Quốc tế Guiana (CSG) ở Kourou, French Guiana hôm thứ 6, ngày 7/3 vàhiện đang được kiểm thử cuối cùng trước khi lắp đặt vào tên lửa Ariane 5 ECA để phóng lên vũ trụ. Lần phóng này, VINASAT 1 còn có thêm bạn đồng hành là vệ tinh Star One C2 của hãng viễn thông Star One - Brazil, do hãng Thales Alenia Space chế tạo.

Vệ tinh VINASAT 1 của Việt Nam có trọng lượng 2,7 tấn, cao 4m.

Arianespace (Pháp) được thành lập vào năm 1980, trở thành một trong những công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp Dịch vụ và Giải pháp cho thị trường tên lửa đẩy. Từ khi thành lập đến nay, Arianespace đã phóng được khoảng 250 vệ tinh, với hơn 2/3 là các vệ tinh thương mại.

- Tháng tư sắp tới, VINASAT của Việt Nam sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy của Arianespace. VINASAT sẽ đóng vai trò như thế nào đối với Việt Nam?

-Ở khía cạnh thực tiễn, đây sẽ là sự phát triển viễn thông ngoạn mục đối với Việt Nam. Nó cho phép Việt Nam gia nhập vào thị trường viễn thông khu vực. Hơn thế nữa, nó sẽ giúp Việt Nam ngày càng phát triển và hiểu biết đối với các kỹ thuật công nghệ cao.

Các vệ tinh có một khả năng vô song trong việc phát truyền tín hiệu đến các khu vực rộng lớn. Việt Nam không phải là một đất nước nhỏ, và vệ tinh viễn thông sẽ là phương tiện hữu hiệu giúp phủ sóng thông tin trên toàn bộ lãnh thổ.

- Xin ông cho biết thêm về những tên lửa đẩy mà Arianespace đang sở hữu và về tên lửa đẩy sẽ làm nhiệm vụ trong cuộc phóng tới.

-Arianespace đã hoạt động được 27 năm. Lần phóng đầu tiên của Ariane 1 là vào tháng 12/1979. Đến nay, chúng tôi đã chiếm được 60% thị trường phóng vệ tinh viễn thông trên toàn thế giới. Tổng cộng là 254 vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo bởi Arianespace.

Kể từ 12/2002 cho đến nay, các cuộc phóng của chúng tôi chưa từng gặp thất bại. Các đối thủ khác của chúng tôi trong cuộc chạy đua để giành quyền phóng VINASAT 1 chưa đạt được kết quả như thế suốt một thời gian dài. Tôi nghĩ đó là điểm khác biệt giữa Arianespace với các đối thủ cạnh tranh.

- Sau gần 30 năm thành lập kể từ năm 1980, Arianespace đã ký được khoảng 300 hợp đồng cung cấp thiết bị tên lửa đẩy, và nắm giữ hơn 60% thị trường phóng vệ tinh địa tĩnh. Chìa khóa nào đã làm nên sự thành công của công ty?

VINASAT đang được kiểm tra tại S5, Cảng hàng không không gian Châu Âu (Europe’s Spaceport) để chuẩn bị phóng bởi tên lửa đẩy Airane 5 - Arianespace (Ảnh: Arianespace)

- Chúng tôi không xem khách hàng như một phương tiện tạo ra lợi nhuận mà hơn thế, như những đối tác đang khám phá vũ trụ của chúng ta. Ngày nay, chúng tôi có thể phóng một vệ tinh truyền thông cho Việt Nam. Những đối tác cùng làm việc với chúng tôi sẽ trở thành một phần của giấc mơ nhân loại về việc vươn tới những vì sao.

Bên cạnh đó, trong cuộc làm ăn này, Việt Nam phải trả 100% chi phí trước khi bay, giống như mua một chiếc máy bay. Điều khác biệt là chiếc vé bay vào vũ trụ trị giá tới hàng triệu đôla. Dĩ nhiên, bạn không muốn trả tiền cho một công ty có thể làm hỏng công việc của bạn. Chúng tôi là một trong những người cung cấp thị trường thiết bị tên lửa đẩy khá ổn định.

- Arianespace cólời khuyên nào đối với một quốc gia mới bắt đầu tham gia lĩnh vực công nghiệp không gian vũ trụ như Việt Nam?

- Bởi vì các điều kiện của thị trường tài chính, nhiều nhà khai thác vệ tinh đang phải đối mặt với những khoản nợ đồ sộ. Do đó, họ không đủ điều kiện để thay thế các vệ tinh cũ trong các quỹ đạo. Đây là cơ hội cho các quốc gia mới gia nhập vào một thị trường luôn phát triển liên tục và trở thành người chơi chính. Điều đó có nghĩa là đang có một cơ hội thật sự cho VINASAT.

-Trung Quốc cũng là một quốc gia rất thành công trong công nghiệp hàng không vũ trụ, với những dự án đưa người vào vũ trụ thành công. Các đối tác phương Tây, đặc biệt là công ty Arianespace đánh giá tình hình phát triển của ngành không gian vũ trụ tại khu vực châu Á như thế nào?

- Phần lớn dân số trên thế giới đều nằm ở các quốc gia châu Á, do đó nó sẽ phát triển thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Châu Âu chỉ đóng vai trò trung lập trong các cuộc chơi lớn chắc chắn sẽ xảy ra giữa các quốc gia châu Á. Tôi nghĩ vai trò trung lập của chúng tôi sẽ khiến cho chúng tôi trở thành một trong những đối tác đầy thu hút đối với các quốc gia châu Á nhỏ hơn Trung Quốc.

Trung Quốc đã có vài thành công trong công nghệ hàng không vũ trụ và đang có dự định đặt chân lên Mặt trăng. Người Mỹ đã đặt chân lên Mặt trăng 40 năm về trước, tôi nghĩ điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thể đuổi kịp.

- Cảm ơn ông Richard Bowles!

  • Theo : VNN-Hương Cát (thực hiện)