QĐND Online - Đề xuất tiếp tục cắt giảm 1/3 kho vũ khí hạt nhân xuống còn khoảng 1.000 đầu đạt hạt nhân chiến lược cho mỗi bên Nga và Mỹ của ông B. Obama nhận được sự hoan nghênh của Pháp và Trung Quốc, nhưng “các cường quốc hạt nhân này” không có ý định cắt giảm kho vũ khí chiến lược của mình. Về phần mình, Nga tuyên bố toàn bộ các quốc gia trong “Câu lạc bộ hạt nhân” cần phải thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) và vấn đề trên cần phải được giải quyết theo các lộ trình cụ thể, chứ không phải là các thỏa thuận trên bàn giấy.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong “Câu lạc bộ hạt nhân” lại coi việc thực hiện START chỉ là vấn đề riêng của Nga và Mỹ vì việc thực hiện hiệp ước giúp hai cường quốc tiết kiệm chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn duy trì được khả năng răn đe hạt nhân của họ. Đáp lại tuyên bố trên của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Nga và Mỹ là hai quốc gia có trách nhiệm chính trong quá trình giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt và phải là những nước đầu tiên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ hiện có.
“Chúng tôi đã quên mất sự cân bằng chiến lược của hai cường quốc”
Khi phát biểu về quan điểm của Trung Quốc về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Việc Nga và Mỹ thực hiện START sẽ tạo ra các điều kiện cần và đủ để thực hiện chương trình giải giáp vũ khí hạt nhân hoàn toàn”.
 |
Tổng thống Mỹ đã bất ngờ đề xuất thực hiện START mới với Nga trong cuộc gặp gỡ bên lề G8 tại Berlin, Đức.
|
Cần nhấn mạnh rằng, để trả lời gợi ý của Mỹ về thực hiện START mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow đồng ý với quan điểm cắt giảm vũ khí chiến lược, nhưng đó phải là công việc chung của các quốc gia trong “Câu lạc bộ hạt nhân”. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đang rất tích cực hoàn thiện các dòng vũ khí tấn công (thông thường và chiến lược) nguy hiểm, có tầm hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Với tình hình hiện tại, châu Âu và Trung Quốc chắc chắn sẽ không tham gia START với Nga và Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân không phải là ưu tiên thực hiện đối với Pháp và Paris chỉ sẵn sàng thảo luận về này khi START giữa Nga và Mỹ đạt tới mức độ cần thiết.
“Chúng tôi thực sự đã quên sự cân bằng chiến lược của hai cường quốc sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Mỹ đề xuất cùng Nga thực hiện START đó là việc tốt, nhưng đối với chúng tôi, nước Pháp cần 300 đầu đạn hiện có để đảm bảo an ninh chiến lược. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình”, ông J. Le Drian cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn kênh phát thanh France Info.
Theo ông này, vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay không phải là vì kho vũ khí hạt nhân của Pháp. “Nếu việc cắt giảm bắt đầu, Pháp sẵn sàng hỗ trợ để giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống mức tương ứng, nhưng điều đó là tương lai xa”, ông J. Le Drian khẳng định.
Pháp bắt đầu tham gia “Câu lạc bộ hạt nhân” từ năm 1960, khi nổ thử thành công bom nguyên tử ở bãi thử Reggan, Algeria. Tổng cộng, Pháp đã tiến hành 210 vụ thử hạt nhân và vụ thử cuối cùng được thực hiện trong tháng 1-1996.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc cắt giảm vũ khí chiến lược là cần thiết, nhưng trong nhiều tính huống cụ thể điều này rất khó có thể thực hiện thông quá các vòng đàm phán đa phương trong tương lai gần. Có thể lấy ví dụ như Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia này không quan tâm việc Nga và Mỹ có thực hiện START hay không. Đối với họ, vũ khí hạt nhân chính là phương thuốc để đảm bảo an ninh cấp chiến lược trong khu vực.
Có giảm thì vẫn đủ khả năng hủy diệt thế giới
Phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược Nga, Dmitry Polikanov, cho rằng, ông B. Obama đã đúng khi xác định “ngày nay, vũ khí hạt nhân là một yếu tố mang tính răn đe tâm lý nhiều hơn là khả năng mang ra sử dụng thật”.
 |
Ngoài vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí thông thường hiện đại có khả năng tấn công nhanh ở phạm vi toàn cầu là vấn đề được Nga yêu cầu đưa vào START mới do sự nguy hiểm của nó.
|
“Mỹ đang cắt giảm những thứ không cần thiết để tiết kiệm ngân sách và cho người nộp thuế. Điều này có đang diễn ra tương tự với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, dù có giảm đi vài lần thì để hủy diệt cả thế giới, họ vẫn thực hiện được”, ông D. Polikanov cho biết.
