Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ bỏ kết quả gói thầu tìm mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa (T-LORAMIDS) để mở đường cho dự án phát triển tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới có tính năng hiện đại hơn. Thông tin trên đã được tạp chí quân sự Janes Defence Weekly dẫn lời trưởng ban thư ký Hội đồng Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) Ismail Demir đăng tải chiều 6-11...
QĐND Online - Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ bỏ kết quả gói thầu tìm mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa (T-LORAMIDS) để mở đường cho dự án phát triển tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới có tính năng hiện đại hơn. Thông tin trên đã được tạp chí quân sự Janes Defence Weekly dẫn lời trưởng ban thư ký Hội đồng Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) Ismail Demir đăng tải chiều 6-11.
Theo lời ông I. Demir, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán với đối tác Trung Quốc CPMIEC liên quan tới khả năng mua tổ hợp tên lửa FD-2000. Tuy nhiên, nước này sẽ bắt đầu làm việc với tập đoàn liên doanh Pháp-Italia Eurosam về khả năng phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới với vai trò là một thành phần trong hệ thống phòng không - tên lửa nhiều tầng. Động thái trên là do Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc không thống nhất thoả thuận chuyển giao công nghệ và dây chuyển sản xuất FD-2000 tại quốc gia Á-Âu này.
 |
Tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của HQ-9 do Trung Quốc tự phát triển.
|
Tạp chí Janes đánh giá, SSM hiện quan tâm hơn tới khả năng lập chương trình phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới hoàn toàn có nhiều tính năng kết hợp giữa yêu cầu của gói thầu T-LORAMIDS và tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD của Mỹ.
Nếu quyết định này được SSM thông qua, nhiều khả năng kết quả gói thầu T-LORAMIDS sẽ bị huỷ để bắt đầu một dự án quân sự mới ngay trong cuối năm 2014. Nhà thầu Trung Quốc sẽ tiếp tục được mời tham gia đấu thầu.
Tháng 9-2013, CPMIEC được công nhận là giành chiến thắng tại gói thầu T-LORAMIDS với mức giá chào thầu thấp kỷ lục 3,44 tỷ USD so với mức dự kiến trên 4 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ. Để giành chiến thắng tại T-LORAMIDS, CPMIEC với tổ hợp FD-2000 đã vượt qua liên doanh Lockheed Martin/ Raytheon với tổ hợp tên lửa Patriot phiên bản PAC-2 và PAC-3, Rosobonexport với S-300 PMU-2 Favorit và Tổ hợp Eurosam với tổ hợp SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30. Tuy nhiên, sau khi kết quả T-LORAMIDS được công bố, phương Tây và Mỹ lên tiếng phản đối việc tích hợp các thành phần tên lửa phòng không có nguồn gốc Trung Quốc vào hệ thống phòng không chung của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ là 1 thành viên khối NATO) với lo ngại lộ thông tin. Thậm chí, giới chức quân sự NATO còn dọa trục xuất Thổ Nhì Kỳ ra khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa chung của khối.
TUẤN SƠN (theo Armstrade)