QĐND Online - Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 16-11, đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hủy gói thầu tìm mua tên lửa phòng không tầm trung xa mới T-LORAMIDS (Turkish Long Range Air And Missile Defence System), vốn là một phần trong chương trình nâng cấp hệ thống phòng không của nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc, người giành chiến thắng tại gói thầu T-LORAMIDS, phải “ra về tay trắng”.

Một thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000. Ảnh: ausairpower.net

Liên quan tới T-LORAMIDS, trang tin phân tích quân sự CAWAT mới đây đăng tải rằng, Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) đã yêu cầu xem xét lại việc thực hiện và đánh giá gói thầu T-LORAMIDS. Nguyên nhân dẫn tới việc xem xét không được SSM công bố. Được biết, vào tháng 9-2013, công ty Trung Quốc CPMIEC với sản phẩm tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000 đã giành chiến thắng tại T-LORAMIDS với mức giá bỏ thầu thấp nhất là 3,44 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước sức ép từ Mỹ và phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhiều lần kéo dài thời gian đấu thầu T-LORAMIDS và để ngỏ khả năng mua các tổ hợp vũ khí phòng không từ Mỹ và châu Âu. Tới cuối năm 2014, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara nối lại đàm phán với Eurosam, một nhà thầu từng tham gia T-LORAMIDS, vì những bất đồng trong đàm phán chuyển giao công nghệ với phía Trung Quốc.

Cùng trong cuối năm 2014, SSM tuyên bố tổ chức lại gói thầu T-LORAMIDS với việc đặt mua các tổ hợp vũ khí phòng không có khả năng phòng thủ tên lửa. Đây là tín hiệu “bật đèn xanh” cho tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung-cao THAAD của Mỹ tham gia đấu thầu. Ngoài ra, Ankara cũng dự kiến tự phát triển dòng tên lửa phòng không-phòng thủ tên lửa nội địa.

Thổ Nhĩ Kỳ mở gói thầu T-LORAMIDS từ năm 2007. Tham gia gói thầu này là liên doanh Lockheed Martin/Raytheon với tổ hợp tên lửa Patriot PAC-2 phiên bản GMT và PAC-3, CPMIEC (China National Precision Machinery Import and Export Corporation) với HQ-9 – phiên bản xuất khẩu của tổ hợp FD-2000, Rosobonexport với S-300VM Antey-2500 và Tổ hợp Eurosam với tổ hợp SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30. Ankara dự tính chi tới 4 tỷ USD để mua 12 tổ hợp tên lửa phòng không mới và yêu cầu nhà thắng cuộc phải thành lập liên doanh với công ty Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển tổ hợp tên lửa phòng không nội địa.

TUẤN SƠN (theo Armstrade)