Đây cũng chính là lý do các quốc gia khác trong “Câu lạc bộ hạt nhân” không mấy quan tâm tới START. Vì thực tế, cắt giảm kho vũ khí hạt nhận giúp chính Nga và Mỹ tiết kiệm ngân sách, nhưng khả năng răn đe hạt nhân không hề giảm.
“Để Trung Quốc và Pháp nhượng bộ và cùng tham gia START là điều khó khăn. Trong nhiều năm qua đã có xuất hiện ý tưởng về thế giới phi hạt nhân, nhưng đó là viễn cảnh rất xa xôi. Đối với Pháp và Trung Quốc, vũ khí hạt nhân chính là yếu tố đảm bảo an toàn chiến lược”, ông D. Polikanov nhận định.
Khác với Mỹ muốn đưa ra viễn cảnh thế giới phi hạt nhân, thì Nga lại nhận định thực tế hơn nhiều. “Ở vị thế của Nga, START cần có nhiều bên tham gia hơn. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề song phương giữa Nga và Mỹ, mà là vấn đề đa phương”, phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược Nga nhấn mạnh.
Phát biểu về vấn đề này, Phó chủ tịch Quỹ nghiên cứu Ấn Độ Observer Research Foundation, Nandan Unnikrishnan cho biết, Nga có nhiều lý do hơn Mỹ để ngăn chặn sự thay đổi cán cân vũ khí hạt nhân hơn Mỹ vì Nga có nhiều vấn đề địa chiến lược, chính trị liên quan hơn Mỹ.
“Thực tế, vấn đề vũ khí hạt nhân không chỉ đơn thuần giữa Nga và Mỹ, mà còn của nhiều nước khác. Mong muốn thực hiện START của ông B. Obama là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần hiểu quan điểm của Nga vì nước Nga không chỉ cần cân bằng vũ khí hạt nhân với Mỹ, mà còn cả với NATO”, ông N. Unnikrishnan nói. Trong khi Mỹ chỉ quan tâm tới đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc, thì Nga có nhiều “mục tiêu hơn”, trong đó có cả Anh và Pháp.
Khả năng hủy diệt gấp 3 lần Nga
Theo đánh giá của giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế Liên bang Nga, Alexei Arbatov, việc có thêm quốc gia thứ 3 tham gia vào START là không khả thi. “Trước hết, Nga và Mỹ đã có tới 40 năm đàm phán song phương và đã hiểu rõ nhau. Trong khi đó, nước khác khác có định nghĩa chiến lược vũ khí hạt nhân hoàn toàn khác. Họ không thể hiểu hết được sự ổn định chiến lược Nga và Mỹ đã duy trì nhiều chục năm qua bất chấp hai bên còn nhiều vấn đề tồn tại”, ông A. Arbatov cho biết.
 |
Vấn đề cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược không chỉ còn là vấn đề của riêng Nga và Mỹ.
|
Ông A. Arbatov nhận định, việc thực hiện START giữa Nga và Mỹ cần có “sự chứng kiến” của bên thứ 3. “Nếu chỉ có Nga và Mỹ cắt giảm vũ khí chiến lược, trong khi đó Mỹ, Anh, Pháp lại là đồng minh, thì tới thời điểm nào đó, họ sẽ có sức mạnh gấp 3 lần Nga. Về phần mình, Nga chắc chắn sẽ không để điều đó xảy ra và Mỹ cũng tương tự vì còn đối trọng Trung Quốc”, vị chuyên gia này nói.
Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế Liên bang Nga cũng đưa ra phương án khác là cùng với START cần có một loạt các thỏa thuận bên lề giữa các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân. “Ấn Độ và Pakistan là ví dụ. Họ không quan tâm tới kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, nhưng họ lại “rất quan trọng” với nhau. Điều này cũng tương tự giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, họ sẽ không muốn tham gia START với Nga và Mỹ”, ông A. Arbatov cho biết.
TUẤN SƠN (tổng hợp)