QĐND Online - Bộ tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã quyết định tiếp nhận dòng trực thăng tấn công Bell AH-1Z Viper vào biên chế. Theo Defense Aerospace, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ bắt đầu tiếp nhận các máy bay trực thăng tấn công Viper mới vào cuối năm 2011 và hoàn thành kế hoạch này theo phương thức FOC vào năm 2020. Phương thức FOC là việc thủy quân lục chiến Mỹ ngoài tiếp nhận các trực thăng Viper mới, còn được chuyển giao đầy đủ trang bị phục vụ quá trình hậu cần, bảo trì dòng trực thăng này.

AH-1Z Viper. Ảnh: photofunblog.com

Được biết, hãng Bell Helicopter đã bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt dòng trực thăng tấn công AH-1Z Viper từ cuối tháng 11-2010. Theo kế hoạch của thủy quân lục chiến Mỹ, tới năm 2011, lực lượng này sẽ sở hữu 189 trực thăng Viper, trong đó có 131 trực thăng được nâng cấp từ phiên bản AH-1W SuperCobra. Hiện tại, Bell Helicopter đã nhận đơn hàng mua 28 trực thăng Viper.

Được biết, hai đông cơ phản lực trang bị trên trực thăng tấn công Viper được phát triển dựa trên cơ sở động cơ của phiên bản AH-1W SuperCobra. Nhờ 2 động cơ T700-GE-401, trực thăng SuperCobra có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 296 km/giờ và hoạt động trong phạm vi 231 km. Hỏa lực trang bị trên AH-1Z là môt đại bác 3 nòng 20 mm với 750 cơ số đạn và 6 móc treo ở dưới cánh để lắp rocket Hydra 70, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire.

Sự khác biệt của AH-1Z Viper so với phiên bản cũ AH-1W SuperCobra là việc áp dụng rộng rãi các vật liệu composite trong quá trình chế tạo, đặc biệt phần cánh quạt. Theo đánh giá, tuổi thọ của AH-1Z Viper vào khoảng 10.000 giờ bay.

Tuấn Sơn (theo Lenta)