QĐND Online - Chính phủ Trung Quốc đã chính thức khẳng định đang phát triển tàu chiến trang bị động cơ hạt nhân, trong đó ưu tiên hàng đầu là các hàng không mẫu hạm. Thông tin trên đã được cổng thông tin Sina đăng tải. Theo đó, ở giai đoạn đầu của chương trình trên, Trung Quốc sẽ phát triển thế hệ lò phản ứng hạt nhân kiểu mới trong khuôn khổ dự án 863 phù hợp để trang bị trên hàng không mẫu hạm, tàu ngầm chiến lược, chiến hạm và tàu chở hàng. Điểm mạnh của các tàu chiến trang bị động cơ hạt nhân là không bị giới hạn tầm hoạt động và thời gian đi biển, mà chỉ phụ thuộc vào nguồn thực phẩm dự trữ cho thủy thủ đoàn.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Ngày 22-2, Viện nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc đã công bố kết quả phát triển kinh tế và xã hội nước này năm 2012. Trong báo cáo này, ở chương 9 - Giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa, khẳng định, theo khuôn khổ dự án 863, Trung Quốc đã thực hiện 1165 công trình nghiên cứu và thực nghiệm ở các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về dự án này không được công bố.

Trung Quốc đang thực hiện chương trình đóng tàu sân bay mới theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn một, nước này sẽ đóng mới 4 tàu sân bay với 2 tàu trong số đó hoàn thành trong giai đoạn 2015-2016. Tới năm 2020, các tàu sân bay trên sẽ được cơ cấu thành các hạm đội tàu sân bay hoàn chỉnh. Tàu sân bay nội địa của Trung Quốc sẽ có lượng choán nước đạt 50.000-55.000 tấn và trang bị động cơ thông thường.

Theo kế hoạch này, tháng 7-2011, Trung Quốc đã bắt tay vào đóng mới tàu sân bay nội địa đầu tiên ở một nhà máy tại đảo Changxing thuộc châu thổ sông Trường Giang.

Ở giai đoạn thứ hai, nước này sẽ đóng thêm 2 tàu sân bay mới với lượng choán nước mỗi tàu là 65.000 tấn và trang bị lò phản ứng hạt nhân. Dự kiến, tàu sân bay đầu tiên dạng này sẽ xuất hiện không sớm hơn năm 2020.

TUẤN SƠN (theo Lenta)