Tổ hợp tên lửa phòng không “Tan-SAM” của Nhật Bản được sử dụng để bảo vệ các sân bay quân sự, các căn cứ hải quân cùng các mục tiêu quan trọng có giá trị chiến lược khác.

Tan-SAM được Bộ Tư lệnh phòng không Lục quân Nhật Bản (JGFDS) bắt đầu triển khai nghiên cứu và chế tạo vào năm 1966, đến năm 1969 cơ bản hoàn thành các nguyên mẫu hệ thống độc lập của tổ hợp. Đầu năm 1970, Nhật Bản bắt đầu tiến hành thử nghiệm tất cả các hệ thống độc lập của tổ hợp này, đến cuối năm 1979 đã cơ bản hoàn thành chương trình thử nghiệm.

Năm 1980 tổ hợp tên lửa phòng không “Tan-SAM” đã chính thức được đưa vào biên chế trong Bộ Tư lệnh phòng không Lục quân Nhật Bản, thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản (nay là Bộ Quốc phòng Nhật Bản) với mật danh Type 81. Các thành tố đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không loại này đã được triển khai ở khu vực phía Bắc đảo Hokkaido.

Sau đó, tổ hợp tên lửa “Tan-SAM” đã được đưa vào biên chế trong lực lượng Không quân Nhật Bản (JASDF) để thực hiện nhiệm vụ phòng không, bảo vệ các căn cứ không quân, trực thuộc tiểu đoàn hỗn hợp phòng không cùng tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” và tổ hợp tên lửa bắn giàn phản lực “Stinger”.

Được biết, vào năm 1995, Nhật Bản đã tiến hành sản xuất gần 1.800 tên lửa phục vụ cho tổ hợp tên lửa phòng không loại này. Hiện, trong biên chế của Lục quân Nhật Bản đang có khoảng 57 tổ hợp tên lửa phòng không “Tan-SAM”, Không quân có 30 và Hải quân là 6.

Hiện nay, Nhật Bản đang tiến hành sản xuất hàng loạt phiên bản hiện đại hóa của “Tan-SAM” là “Tan-SAM-kai” với tầm bắn xa hơn, cơ chế gây nhiễu tốt hơn và hiệu quả tác chiến cao hơn so với nguyên mẫu ban đầu “Tan-SAM”. “Tan-SAM-kai” được trang bị đầu đạn tự dẫn bằng radar tích cực. Đến nay, vẫn chưa rõ liệu tổ hợp tên lửa phòng không này đã xuất khẩu ra nước ngoài hay chưa, chỉ biết rằng, “Tan-SAM-kai” được cấu thành từ hệ thống chỉ huy tác chiến, hai thiết bị phóng mang 8 tên lửa cùng các trang thiết bị bảo đảm khác.

Tổ hợp tên lửa phòng không “Tan-SAM” là loại tên lửa một lớp, nhiên liệu cứng, hoạt động ở cơ chế khí động lực học thông thường, dẫn đường hỗn hợp, giai đoạn đầu sử dụng dẫn đường theo quán tính và tự dẫn ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay của tên lửa.

Trước khi phóng, góc lệch sẽ được lập trình bằng các phương tiện tính toán từ buồng chỉ huy tác chiến nhằm tránh hướng phóng tên lửa theo hướng mặt trời. Sau khi phóng tên lửa tới một điểm nhất định nào đó đã được lập trình trước, tên lửa sẽ tiến hành quét khu vực không gian phía trước để tìm kiếm mục tiêu cần tiêu diệt.

Tên lửa được trang bị đầu nổ mảnh, dạng tiếp xúc và không tiếp xúc, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 5-15 m tùy thuộc vào loại mục tiêu. Động cơ nhiên liệu cứng với lực đẩy 8.400 kgs sẽ bảo đảm cho tên lửa có thể hoạt động ở tốc độ tối đa 840 m/s.

Khi bắn vào mục tiêu đang bay ở tầm thấp trong điều kiện đối phương có sử dụng bảo vệ điện tử tích cực, tên lửa sẽ được dẫn đường bằng quang học. Kính ngắm quang học đều được trang bị cho mỗi thiết bị phóng.

Biên chế tác chiến của tổ hợp tên lửa phòng không “Tan-SAM” là 15 người, gồm người chỉ huy, nhân viên quan sát radar và 2 điều khiển phóng. Khoảng cách giữa sở chỉ huy tác chiến và thiết bị phóng khoảng 300 m, liên lạc với nhau bằng dây cáp hoặc vô tuyến. Tổng thời gian triển khai tổ hợp tên lửa này khoảng 30 phút. Các thành tố tác chiến của tổ hợp này có thể được di chuyển nhờ máy bay trực thăng V-107II-4/IIA-4 hoặc CH47J “Chinook” trong khoảng cách 100 km.

Tổng trọng lượng của sở chỉ huy tác chiến là 3.054 kg, được gắn cố định trên càng xe ô tô chuyên dụng Type 73 (6x6), trọng lượng càng xe gần 3.000 kg. Sở chỉ huy tác chiến gồm có máy phát điện công suất 30 KW đặt ở phía đuôi càng xe. Trên nóc cabin xe có bố trí thiết bị radar có thể quét trong phạm vi 30 km.

Chỉ cần 8 giây, kể từ khi hệ thống radar phát hiện ra mục tiêu, tên lửa thứ nhất sẽ được phóng đi và sau đó 6 giây có thể tiếp tục phóng tên lửa thứ hai. Để có thể phóng 2 tên lửa khác nhau cần khoảng 40 giây và thời gian tiếp đạn khoảng 3 phút.

Một số đặc tính kỹ thuật của tổ hợp tên lửa “Tan-SAM”: tầm bắn xa tối đa 7 km, tối thiểu 0,5 km; tầm bắn cao tối đa 3 km, tối thiểu 0,015 km; tên lửa có chiều dài 2.700 mm, đường kính 160 mm, sải cánh 600 mm; trọng lượng phóng của tên lửa 100 kg, trọng lượng đầu đạn 9 kg; tốc độ bay của tên lửa 2,4M.

Hữu Kỷ (Theo Military)