QĐND Online-Thỏa thuận mang tính pháp lý chính thức về việc hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và NATO xây dựng không nhằm chống lại Nga có thể sẽ được ký trong 2-3 năm tới. Thông tin nói trên đã được cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại Nga Vyacheslav Trubnikov tuyên bố.
Nga và NATO đã hoàn thành giai đoạn đám phán về khả năng hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (EUROPRO) tại hội nghị ở Lisbon năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Mỹ đã từ chối ký thỏa thuận mang tính pháp lý về việc hệ thống phòng thủ này không nhằm chống lại khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Hiện tại, chủ đề lá chắn tên lửa cũng đang là rào cản chính trong quan hệ Nga-Mỹ.
Sự hợp tác chung là cần thiết
Theo ông V. Trubnikov, thỏa thuận về lá chắn tên lửa giữa Nga và Mỹ không thể có đạt được trong năm 2012 vì cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
 |
Quy luật "Mâu-thuẫn" sẽ được dung hòa, nếu các bên đặt mình vào vị thế chiến lược của nhau.
|
Chuyên gia quân sự này nhận định, sự hiểu biết thống nhất giữa các bên về việc không chống lại nhau sẽ là tiền đề kỹ thuật quân sự, địa chiến lược quan trọng để các bên đánh giá ảnh hưởng của lá chắn tên lửa tới cân bằng chiến lược. Điều này cũng giúp các bên xác định chiến lược của mình, tăng cường các loại vũ khí để đối trọng lại với lá chắn tên lửa của đối phương.
Thách thức chính trong hợp tác chính trị Nga-Mỹ, NATO hiện là việc xây dựng lá chắn tên lửa tại khu vực Bắc Đại Tây Dương và sau đó là trên quy mô toàn cầu. Điều này được Nga hiểu là biện pháp để kiềm chế lẫn nhau như dưới thời Chiến tranh lạnh.
Để phá bỏ điều này, Nga và Mỹ, NATO cần hợp tác, phát triển quan hệ với mục tiêu cuối cùng là đạt được thỏa thuận chung. Ông V. Trubnikov nhấn mạnh, phía Nga rất quan ngại việc xây dựng hệ thống phòng thủ ở châu Âu không tính tới quyền lới của Nga có thể dẫn tới các hệ lụy xấu hơn trong tương lai. Có thể, Mỹ và NATO sẽ xây dựng lá chắn tên lửa toàn cầu mà bỏ qua Nga.
Việc Nga tham gia trao đổi thông tin, hợp tác xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu trong tương lai gần sẽ giúp giảm thiểu các yếu tố khó khăn như: giảm số lượng căn cứ, chiến hạm mang tên lửa lửa đánh chặn tại khu vực phía Bắc của NATO…
Được biết, Mỹ và NATO nhiều lần khẳng định, lá chắn tên lửa tại châu Âu là để chống lại nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa từ các nước thứ 3 (Iran….).
4 giai đoạn xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu
Trong năm 2012, lá chắn tên lửa tại châu Âu sẽ hoàn thành giai đoạn đầu tiên với việc triển khai và nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng thủ, trong đó bao gồm cả việc triển khai các hệ thống điều khiển hỏa lực hải quân Aegis và một trung tâm radar cảnh giới AN-TPY-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
 |
Radar AN-TPY-2.
|
Giai đoạn hai sẽ hoàn thành vào năm 2015. Cụ thể, lá chắn tên lửa châu Âu sẽ được trang bị đạn tên lửa đánh chặn SM-3 mới (Block IB) phiên bản lục quân và hải quân cho phép nâng cao hiệu quả đánh chặn và triển khai thêm các thành phần hiện đại hơn trong hệ thống chung.
Tiếp đó, tới năm 2018, giai đoạn 3 với việc triển khai đạn tên lửa đánh chặn SM-3 (Block IIA) sẽ hoàn thành.
Cuối cùng là tới năm 2020, lá chắn tên lửa tại châu Âu sẽ được hoàn thiện với việc trang bị đạn tên lửa SM-3 (Block IIB). Ngoài ra, Mỹ sẽ triển khai 40 chiến hạm mang tên lửa đánh chặn mới tại các khu vực nhạy cảm để bảo vệ….châu Âu.
Tuấn Sơn (theo Rian)