QĐND Online - Mới đây, đại diện Lầu Năm góc tuyên bố sẽ triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không chiến thuật PAC-3 Patriot và chiến đấu cơ F-16 Block 52 sang tập trận Eager Lion 2013 ở Jordan và một số đơn vị vũ khí này sẽ ở lại để bảo vệ quốc gia Cận Đông này. Tuyên bố trên đã gây quan ngại sâu sắc về kịch bản Mỹ, Phương Tây can thiệp quân sự vào Syria và là con bài đối trọng với việc Nga gần đây đưa ra tuyên bố cung cấp S-300 và Mig-29M/M2 cho Syria. Nhiều chuyên gia nhận định, động thái trên của Mỹ sẽ làm thay đổi căn bản sự cân bằng cán cân quân sự tại vùng Cận Đông.

Vũ khí luôn được Mỹ sử dụng như con bài chính trị để nắn gân và mặc cả đối với nhiều quốc gia. Ảnh: PAC-3 Patriot.

Ngày 4-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ thất vọng khi Phương Tây quyết định hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Theo ông V. Putin, bất kỳ nỗ lực này muốn gây ảnh hưởng ở quốc gia Cận Đông này bằng vũ lực sẽ thất bại và mang lại thảm họa nhân đạo. Ngoài ra, động thái trên cũng làm tình hình Syria thêm rối ren trước thềm hội nghị quốc tế về giải pháp hòa bình ở nước này dự định tổ chức ở Geneva.

Theo lãnh đạo EU, Herman Van Rompuy, sau khi tổ chức này bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí chống Syria, các quốc gia châu Âu sẽ tự quyết định vấn đề này. “Nhiều thành viên EU đã quyết định không cung cấp vũ khí cho các bên ở Syria để đảm bảo cho sự thành công của hội nghị ở Geneva”, ông H. Van Rompuy cho biết. Tuy nhiên, Anh và Pháp đã quyết định sẽ ủng hộ phe đối lập ở Syria.

Sự chuẩn bị trước

Jordan, quốc gia láng giềng của Syria, đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tập trận quốc tế quy mô lớn hằng năm Eager Lion 2013 với sự hỗ trợ “nhiệt tình” của Lầu Năm góc. Tham gia cuộc tập trận này là quân đội các quốc gia đến từ 3 châu lục: Mỹ, Canada, Anh, Italia, Pháp, CH Czech, Ba Lan, Qatar, Lebanon, UAE, Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain, Ai Cập, Jordan, Iraq và Yemen.

Điểm khác biệt tại Eager Lion 2013 là sau khi cuộc tập trận kết thúc, quân đội các nước có thể ở lại Jordan “nếu chính quyền quốc gia sở tại có yêu cầu”. “Để tăng cường khả năng phòng thủ của Jordan, sau cuộc tập trận, một số đơn vị vũ khí có thể tiếp tục ở lại quốc gia Cận Đông này nếu chính phủ Jordan yêu cầu”, đại diện Lầu Năm góc cho biết. Liên quan tới sự việc, báo giới Israel nhận định, đó chính là động thái chuẩn bị trước để “trong tình huống cần thiết có thể can thiệp quân sự nhanh vào Syria”.

Đối với các quốc gia Cận Đông giàu có, ấn tượng về Iran "hung hãn" là con bài tốt để Mỹ tăng doanh số bán vũ khí cho các nước này.

Nhiều khả năng, Mỹ sẽ để lại các đơn vị tên lửa phòng không PAC-3 Patriot và chiến đấu cơ F-16 tại Jordan.

Phản ứng trước tuyên bố trên của Lầu Năm góc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Lukashevich tuyên bố: “Khu vực Cận Đông đang xuất hiện một lực lượng quân sự lớn từ nước ngoài. Lực lượng này lại được triển khai gần Syria, quốc gia đang nội chiến và cũng là nơi chúng tôi cùng với Mỹ đang có gắng giải quyết thông qua một hội nghị quốc tế”.

PAC-3 – “Nhân tố bất ổn”

Chuyên gia quân sự Syria nhận định, việc cung cấp vũ khí, trang bị của Mỹ đều kèm theo các thông điệp. Đối với Jordan, nếu việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 Block 52 chỉ để tăng cường sức mạnh cho không quân nước này, thì PAC-3 Patriot không chỉ là sự thay đổi về chất không chỉ với Jordan, mà còn là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm gửi tới Syria và Iran.

Patriot PAC-3 được nâng cấp từ Patriot PAC-2 với đạn tên lửa GEM-T ( Guidannce enhanced missile) sử dụng nhiên liệu rắn một tầng tấn công trực tiếp cơ động cao. PAC-3 đảm bảo khả năng đánh chặn các mục tiêu bay và tên lửa đạn đạo của đối phương có tầm bắn tới 1.000 km. Nhờ việc thu gọn kích thước đạn tên lửa, mỗi bệ PAC-3 bố trí được tới 16 đạn. Điểm mạnh của PAC-3 so với phiên bản trước đó là nâng cao xác suất đánh chặn tên lửa của đối phương nhờ giao thức Hit to kill (va chạm động năng) và những cải tiến đáng kể của hệ thống ra-đa phát hiện, dẫn bắn tên lửa.

PAC-3 có thể tấn công mục tiêu bay ở khoảng cách 100 km trong mọi điều kiện và theo dõi trực tiếp 100 mục tiêu cùng lúc.

