QĐND Online - BrahMos, một trong những loại tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến trên thế giới, đồng thời là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Ấn Độ, mới đây đã được ca ngợi là không thể bị đánh chặn trong ít nhất là 20 năm tới đây.

Sivathanu Pillai, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Quản lý của BrahMos Aerospace đã chia sẻ quan điểm về tiến trình phát triển công nghệ trong tương lai của loại tên lửa này rằng, đến nay vẫn chưa có quốc gia nào phát triển được một loại tên lửa ngang tầm với BrahMos và trong 20 năm tới, “không kẻ thù nào” có thể đánh chặn được nó. BrahMos được coi là loại tên lửa mang tính biểu tượng, là thành quả hợp tác phát triển giữa Ấn Độ và Nga.

Trong một cuốn sách mới của mình và đồng tác giả là cựu Tổng thống Ấn Độ A. P. J. Kalam, Pillai, người được coi là cha đẻ của tên lửa BrahMos, đã đề cập đến “công nghệ tên lửa” như một trong 10 công nghệ cốt lõi và duy nhất mang tính đột phá trong công cuộc xây dựng một tương lai huy hoàng và vững chắc hơn cho Ấn Độ với sức mạnh tiềm tàng của thế hệ trẻ nước này.

Liệu tên lửa BrahMos không thể bị đánh chặn trong 20 năm tới? Ảnh: firangionindia.com

Với tựa đề “Tư duy để thay đổi: Chúng ta có thể làm được”, cuốn sách được viết bởi 2 nhà khoa học lừng danh này được coi như một lời kêu gọi, thúc giục thế hệ trẻ Ấn Độ bắt tay xây dựng lại nền khoa học lẫy lừng một thời của đất nước, cổ vũ họ đoàn kết lại và cùng lao động để tạo dựng một tương lai, nơi các ngành khoa học công nghệ tiên tiến được phát triển và ứng dụng một cách mạnh mẽ. 

“Chúng tôi tự vào rằng BrahMos, loại tên lửa hành trình siêu thanh duy nhất trên thế giới, biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Nga-Ấn (trong đó Ấn Độ cung cấp hệ thống dẫn đường, các thiết bị điện tử hàng không, phần mềm và các thành phần thân tên lửa…) đã được trang bị thành công cho cả Hải quân và Lục quân Ấn Độ cùng phiên bản phóng trên không trang bị cho Không quân sẽ sớm được triển khai trong vài năm tới”, ông Pillai cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

BrahMos là sản phẩm của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ và Xí nghiệp Quốc phòng NPO Mashinostroyeniya của Nga. Đây là loại tên lửa hành trình tàng hình được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga, có tầm bắn 290km, mang được đầu đạn thường nặng 300kg và tốc độ bay gấp 2,8-3 lần tốc độ âm thanh, nhanh gấp 3 lần Tomahawk của Mỹ. Trong quá trình bay, BrahMos có thể hạ thấp xuống độ cao khoảng 10m để tránh bị đánh chặn hoặc bị ra-đa đối phương phát hiện.

Mục tiêu chủ yếu của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là chống hạm. Nó có khả năng phóng từ tàu chiến, tàu ngầm (mới thử nghiệm thành công ngày 20-3-2013 tại Vịnh Bengal), máy bay và bệ phóng di động trên mặt đất. Động cơ của tên lửa hoạt động theo 2 giai đoạn: Đốt cháy nhiên liệu rắn để đẩy tốc độ tên lửa lên vận tốc siêu thanh và đốt cháy nhiên liệu lỏng để duy trì vận tốc đó. BrahMos sử dụng một công nghệ dẫn khí buồng đốt tiên tiến nên có tầm bay xa hơn các tên lửa cùng kích thước.

Cái tên BrahMos được ghép từ tên hai con sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga. Đây được coi là một trong những quân bài chiến lược của Quân đội Ấn Độ.

Bên cạnh công nghệ tên lửa, trong cuốn sách của mình, hai tác giả này còn đề cập đến những công nghệ mà họ tin tưởng sẽ là chìa khóa đối với tương lai của đất nước, bao gồm bộ ba công nghệ thông tin-sinh học-nano; robot, trí tuệ nhân tạo và khoa học nhận thức; công nghệ cảm biến; vật liệu; năng lượng cao; công nghệ hỗn hợp; vũ trụ; siêu thanh và công nghệ xanh.

HỮU ĐÔ (theo Brahmand)