QĐND - LTS: Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về tình hình an ninh –quốc phòng thế giới, Báo Quân đội nhân dân bắt đầu mở chuyên mục Kính tiềm vọng trên trang 7 vào số báo ra thứ 3 hằng tuần. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, góp ý và động viên của bạn đọc để chuyên mục này ngày càng hấp dẫn.
 |
Vị trí của eo biển Hoóc-mút. Ảnh đồ họa: AFP
|
Trong thời gian qua, song song với việc liên tục gây sức ép với I-ran nhằm buộc nước này phải lùi bước trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi, đã không ít lần, các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ tuyên bố “bất kỳ một lựa chọn nào-bao gồm cả hành động can thiệp quân sự-đều đang được đặt trên bàn”…
Nếu so sánh tương quan giữa I-ran với Mỹ, chưa kể cộng thêm của I-xra-en, lực lượng quân sự của I-ran lép vế hơn nhiều. Mặc dù vậy, I-ran vẫn có một “con bài tẩy”, đó là phong tỏa eo biển Hoóc-mút, một huyết mạch chiến lược trên biển khá hẹp nối giữa vịnh Péc-xích với biển A-rập, con đường trung chuyển ước chừng tới một phần năm lượng dầu mỏ hằng năm trên thế giới.
Vậy khả năng thực hiện lời đe dọa này của I-ran đến đâu?
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu truyền thông Trung Đông, dẫn lại một tài liệu từ trang điện tử Tin tức Mashred của I-ran, đã hé lộ những thông tin về tiềm lực quân sự mà I-ran có thể sử dụng để phong tỏa eo biển Hoóc-mút một khi họ thấy cần thiết.
Lực lượng tàu tấn công nhanh
Các tàu tấn công nhanh của I-ran lần đầu được sử dụng trong cuộc chiến tranh I-ran - I-rắc (1980-1988), sau đó được hải quân I-ran nâng cấp để có thể tác chiến với những đối thủ mạnh hơn. Các tàu này hiện được trang bị hệ thống ra-đa cảnh giới biển, hệ thống thông tin điện tử tiên tiến, tên lửa diệt hạm tầm ngắn (25km) và tầm trung; ngư lôi cỡ lớn và cỡ vừa; thủy lôi; súng máy hạng nặng, bệ phóng tên lửa; tên lửa phòng không vác vai… Các tàu tấn công nhanh này của I-ran có khả năng thực hiện việc phong tỏa eo biển Hoóc-mút trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài thời gian tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ.
Lực lượng tàu ngầm
I-ran có chừng 20 tàu ngầm, khá vượt trội so với lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực. Ngoài tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, I-ran còn sở hữu các tàu ngầm lớp Nahang, Ghadir, Fateh, được triển khai ở các vùng biển xung quanh I-ran, đặc biệt là khu vực Vịnh Persian.
Các tàu ngầm của I-ran có thể hoạt động dưới nước trong nhiều tuần lễ, được sử dụng để rải thủy lôi, phóng ngư lôi. Tàu ngầm lớp Kilo có khả năng mang 24 quả thủy lôi và 18 ngư lôi cỡ lớn, trong khi tàu ngầm lớp Fateh mang được 12 ngư lôi và 8 thủy lôi. Một số nguồn tin nói rằng I-ran đã cải tiến tàu ngầm lớp Kilo để có thể trang bị loại ngư lôi hiện đại Hoot.
Tàu ngầm lớp Ghadir là loại tàu ngầm nhỏ, chỉ cần một hoặc vài người điều khiển, có thể tham gia vào hoạt động phong tỏa bằng cách rải thủy lôi, phóng ngư lôi hoặc sử dụng cho các chiến dịch biệt kích người nhái. Tuy nhỏ nhưng loại tàu ngầm này rất hữu dụng trong các hoạt động phong tỏa ở vùng nước nông hoặc hẹp.
 |
Tàu chiến I-ran tập trận tại eo biển Hoóc-mút. Ảnh: AFP
|
Tàu chiến
Lực lượng hải quân I-ran có nhiều lớp tàu chiến khác nhau, từ các tàu mang tên lửa đến khu trục hạm. Các tàu chiến của I-ran có khả năng mang 4 tên lửa diệt hạm Nour tầm bắn từ 120km đến 170km, thậm chí đến 200km. Ngoài ra, chúng được trang bị pháo 114mm và 76mm để tác chiến trên biển.
