QĐND - Từ ngày 9 đến 20-11, 2.000 binh sĩ từ 9 nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành tập trận tại Lít-va. Đây là một trong những cuộc tập trận lớn trong năm 2015 của NATO bên cạnh nhiều cuộc diễn tập, tập trận lớn, nhỏ khác. Mục đích của các cuộc tập trận trên được giới phân tích nhận định là nhằm củng cố sự hiện diện quân sự của NATO tại Địa Trung Hải, đồng thời đối phó với sự ảnh hưởng của Nga tại khu vực này...
Cuộc “đọ sức” ở Đại Tây Dương
Cuộc tập trận trên mang tên Iron Sword (Kiếm sắt) với sự tham gia của 2.000 binh sĩ từ 9 nước thành viên NATO, gồm Anh, Hung-ga-ri, Đức, Ca-na-đa, Lát-vi-a, Lít-va, Ba Lan, Mỹ và Séc, cùng với Gru-di-a. Nhiệm vụ cuộc tập trận là hoàn thiện khả năng hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị của các đối tác trong NATO trong việc thực hiện những chiến dịch phòng thủ và tấn công. Xe tăng Abrams của các đơn vị quân đội Mỹ đóng tại Lít-va trong khuôn khổ sứ mệnh của Mỹ "Quyết tâm Đại Tây Dương" cũng tham gia cuộc tập trận này.
 |
Các binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Iron Sword. Ảnh: abnews.ru
|
Trước đó vài ngày, NATO cũng vừa kết thúc cuộc tập trận Trident Juncture 2015 ở ba nước I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong hơn 10 năm qua với sự tham gia của 36.000 binh sĩ, 140 máy bay, 90 tàu chiến và tàu ngầm của 30 quốc gia. Cuộc tập trận được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu mang tính tham mưu-chỉ huy diễn ra từ ngày 3 đến 16-10 và giai đoạn hai diễn ra trên thực địa từ ngày 21-10 đến 6-11. Cuộc tập trận gồm mọi tình huống xung đột quân sự hiện đại, trừ tấn công hạt nhân. Các nội dung tập trận bao gồm đáp trả cuộc tấn công lớn trên biển, trên không; tiến hành không kích vào các mục tiêu của đối phương; bảo đảm khống chế trên không trung; tiến hành tiếp nhiên liệu trên không; đổ bộ lên bờ biển; các hoạt động tác chiến của lục quân cũng như các hoạt động hậu cần.
Theo Phó tổng thư ký NATO A-lếch-xan-đơ Vơ-sơ-bâu (Alexander Vershbow), mục đích của cuộc tập trận là nhằm kiểm tra khả năng của Lực lượng phản ứng nhanh của NATO gồm lực lượng hải, lục, không quân và lực lượng đặc nhiệm. Tăng cường lực lượng phản ứng nhanh là nỗ lực chính của NATO nhằm đối phó với những thách thức mới. Ông Vơ-sơ-bâu bác bỏ ý kiến cho rằng "kẻ thù xâm lược" hư cấu trong kịch bản tập trận là Nga. Nhưng sau đó, ông lại gần như xác định giả thiết này: “Không phải như thế nhưng không có nghĩa những gì chúng tôi đang nhắm đến và kiểm tra các lực lượng của mình không giống với những thách thức mà chúng tôi đang đối phó khi xung đột với Nga”.
Thời gian gần đây, cả Nga và NATO liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận với quy mô lớn, nhỏ khác nhau ở khu vực Địa Trung Hải. Theo báo cáo hồi đầu năm của Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (ELN), một tổ chức nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), trong năm 2015, NATO lên kế hoạch tiến hành khoảng 270 cuộc diễn tập, trong khi Nga thông báo tiến hành 4.000 cuộc tập trận lớn nhỏ ở mọi cấp độ. Hồi tháng 3 vừa qua, Nga đã huy động tới 80.000 binh sĩ tham gia một cuộc tập trận lớn, trong khi cuộc tập trận "Lá chắn đồng minh" của NATO trong tháng 6 có sự tham gia của 15.000 quân từ 19 quốc gia thành viên và 3 nước đối tác. Mát-xcơ-va lý giải rằng, sự hiện diện quân sự của NATO trên biên giới nước Nga là bất thường và đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, NATO khẳng định về sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của khối nhằm đáp ứng sự gia tăng của các lực lượng vũ trang Nga.
Nguy cơ gia tăng xung đột
Sự gia tăng về quy mô và số lượng các cuộc tập trận của Nga và NATO đang làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai bên. Theo ông I-an Kê-an (Ian Kearns), Giám đốc ELN, các cuộc tập trận liên tiếp của Nga và NATO "đang góp phần tạo ra bầu không khí ngờ vực lẫn nhau" và "có lúc đẩy lên thành tiêu điểm của những cuộc đối đầu quân sự giữa NATO và Nga". Theo ông, các cuộc diễn tập quân sự mà Nga và NATO tiến hành có thể làm tăng nguy cơ nổ ra các cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm.
Theo RIA Novosti, quan hệ giữa Nga và NATO đang ở vào thời điểm xấu nhất kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh do những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng U-crai-na và việc Crưm sáp nhập vào Nga. Nga và NATO đã cắt đứt quan hệ hợp tác, đồng thời hai bên liên tục có các hành động gia tăng sức mạnh quân sự nhằm răn đe lẫn nhau.
Hiện nay, NATO đang lo ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga ở Địa Trung Hải, khu vực Trung Đông, và nhất là việc Nga tiến hành không kích chống IS ở Xy-ri. Điều này buộc NATO phải phác thảo các đề xuất cho "chiến lược phía Nam" nhằm phản ứng với tình trạng bất ổn gia tăng trên khắp Trung Đông cũng như sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Nga tại phía Nam eo biển Bô-xpho. Theo Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg), chiến lược này sẽ tập trung vào một loạt biện pháp như tăng cường hoạt động giám sát và trinh sát của các lực lượng NATO trên Địa Trung Hải, triển khai binh sĩ NATO đến làm cố vấn tại các nước bị khủng hoảng trên khắp Bắc Phi và Trung Đông, cũng như tăng cường việc triển khai lực lượng quân sự thường trực của NATO ở khu vực này. Ông Gien Xtôn-ten-béc nhấn mạnh, "chiến lược phía Nam" sẽ bao gồm việc thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn và thường xuyên hơn trên khắp khu vực. "Chúng tôi sẽ thảo luận chiến lược phía Nam ở cấp Ngoại trưởng vào ngày 1 và 2-12 tới", ông Gien Xtôn-ten-béc nói với tờ Financial Times.
BÌNH NGUYÊN