Các loại tàu
Theo RIA Novosti, năm nay, hải quân Nga sẽ nhận được 32 tàu các loại. Trong số đó, có hai tàu ngầm hạt nhân lớp Borei-A là Knyaz Oleg và Generalissimo Suvorov mang theo tên lửa Bulava. Với khả năng tàng hình cùng hệ thống điều khiển và thông tin liên lạc hiện đại, những con tàu này sẽ giúp hải quân Nga tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu. Hạm đội phương Bắc thuộc hải quân Nga sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm diesel-điện đầu tiên lớp Varshavyanka thuộc Đề án 636.3. Tàu ngầm loại này có ưu điểm vượt trội là phát ra tiếng ồn cực thấp. Bởi vậy, các chuyên gia quân sự đánh giá đây là tàu ngầm êm nhất thế giới.
Các tàu tên lửa cỡ nhỏ cũng sẽ được cung cấp cho hải quân Nga trong năm nay. Đó là tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M mang theo hệ thống tên lửa đa năng Kalibr-NK. Với lượng choán nước 950 tấn, tàu lớp Buyan-M nhiều lần chứng tỏ hiệu quả khi trực chiến trong chiến dịch hỗ trợ Syria chống khủng bố. Ngoài ra, hải quân Nga cũng sẽ được tăng cường sức mạnh bằng các tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Karakurt. Tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Karakurt mang theo tên lửa hành trình Kalibr, pháo AK-176MA cỡ nòng 76,2mm và tổ hợp pháo phòng không tự động AK-630M cỡ nòng 30mm.
 |
Tổ hợp tên lửa phòng không S-350 Vityaz. Ảnh: TASS. |
Máy bay ném bom và trực thăng
Hàng loạt máy bay ném bom phiên bản cải tiến Su-34M sẽ được bàn giao trong năm nay. Theo các chuyên gia, xét về khả năng chiến đấu, Su-34M mạnh gấp đôi so với “người tiền nhiệm” Su-34. Ngoài ra, lực lượng không quân-vũ trụ Nga cũng đang chờ tiếp nhận các máy bay ném bom chiến lược Tu-160M. Là một phần của quá trình hiện đại hóa sâu, Tu-160M được trang bị thiết bị dẫn đường, hệ thống liên lạc và điều khiển, radar cùng hệ thống tác chiến điện tử hiện đại.
Đáng chú ý, năm 2021, quân đội Nga sẽ nhận được 10 chiếc trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-8AMTSh-VN. Để tăng khả năng sống sót trên chiến trường, Mi-8AMTSh-VN được trang bị hệ thống lái tự động kỹ thuật số cùng hệ thống phòng thủ trên không, tự động phát hiện các vụ phóng tên lửa vào trực thăng. Buồng lái của trực thăng được bảo vệ bởi lớp giáp làm bằng hợp kim titan. Sàn của khoang chở hàng và hai bên của trực thăng được bao phủ bởi lớp giáp kevlar nhẹ, có thể tháo rời. “Thợ săn đêm" phiên bản cải tiến cũng được tăng phạm vi phát hiện mục tiêu, khả năng tàng hình và công suất động cơ. Tất cả những điều này khiến Mi-8AMTSh-VN trở thành một phương tiện đa chức năng để thực hiện các nhiệm vụ tấn công và vận tải đường không.
Tên lửa
Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ nhận được 13 tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars và tên lửa siêu thanh Avangard. ICBM Yars được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách 11.000km. Còn với vận tốc Mach 20 (gấp 20 lần vận tốc âm thanh), Avangard có khả năng xuyên thủng hầu hết các lá chắn phòng không trên thế giới.
Lục quân Nga sẽ nhận được tổ hợp tên lửa phòng không S-500 Prometheus đầu tiên. Việc sản xuất hàng loạt S-500 Prometheus sẽ bắt đầu vào năm 2025. Ngoài khả năng đánh chặn mục tiêu khí động học, S-500 Prometheus còn có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay siêu thanh. Đặc biệt, S-500 Prometheus tấn công được các mục tiêu trong không gian và có khả năng đánh chặn mục tiêu ở phạm vi lên tới 600km và ở độ cao lên đến 200km. Được trang bị hệ thống radar hiện đại, S-500 Prometheus có thể phát hiện và bắn trúng đồng thời 10 mục tiêu đạn đạo, cũng như đánh chặn các đầu đạn bay ở tốc độ siêu thanh.
Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa phòng không S-350 Vityaz cũng sẽ về tay lục quân Nga trong năm nay. S-350 Vityaz được phát triển để thay thế tổ hợp tên lửa phòng không S-300 đã “già nua”. S-350 Vityaz được trang bị hai loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tên lửa tầm trung được dùng để tiêu diệt mục tiêu khí động học và vật thể bay theo đường đạn đạo ở khoảng cách 120km. Trong khi đó, tên lửa tầm ngắn làm nhiệm vụ tiêu diệt các vật thể bay ở tầm thấp như tên lửa hành trình, máy bay không người lái ở khoảng cách 15km. S-350 Vityaz cũng có khả năng tấn công cùng lúc 16 mục tiêu.
Kế hoạch trang bị vũ khí cho quân đội trong năm nay là một phần của chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2018-2027 của Nga. Nước này đã quyết định dành tới 2/3 ngân sách quốc phòng năm 2021 cho việc mua sắm và cải tiến vũ khí. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, đại dịch Covid-19 không thể cản trở những mục tiêu mà quân đội Nga đề ra. Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng với những diễn biến khó lường, hiện đại hóa kho vũ khí là ưu tiên hàng đầu của Moscow nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
LÂM ANH