QĐND - Ngày càng có nhiều thông tin cho thấy khả năng Ca-na-đa sẽ từ chối mua máy bay chiến đấu được mệnh danh “Thần sấm” F-35 thế hệ thứ 5 và cũng có thể sẽ là đối tác đầu tiên rút khỏi chương trình sản xuất loại máy bay chiến đấu tối tân này do Mỹ chủ trì. Nếu khả năng trên trở thành hiện thực thì thị trường máy bay chiến đấu được dự báo sẽ bị tác động, đặc biệt là đối với chương trình sản xuất máy bay F-35 mà Mỹ cùng một số đối tác đang theo đuổi...
Từ bỏ việc tham gia dự án sản xuất máy bay F-35 thế hệ thứ 5 đắt đỏ cùng với Mỹ là cam kết trước và sau khi đắc cử của tân Thủ tướng Ca-na-đa Dớt-xtin Tru-đô (Justin Trudeau). Thay vào đó, Ca-na-đa sẽ nhanh chóng thực hiện việc thay thế các máy bay CF-18 đã “có tuổi” bằng một loại máy bay khác có chi phí thấp hơn. Thủ tướng Dớt-xtin Tru-đô cho rằng, Ca-na-đa không cần máy bay tàng hình cho mục tiêu quốc phòng; vả lại F-35 quá đắt đỏ đối với một nước có ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Một lý do nữa được ông đưa ra là Ca-na-đa sẽ ưu tiên nâng cấp lực lượng Hải quân và khoản tiền tiết kiệm được từ việc hủy bỏ mua F-35 sẽ được chi cho Hải quân mua sắm tàu và trang thiết bị hiện đại.
 |
Máy bay chiến đấu F-35 có in hình lá cờ của các nước đối tác tham gia chương trình F-35 cùng với Mỹ. Ảnh: Airliners.net
|
Hơn nữa, giới chuyên gia cũng cho rằng, với những nước không chủ trương thực hiện đòn tấn công phủ đầu như Ca-na-đa thì việc sử dụng máy bay F-35 có thể coi là sự thừa thãi. Theo các thành viên trong Đảng Tự do của tân Thủ tướng D.Tru-đô, nhiệm vụ chủ yếu của các máy bay chiến đấu Ca-na-đa là bảo vệ cùng trời Bắc Mỹ, không phải là thực hiện các đòn tấn công phủ đầu đòi hỏi khả năng tàng hình. Nhiệm vụ bảo vệ này chỉ giới hạn trong việc đánh chặn máy bay và tàu thuyền địch trên vùng trời, vùng biển Ca-na-đa.
Chính quyền của Thủ tướng Xtê-phen Ha-pơ (Stephen Harper) đứng đầu trước đây đã quyết định mua 65 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35. Chương trình F-35 là một trong những đề tài gây tranh cãi ở Ca-na-đa, chủ yếu vì lý do chi phí quá tốn kém. Chính phủ trước đây đã cố tình hạ thấp chi phí ước tính của 65 chiếc máy bay F-35. Ban đầu, Ốt-ta-oa cho rằng chúng sẽ tốn 9 tỷ USD, nhưng theo nhiều báo cáo của các cơ quan chính phủ, con số này cao hơn rất nhiều. Báo cáo mới nhất nói rằng Chính phủ Ca-na-đa sẽ phải trả 45,8 tỷ USD để có thể sở hữu 65 máy bay F-35.
Mặc dù các đối tác quốc tế còn lại của chương trình F-35 vẫn khẳng định cam kết tham gia của mình, nhưng khả năng từ bỏ của Ca-na-đa được cho là một lá phiếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của các đối tác này với chương trình. Một khi Ca-na-đa bỏ đi, các đối tác còn lại sẽ phải chi phí nhiều hơn cho chương trình F-35 cực kỳ tốn kém mà không phải quốc gia nào cũng có thể chấp nhận.
Lầu Năm Góc cho biết, chi phí cho mỗi chiếc F-35 sẽ bị đội thêm khoảng 1 triệu USD nếu Ca-na-đa hủy đơn đặt hàng của Công ty Lockheed Martin. Trung tướng Crít-xtốp-phơ Boóc-đan (Christopher Bogdan) nói rằng, các đối tác còn lại có thể sẽ đổ lỗi cho Ca-na-đa vì điều này.
Tuy nhiên, dường như mối lo ngại này sẽ không làm thay đổi nhiều lựa chọn chính sách của chính quyền Đảng Tự do mới lên cầm quyền ở Ca-na-đa của tân Thủ tướng D.Tru-đô. Thủ tướng D.Tru-đô nhấn mạnh, Ca-na-đa sẽ tập trung nhiều hơn vào phòng vệ quốc gia thay vì tập trung vào dự án gia tăng sức mạnh với việc mua sắm máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Sau khi chính quyền mới nhậm chức, giới phân tích dự đoán sẽ có một loạt thay đổi trong chính sách quốc phòng cũng như quân sự của Ca-na-đa. Ngoài dự án mua sắm F-35, theo nhà phân tích Ri-sác Ơ-bao-la-phi-a (Richard Aboulafia) thuộc tập đoàn tư vấn Teal Group, Thủ tướng D.Tru-đô đã cho thấy các dấu hiệu sẽ rút quân đội Ca-na-đa khỏi các chiến dịch quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo nhà phân tích này, đây là bằng chứng cho thấy chính phủ mới sẽ ưu tiên các vấn đề đối nội hơn các vấn đề đối ngoại với các quyết định nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của mình.
Theo nhà phân tích Ri-sác Ơ-bao-la-phi-a, F-35 là hoàn hảo nếu Ca-na-đa trở thành một phần của liên minh chiến tranh. Còn nếu chỉ nhằm bảo vệ không phận, chủ quyền lãnh thổ thì sự lựa chọn khác sẽ phù hợp hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu Ca-na-đa không lựa chọn F-35 thì máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của hãng Boeing sẽ là sự lựa chọn tiềm năng. Cho dù các máy bay khác như Typhoon, Rafael hay Gripen cũng có thể nằm trong mối quan tâm của Ca-na-đa, nhưng theo tiền lệ, Ca-na-đa chưa bao giờ mua máy bay mà không phải do Mỹ sản xuất. Vì việc có thể phối hợp với quân đội Mỹ là điều rất quan trọng đối với quân đội Ca-na-đa. Việc quân đội Mỹ cũng sử dụng Super Hornet sẽ giúp Ca-na-đa thuận lợi hơn trong việc phối hợp hoạt động với các lực lượng Mỹ. Hơn nữa, chi phí vận hành mỗi chiếc F-35 hiện nay tốn đến hơn 67.000USD mỗi giờ bay, trong khi chiếc F/A-18 Super Hornet chỉ hết 11.000 đến 24.400USD cho mỗi giờ bay. Trong bối cảnh Ca-na-đa đang chủ trương tiết kiệm ngân sách thì F/A-18 Super Hornet sẽ là sự lựa chọn thích hợp.
Trước khả năng cao từ bỏ dự án F-35 của Ca-na-đa, ông Ri-sác Ơ-bao-la-phi-a cho rằng: “Ca-na-đa chỉ là một trường hợp cho thấy máy bay chiến đấu tối tân F-35 của Mỹ đang ngày càng trở nên không phù hợp với học thuyết quân sự và nhu cầu thực tế của nhiều nước đồng minh, khiến nhu cầu về loại máy bay đắt đỏ này có thể sụt giảm trong tương lai và lâm vào cảnh ế ẩm”.
XUÂN PHONG