Sức mạnh nằm ở tính tự động hóa và tích hợp cao

QĐND Online - Trái tim chính của tổ hợp S-400 chính là trạm điều khiển trung tâm 55K6E. Trạm này có tác dụng tiếp nhận, tổng hợp các thông tin do radar nhìn vòng 91N6E Big bird cung cấp. Từ đó xử lý thông tin, nhận dạng và phân biệt mục tiêu (tích hợp chức năng phân việt bạn thù – IFF) và đưa ra mệnh lệnh cho các nhóm chiến đấu. Lõi xử lý hệ thống Elbrus-90 mikro và các kênh liên kết cho phép 55K6E chia sẻ thông tin với các tổ hợp vũ khí phòng không đồng minh.

Xe chỉ huy 55K6E.

Điểm mạnh của 55K6E là khả năng liên kết đa kênh với các đơn vị 98Zh6E ở khoảng cách tới 100 km (qua sóng radio, dây hữu tuyến, thậm chí là cáp điện thoại thông thường). Thông tin truyền tải đều được số hóa và quá trình xử lý thông tin hoàn toàn tự động giúp giảm số lượng nhân sự, nhưng vẫn đảm bảo khả năng tác chiến của tổ hợp gần theo mốc thời gian thực.

“Tai mắt” của S-400 chính là đài radar nhìn vòng 91N6E Big Bird. Được biết tới là một biến thể của radar phòng thủ tên lửa chiến thuật (ABM), radar 91N6E đảm nhận chức năng phát hiện, theo dõi, nhận dạng mục tiêu bay.

Đài radar nhìn vòng 91N6E Big Bird.

Thế hệ radar phòng không này có thể hoạt động trong môi trường bị nhiễu nặng. Sử dụng cơ chế quét điện tử mạng pha thụ động (PESA), 91N6E Big Bird có 2 chế độ quét nhìn vòng thông thường và chế độ quét tập trung vào các khu vực nhất định tăng khả năng phát hiện mục tiêu.

Dẫn bắn và bám sát mục tiêu là nhiệm vụ của radar 92N6E Grave Stone. Khác biệt so với radar 91N6E Big Bird sử dụng PESA, 92N6E Grave Stone lại dùng cơ cấu mạng pha quét điện tử chủ động (AESA) để theo dõi mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa trong tổ hợp. Trong điều kiện tác chiến, 92N6E Grave Stone có thể theo dõi tới 100 mục tiêu và dẫn bắn tên lửa vào 6 mục tiêu trong số đó. Khả năng kháng, lọc nhiễu của 92N6E Grave Stone nằm ở việc radar này có thể nhảy tần phát sóng tự động làm các thiết bị gây nhiễu đối phương khó có thể “gây mù”.

Radar dẫn bắn 92N6E Grave Stone và xe phóng 5P85TE2.

Sự kết hợp giữa radar 91N6E Big Bird và 92N6E Grave Stone đã nâng cao đáng kể khả năng phát hiện, bám bắt các mục tiêu bay thấp, tàng hình của S-400. Tuy nhiên, khả năng tác chiến của S-400 sẽ còn được nâng cao hơn nữa khi được liên kết với các trạm radar cảnh giới: 59N6 Protivnik, GE, 67N6 Gamma DE, 96L6-1....

“Hoả lực” của tổ hợp S-400 là xe tải chuyên dụng BAZ-64022 chở theo ống phóng 5P85SE2/ 5P85TE2. Sử dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội (sau khi được đẩy khỏi ống chứa khoảng 30m, đạn tên lửa kích hoạt động cơ chính) giúp 5P85SE2/5P85TE2 có thiết kế đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo thời gian triển khai ngắn và góc bắn không giới hạn (phương thức phóng thẳng đứng). Việc triển khai các đơn vị 5P85SE2/ 5P82TE2 được thực hiện cùng các đơn vị radar dẫn bắn Grave Stone.

Ngoài ra, tổ hợp S-400 còn gồm các xe chở đạn 22T6-2/22T6E2, xe chở máy phát điện chuyên dụng 5156A và xe hậu cần 63T6A, 82Kh6/83Kh6A.

Toàn bộ các thành phần của S-400 đều được đặt trên xe dã chiến chuyên dụng có tính cơ động cao. Thời gian chuyển trạng thái chiến đấu của S-400 chỉ có khoảng 5 phút.

“Nỏ sắt vẫn thiếu…tên nhọn”

Mặc dù được giới thiệu có tầm bắn lên tới 400 km, nhưng thực tế S-400 hiện vẫn phải sử dụng đạn tên lửa của tổ hợp S-300 ( tầm bắn xa nhất đạt 250 km với đạn tên lửa của phiên bản S-300PMU2 Favorit). Dòng đạn tên lửa 40N6 với tầm bắn 400 km sử dụng đầu dò chủ động/bán chủ động hiện chưa được giới thiệu chính thức. Hoàn thành thử nghiệm cấp quốc gia từ năm 2010, tới thời gian gần đây, Nga mới tuyên bố bắt đầu sản xuất hàng loạt đạn tên lửa mới này. Thông tin và hình ảnh về loại đạn tên lửa mới này hiện chưa được công bố.

Sau khi được trang bị, đạn tên lửa 40N6 sẽ là vũ khí chủ lực của S-400 đối phó lại với các dòng máy bay có giá trị cao của đối phương như: AWACS, JSTARS và máy bay đối kháng điện tử EA-6B/ EA-18G…

Hiện tại, vũ khí chính của S-400 vẫn là các dòng tên nửa 48N6E/48N6E2 (S-300) và 9M96E/ 9M96E2 do tổ hợp thiết kế Fakel phát triển. Cụ thể, 48N6E cung cấp phạm vi tấn công 100 km và 48N6E2 là 200 km.

Đạn tên lửa 9M96E và 9M96E2.

Thế hệ đạn tên lửa 9M96E/9M96E2 nhỏ gọn hơn được đánh giá tương đương và có phần vượt trội so với đạn tên lửa ERINT trong tổ hợp Ptriot PAC-3 của Mỹ. Đây cũng là thế hệ tên lửa phòng không cách tân của Nga khi áp dụng hình thức va chạm động năng (direct impact) để tiêu diệt mục tiêu. Cách tấn công này cần đạn tên lửa phải có khả năng linh động cao và được các chuyên gia đánh giá là phương thức hiệu quả để đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo có tốc độ bay lớn. Đạn tên lửa 9M96E có tầm bắn 40 km, còn 9M96E2 là 120 km.

Tuấn Sơn (tổng hợp)

S-400 Triumph – Sức mạnh đến từ sự kế thừa