Các tàu chiến I-ran có thể tác chiến chống tàu ngầm đối phương hoặc tham gia vào các chiến dịch hỗn hợp cùng với phần còn lại của lực lượng hải quân I-ran để phong tỏa eo biển Hoóc-mút.
Tên lửa diệt hạm
I-ran có nhiều loại tên lửa khác nhau với tầm bắn và độ sát thương khá rộng. Lực lượng tên lửa bờ đối hạm của I-ran được trang bị loại tên lửa tầm ngắn Kowsar, tên lửa Nour với tầm bắn tới 200km cũng như tên lửa tầm trung Naser-1 phóng từ bệ phóng ba ống phóng. Các tên lửa này được triển khai gần bờ biển, có khả năng phóng độc lập mà không cần sự hướng dẫn tới mục tiêu của lực lượng hải quân hoặc không quân I-ran.
Về tên lửa đạn đạo diệt hạm, I-ran có ba loại chính là Khaleej-e Fars, Tondar và Sejil.
Tên lửa Khaleej-e Fars có đầu đạn nặng 650kg, tầm bắn 300km, được thiết kế để diệt tàu chiến đối phương. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, thời gian chuẩn bị phóng chỉ mất vài phút, bay với tốc độ gấp 3 lần âm thanh (Mach 3) và có thể chạm mục tiêu từ trên không với góc rất hẹp! Việc sử dụng bệ phóng với ba ống phóng tên lửa giúp tăng hiệu quả sát thương diệt mục tiêu, đồng thời giảm bớt khả năng phản kích của đối phương.
Loại tên lửa Tondar có tầm bắn ước tính từ 150km đến 250km, thường được sử dụng phối hợp với tên lửa Khaleej-e Fars để tăng hiệu quả diệt mục tiêu. Việc sử dụng tên lửa Tondar có thể khống chế được eo biển Hoóc-mút từ sâu trong lãnh thổ I-ran, trong khi tên lửa Khaleej-e Fars khống chế khu vực Sistan-Baluchestan ở phía Tây, tỉnh Kerman, tỉnh Fars ở phía Đông và Nam I-ran cùng toàn bộ eo biển Hoóc-mút.
Sức mạnh đáng sợ của lực lượng tên lửa I-ran nằm ở loại tên lửa tầm xa Sejil, mang đầu đạn nặng 500kg, bay với tốc độ Mach 8 đến Mach 12 (tức là từ 2.700m/giây đến 4.100m/giây). Được thiết kế như là loại tên lửa đất đối đất, nhưng gần đây, phía quân đội I-ran tuyên bố loại tên lửa có tầm bắn xa 2000km này có thể dùng để diệt hạm với độ chính xác rất cao.
Máy bay chiến đấu
Các máy bay chiến đấu của I-ran có khả năng mang nhiều loại tên lửa khác nhau để tấn công mục tiêu trên biển, được dẫn đường bằng đầu quang học, ra-đa hoặc la-de như các loại tên lửa Nour, Ghadir, Kowsar, Naser, C-801K và C-802. Mỗi máy bay có thể mang theo tới 5 tên lửa cho mỗi phi vụ.
Ngoài ra, các máy bay tham gia tấn công biển có thể mang các loại bom Qassad-1 và Qassad-2 dẫn bằng quang học với tầm xa từ 30km đến 50km. Các tên lửa do Nga chế tạo như KH-25 và KH-29 dẫn đường quang học với tầm xa từ 10km đến 20km cũng thích hợp cho việc lắp đặt trên các máy bay Su-24, Su-25 và MiG-29 của không quân I-ran. Riêng loại tên lửa tầm xa KH-28 dẫn đường bằng ra-đa lắp đặt trên máy bay Su-24 cũng sẽ rất hiệu quả trong tác chiến biển để phong tỏa eo biển Hoóc-mút.
Mặc dù có tiềm lực vũ khí để thực hiện một hoạt động quân sự nhằm phong tỏa eo biển Hoóc-mút nhưng theo phân tích thì khả năng này hoàn toàn không phải là “dễ dàng như uống một ly nước”, như lời của chỉ huy hải quân I-ran, Habibollah Sayyari, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tiếng Anh của truyền hình I-ran mới đây. Người phát ngôn của Hạm đội 5 Mỹ, có căn cứ ở Ba-ranh đã tuyên bố rằng “bất cứ một hành động nào nhằm ngăn cản việc lưu thông qua khu vực eo biển Hoóc-mút sẽ không được dung thứ”. Nếu I-ran tiến hành một chiến dịch như vậy, chắc chắn Mỹ sẽ động binh để bảo đảm điều đó không xảy ra.
Văn Yên