Hạm đội “xe tăng bơi”

Năm 1724, hạm đội Dnepr của đế quốc Nga được thành lập trên con sông cùng tên. Sử dụng những con thuyền 18 mái chèo, trang bị pháo cỡ nhỏ, hạm đội đã tham chiến ở hai cuộc xung đột với đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào những năm 1735-1739 và 1787-1792. Tại đây, các con thuyền đã hỗ trợ hỏa lực, vận tải, bắc cầu và chiến đấu với tàu Ottoman, từ đó giúp Nga mở đường ra biển Đen.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M thuộc Hạm đội Caspi cùng tàu pháo đường sông. Ảnh: astrakhan-24.ru.

 

150 năm sau, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, hạm đội Dnepr được tái lập tại Liên bang Xô viết, với trọng trách hỗ trợ các binh đoàn Hồng quân phản công. Các tàu gỗ chèo tay thời xưa được thay bằng tàu máy bọc thép, chi viện đắc lực cho nhiệm vụ vận tải, vượt sông, đổ bộ, chiếm cầu và tấn công các đô thị có sông ngòi chảy qua. Ngày 30-4-1945, cùng với xe tăng, bộ binh, hạm đội Dnepr đã đi dọc các vùng ven biển Đông Âu, vượt qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch, tiến vào giữa lòng Berlin.   

Do chủ yếu trang bị tàu nhỏ, nhanh nhẹn, vũ khí chính là tháp pháo lấy từ xe tăng T-34, lại thường xuyên đối đầu với xe tăng Đức phòng thủ bờ sông, biệt danh “xe tăng bơi” được đặt cho các tàu này. Tính đến khi chiến tranh kết thúc, có nhiều “xe tăng bơi” được xuất xưởng hơn cả số tàu thuộc các hạm đội biển của Hải quân Xô viết. Mặc dù hạm đội bị giải thể sau chiến tranh, đường lối phát triển tàu hải quân của Liên Xô (Nga) sau này vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ kinh nghiệm tác chiến của hạm đội này.

Từ “đạn biết bơi” đến “quả cầu lửa”

Ngày 21-10-1967, những thủy thủ thoát nạn trên tàu khu trục Eliat của Hải quân Israel cho biết, họ nhìn thấy 4 “quả cầu lửa” lao đến mạn tàu khi đang di chuyển ngoài khơi thành phố Port Said (Ai Cập). Hỏa lực phòng không trên tàu cố gắng bắn chặn nhưng vô hiệu. Chỉ với hai “quả cầu lửa” đầu tiên, con tàu 1.700 tấn gãy làm đôi.

Đó là lần đầu tiên tên lửa chống hạm được sử dụng để đánh chìm tàu chiến. Đáng chú ý là 4 tên lửa tiêu diệt tàu Eliat được phóng đi từ hai tàu tên lửa lớp Komar do Liên Xô sản xuất, có lượng giãn nước chỉ 66 tấn, cho thấy tàu cỡ nhỏ với tên lửa chống hạm hoàn toàn có thể tiêu diệt mục tiêu lớn hơn nhiều.

Tàu tên lửa là sự phát triển kế tiếp của tàu phóng lôi, có tốc độ cao, chuyên tấn công tàu chiến mặt nước. Nhưng so với ngư lôi “bơi” dưới nước, tên lửa chống hạm có tốc độ bay đạt tới siêu âm và tầm bắn xa hơn.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều trang bị tàu tên lửa cho hải quân, một lựa chọn hiệu quả để bảo vệ vùng ven biển và vùng đặc quyền kinh tế. Với Liên Xô (Nga), tàu tên lửa còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của đất nước, vận dụng kinh nghiệm hàng trăm năm về tác chiến tàu pháo đường sông kết hợp với các tiến bộ công nghệ mới.

Vươn về thượng nguồn

Do sông ngòi, kênh đào hình thành mạng lưới nằm sâu trong lãnh thổ Nga, được bảo vệ bởi lục quân, phòng không-không quân và tác chiến điện tử hai bên bờ, các tuyến đường thủy nội địa an toàn hơn nhiều so với di chuyển ven biển và vượt đại dương.

Không những thế, nước Nga đã hoàn thành và liên tục mở rộng hệ thống đường thủy huyết mạch EGTC trải dài theo chiều dọc đất nước, kết nối 5 vùng biển: Baltic, Kara, Barents, biển Đen và biển Caspi. Thủ đô Moscow-trung tâm của hệ thống này-có biệt danh mới là “Thành phố cảng của 5 vùng biển” dù nằm cách bờ biển gần nhất 700km.

Tuyến đường này đem lại khả năng cơ động Bắc-Nam chưa từng có cho Hải quân Nga. Các hạm đội cách nhau hàng nghìn ki-lô-mét đại dương có thể chi viện cho nhau, thậm chí cho cả các lực lượng mặt đất trong thời gian vài ngày.

Có thể lấy ví dụ, biển Caspi là vùng biển kín, thông ra các đại dương trên thế giới bằng kênh đào nối hai dòng sông Volga và sông Đông. Kênh đào được thiết kế cho tàu có chiều rộng tối đa 16,6m, mớn nước 3,5m đi qua, cho phép các tàu tên lửa giãn nước 500-1.500 tấn của Hải quân Nga vận động dễ dàng qua hai dòng sông, từ đó di chuyển giữa biển Caspi và biển Đen. Khả năng cơ động này giúp hạm đội Caspi trong một thời gian ngắn có thể tăng cường cho hạm đội biển Đen và ngược lại.

Không chỉ hỗ trợ cho nhau, hải quân có thể tham gia vận tải trang thiết bị, nhân lực, đem hỏa lực mạnh cơ động theo chiều dọc nước Nga. Trước kia, nếu các tàu cỡ nhỏ trên sông, ven biển bị giới hạn ở pháo và súng máy thì ngày nay, tên lửa chống hạm và phòng không đã vươn dài tầm tác chiến lên hàng chục lần.

Ngày 7-10-2015, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quân nổi dậy ở Syria bị tấn công bởi 26 tên lửa Kalibr phóng đi từ 3 tàu tên lửa lớp Buyan-M và một tàu hộ vệ lớp Gepard thuộc hạm đội Caspi. Tên lửa đã bay quãng đường 1.500km, cho thấy Hải quân Nga có thể tấn công chính xác mục tiêu sâu trong lục địa bằng tên lửa hành trình từ khoảng cách hàng nghìn ki-lô-mét. Đáng chú ý hơn, loại tên lửa này được trang bị trên tàu nhỏ như Buyan-M có lượng giãn nước 1.000 tấn và tương lai là các tàu khác nhỏ hơn.

Các tàu này có thể tác chiến trên sông, hỗ trợ hỏa lực pháo, tên lửa hành trình tương đương nhiều tiểu đoàn lục quân, hoặc hình thành ô phòng không bảo vệ các cơ sở quan trọng ven sông, ven biển và sâu hơn vào trong lục địa.

Không chỉ các thành phố quan trọng của Nga, đa số các đô thị lớn trên thế giới đều đặt nền móng bên bờ các dòng sông. Do đó, các tàu tên lửa với tiến bộ về vũ khí dẫn đường tầm xa hiện nay là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ lãnh hải và cả lãnh thổ.

ĐĂNG SƠN