Jordan hiện không có hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa cấp chiến thuật. Quân đội quốc gia Cận Đông này sở hữu khoảng vài các tổ hợp PAC-2 (MIM-104C) đời cũ.

Cần nhấn mạnh rằng, trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (năm 1990), Israel đã rất kỳ vọng vào khả năng bảo vệ của PAC-2 đối với tên lửa đạn đạo bắn tới từ Iraq, nhưng dòng tên lửa đánh chặn này có “màn trình diễn” không mấy thành công. Khác xa những lời quảng cáo, PAC-2 chỉ có thể bắn hạ được 20% mục tiêu và hệ thống ra-đa dẫn bắn, chỉ huy trong tổ hợp có nhiều thiếu sót. Sau sự kiện trên, Israel đã “hắt hủi” PAC-2 để tập trung vào phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa nội địa Arrow.

So với PAC-2, PAC-3 là bước nhảy vọt đối với quân đội Jordan khi có trong tay tổ hợp phòng thủ tên lửa đúng cấp chiến thuật đúng nghĩa về mặt lý thuyết.

Dù đã có mặt hay chưa ở Syria, nhưng S-300 đã làm Phương Tây và Israel rất quan ngại và lo lắng.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là PAC-3 chưa bao giờ được thử lửa. Với tiềm lực tên lửa của Syria, chưa kể tới Iran, một vài tổ hợp PAC-3 sẽ không đủ khả năng ngăn chặn. “Mỹ chỉ ra hướng giải quyết, nhưng chưa phải là lối thoát”, chuyên gia quân sự Syria nhận định. Còn đối với việc cung cấp chiến đấu cơ F-16, chuyên gia Syria cho biết, Jordan hiện sở hữu khoảng 60 chiến đấu cơ F-16A/B, việc cung cấp thêm chiến đấu cơ loại này chỉ giải quyết vấn đề về lượng hơn là về chất. “Mặc dù F-16 cung cấp có thể là phiên bản Block 52 với nhiều trang bị điện tử tiên tiến, nhưng đó mới chỉ là tin đồn, chưa có thông tin xác thực”, vị này nói.

Chắc chắn Iran sẽ không ngồi yên với động thái trên của Mỹ tại Jordan, khi “vòng vây cô lập” đang từ từ siết chặt xung quanh nước này.

F-16 vs Mig-29 – Đối thủ xứng tầm

Tổng biên tập Tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” Nga, Andrey Frolov bày tỏ nghi ngờ khả năng Jordan được cung cấp F-16 phiên bản Block 52, mà chỉ có thể là phiên bản kém hơn là F-16C.

So sánh với chiến đấu cơ Mig-29M/M2 Nga có thể cung cấp cho Syria, ông A. Frolov cho biết, Mig-29 phiên bản này có nhiều ưu thế hơn so với F-16C. Tuy nhiên, ông này cũng nghi ngại đây có thể là bước đi nghi binh của Nga và Syria.

Bản thân nhà chế tạo vũ khí cũng khó có thể xác định được đây là loại vũ khí dùng cho tấn công hay phòng thủ. Về S-300, ông A. Frolov nói: “Đối với chúng tôi, S-300 là vũ khí phòng thủ và phía Mỹ chắc cũng coi Patriot với nghĩa tương tự. Tuy nhiên, điều tương tự này không tồn tại ở việc cung cấp chiến đấu cơ”.

“Các chiến đấu cơ F-16 và Mig-29 đều là phiên bản đa nhiệm và chúng có thể mang vũ khí đối đất. Có thể không phải là bom, nhưng là vũ khí tấn công. Israel đã sử dụng chiến đấu cơ F-15, F-16 cho các nhiệm vụ tấn công Syria và Lebanon, nhưng Phương Tây lại không lên tiếng chỉ trích!”, ông A. Frolov cho biết.

Ngoại giao bằng vũ khí

Tháng 2-2013, NATO đã triển khai PAC-3 Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ với lý do bảo vệ nước này khỏi cuộc nội chiến tại Syria và tới gần đây lại tới Jordan, quốc gia được cho là “thân thiện” với Mỹ.

Chiến thuật mới quân đội Syria đang sử dụng đã mang lại những hiệu quả bước đầu khi giành được quyền kiểm soát thành phố chiến lược  al qusayr và làn nản lòng các thế lực nước ngoài muốn hạ bệ Tổng thống Bashar al Assad trước tổng tuyển cử năm 2014.

Tờ Le Figaro của Pháp đăng tải, từ năm 2012, Jordan đã lên kế hoạch triển khai 4 tổ hợp tên lửa Patriot ở khu vực biên giới giáp Syria và đang lên kế hoạch mua 1 tổ hợp PAC-3 Patriot đã qua sử dụng của Đức. Động thái trên được cho là ngầm ủng hộ Israel vì PAC-3 không chỉ có khả năng bao quát Syria, mà còn cả Iran.

Sau các thông tin từ Nga về khả năng cung cấp S-300 và Mig-29 cho Syria, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu của Israel ở Jerusalem, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, việc Syria sở hữu S-300 và Iran cung cấp vũ khí cho nước này là yếu tố gây bất ổn trong khu vực. Sau đó, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Martin Dempsey nhấn mạnh: “Đó (việc Nga cung cấp S-300 cho Syria) là quyết định không hợp thời để đảm bảo cho sự tồn tại của chính quyền Syria đương nhiệm”. Và ngay lập tức Mỹ đã có câu trả lời với Nga ở Jordan.

TUẤN SƠN (tổng hợp)