QĐND Online – Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã lên tiếng đề nghị Mỹ cung cấp thông tin của dòng chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet. Theo Forcast International, động thái nói trên của UAE là để tìm dòng máy bay mới có khả năng thay thế cho các phi đội chiến đấu cơ Mirage-2000-9 cũ với những “ưu thế cạnh tranh nhất” cho không quân nước này. Không quân UAE đánh giá, tổng giá trị của hợp đồng mua máy bay mới thay thế cho Mirage-2000-9 sẽ không dưới 10 tỉ USD.

Thông tin nói trên dường như là nhắm tới Pháp, khi giới lãnh đạo quốc gia châu Âu này và hãng Dassault Aviación đang hi vọng sẽ bán các phi đội chiến đấu cơ Rafale mới cho UAE mà không cần thông qua đấu thầu. Tính tới thời điểm hiện tại, Dassault Aviación đã mang sản phẩm Rafale tham gia đấu thầu ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng đều thất bại. Dassault Aviación hiện chỉ còn hi vọng bán loại chiến đấu cơ này cho không quân Brazil, Ấn Độ, Kuwait và UAE.

UAE hiện đang sở hữu lực lượng không quân hùng hậu và thiện chiến nhất tại khu vực Cận Động. Không quân quốc gia Hồi giáo này sở hữu 184 máy bay chiến đấu các loại, bao gồm 55 máy bay F-16E Block 60, 25 chiếc F-16F Block 60, 18  chiếc Mirage-2000-9DAD44 Mirage-2000-9RAD. Đối tác truyền thống trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí của UAE chính là Pháp với hàng loạt hợp đồng mua máy bay, xe tăng-thiết giáp đã ký giữa hai bên.

F/A-18 Super Hornet. Ảnh: allamericanpatriots.com

Tháng 5-2009, đích thân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố mở một căn cứ quân sự Pháp tại Abu Dhabi. Đáng tiếc là động thái này khó có thể xoay chuyển được tình thế là Pháp có thể sẽ mất các hợp đồng bán máy bay lớn vào tay Mỹ ngay tại UAE và các quốc gia giầu tiềm năng thuộc khu vực Vịnh Persian.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, việc UAE “để mắt” tới F/A-18E/F Super Hornet sẽ là sức ép buộc Dassault Aviación giảm giá bán máy bay Rafale.

UAE mong muốn được sở hữu phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ Rafale với radar mạng pha quét chủ động (AESA) hàng không RBE2 do Thales sản xuất, hệ thống đối kháng điện tử hiện đại và phiên bản nâng cấp tăng cường lực đẩy của động cơ M-88 (sản phẩm của hãng Snecma). Dự kiến, radar AESA RBE2 sẽ được lắp trên chiến đấu cơ Rafael từ năm 2011 và phiên bản Rafale trang bị radar mới này sẽ chính thức hoạt động trong năm 2012.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhiều lãnh đạo quân đội UAE hiện theo quan điểm, công nghệ và đặc tính kỹ thuật của F/A-18E/F Super Hornet phù hợp với điều kiện của không quân quốc gia Trung Đông này. Đặc biệt là mới đây, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia về việc cung cấp một loạt trang bị vũ khí trị giá tới 60 tỉ USD để nâng cao khả năng đối phó với Iran của nước này. Ngoài ra, UAE đang dựa vào Mỹ thông qua chương trình “Bán vũ khí ra nước ngoài” để nâng cấp và hiện đại hóa quân đội. Theo đó quốc gia Hồi giáo này sẽ mua một loạt các trang bị vũ khí mới của Mỹ như máy bay trực thăng vận tải UH-60M Black Hawk, CH-47F Chinook, máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster-3, C-130J Hercules, tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot, SL-AMRAAM, Avenger và tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung cao THAAD.

Tuấn Sơn (theo armstrade.org)